Mùa hè 2006, Intel đã công bố bộ vi xử lý Intel Core 2 Duo dành cho máy tính để bàn tiết kiệm tới 40% điện năng tiêu thụ, đồng thời nâng cao hiệu suất hoạt động lên tới 40% so với bộ vi xử lý tốt nhất của Intel trước đó. Tính đến giữa tháng 10, Intel đã xuất xưởng 6 triệu sản phẩm này. Tháng 11-2006, Intel lại xuất xưởng các bộ vi xử lý bốn nhân Intel Core 2 Quad Core.
Máy tính xách tay hai nhân đầu tiên
Tháng 1-2006, Intel đã tung ra những chiếc máy tính xách tay hai nhân đầu tiên với sức mạnh của bộ vi xử lý Core Duo, nâng cao hiệu suất hoạt động của máy tính lên 30% và giảm lượng điện năng tiêu thụ hơn 20%, tiếp tục nâng cao thời gian hoạt động của pin, khả năng kết nối không dây và những mẫu máy có thiết kế bắt mắt được mang lại bởi nhãn hiệu Centrino nổi tiếng.
Đến tháng 6, Intel lại công bố bộ vi xử lý Core 2 Duo, nâng cao mạnh mẽ hiệu suất hoạt động lên tiếp hơn 20% nữa so với Core Duo. Các máy tính xách tay hiện nay đang là mảng thị trường máy tính có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất.
Ông Otellini, Tổng giám đốc Intel, đang giới thiệu bộ xử lý Core 2 Duo. |
Họ cũng đã thành công trong việc trình diễn chu trình xử lý sản xuất thế hệ tiếp theo là 45nanomet (nm) và dự kiến sẽ bắt đầu đưa 2 nhà máy 45nanomet (nm) vào sản xuất trong năm 2007. Các sản phẩm 45nanomet (nm) đầu tiên của Intel sẽ được đưa ra trong quý 1 năm 2007.
Nỗ lực của Intel về công nghệ lượng tử ánh sáng trên silicon, bao gồm công bố gần đây của Intel về một silicon laser, đang mở đường cho những thế hệ mới về khả năng kết nối nhanh giữa các chip, vượt qua các rào cản để có được những thiết kế chip máy tính nhanh hơn.
Mẫu robot tí hon của Intel đang trong quá trình phát triển là một minh chứng về những phương thức mà các chương trình phát triển đột phá của Intel đang góp phần tạo ra những ý tưởng mới trên tất cả các mặt của công nghệ.
Các nhà nghiên cứu của Intel liên tục mở rộng những phạm vi hạn hẹp của công nghệ và tìm hiểu nhiều hơn và sâu hơn về những phương thức và lý do con người sử dụng công nghệ. Ví dụ, một trong những siêu máy tính mạnh nhất tại châu Âu, Finis Terrae, sử dụng hơn 2.500 nhân bộ vi xử lý Intel Itanium 2 và sẽ được sử dụng chuyên cho các dự án nghiên cứu cộng tác toàn cầu.
Giải trí số, thúc đẩy Wimax
Tiếp nối sự thành công của nhãn hiệu Centrino dành cho máy tính xách tay với công nghệ kết nối mạng không dây, đầu năm 2006 Intel đã công bố công nghệ Intel Viiv dành cho máy tính giải trí tại gia đình và sau đó là Intel vPro, một nền tảng công nghệ dành cho các máy tính doanh nghiệp có khả năng bảo mật cao hơn và khả năng quản lý tốt hơn.
Intel đã hợp tác với nhiều “đại gia công nghệ thông tin” của thế giới như Anytime, AOL, DirecTV, NBC Universal, Shanghai Media Group, Yahoo… nhằm đẩy nhanh tính sẵn sàng của những nội dung giải trí số đầy hấp dẫn, từ Internet tới máy tính và TV, trong ngôi nhà của người sử dụng.
Động lực phát triển công nghệ truy cập Internet không dây Wimax được thể hiện bằng 250 dự án thử nghiệm trên toàn cầu trong năm 2006. Những thỏa thuận quan trọng và đầu tư kinh doanh từ Intel, Sprint, Motorola, Clearwire cũng như các công ty hàng đầu khác cũng đã góp phần tạo nên sự tăng trưởng mạnh mẽ cho công nghệ Wimax.
Một hệ thống mạng không dây nhanh hơn, phạm vi hoạt động rộng hơn và hiệu quả hơn về chi phí là cực kỳ thiết yếu để triển khai tầm nhìn “Internet ở mọi nơi” và dễ dàng hơn trong việc không dây hóa rất nhiều quốc gia trên toàn thế giới.
Thu hẹp khoảng cách số
Hơn cả những nhãn hiệu dành cho các thị trường chuyên biệt, Intel đang hợp tác với các quốc gia đang phát triển và các cộng đồng địa phương nhằm mang những lợi ích của máy tính tới cho mọi người.
Các nền tảng bao gồm Eduwise, Rural PC và “Discover the PC” mang lại các tính năng như: máy tính giáo dục dành cho trẻ em tại Trung Quốc; những tấm lưới chắn đặc biệt và một hệ thống pin dùng cho ô tô để chống sâu bọ; một chế độ cài sẵn trong máy giúp máy tính hoạt động ổn định tại các khu vực vùng sâu vùng xa - nơi điện năng cung cấp không ổn định.
Thông qua sáng kiến World Ahead và một khoản cam kết đầu tư 1 tỷ USD trong nhiều năm, Intel đang góp phần thu hẹp khoảng cách số và mang khả năng tiếp cận công nghệ tới cho các cộng đồng vùng sâu vùng xa - nơi các vấn đề như kinh tế, chi phí và giáo dục vẫn còn là những rào cản tiếp cận công nghệ của người dân.
KHẮC VĂN