Cá mập cái sinh con dù không gặp con đực suốt 4 năm

Một con cá mập cái ở vườn thú Brookfield tại Illinois sinh con non mặc dù không tiếp xúc với cá mập đực trong 4 năm qua.

Quá trình sinh con diễn ra hôm 23/8 sau 5 tháng mang thai và là ca sinh thứ hai không cần thụ tinh được ghi nhận ở cá mập epaulette (Hemiscyllium ocellatum) nuôi nhốt, Live Science hôm 9/11 đưa tin. Nhân viên chăm sóc động vật nuôi riêng cá mập non trong hai tháng để theo dõi. Hiện nay, con non dài 13 - 15 cm sẽ được trưng bày tại khu "Living Coasts" của vườn thú.


Cá mập epaulette non có vẻ khỏe mạnh và ăn tốt. (Ảnh: Vườn thú Brookfield).

Trinh sản (parthenogenesis) là một dạng sinh sản vô tính ở các loài sinh sản hữu tính trong điều kiện bình thường. Hiện tượng này được quan sát ở chim, cá mập, thằn lằn và rắn nuôi nhốt. Hồi tháng 6/2023, các nhà khoa học lần đầu tiên chứng kiến cá sấu trinh sản. Con cái của những loài có khả năng trinh sản sẽ đẻ trứng chứa tất cả thông tin di truyền cần thiết. Động vật có vú không thể sinh sản vô tính do cần gene đến từ tinh trùng.

Cá mập mẹ đến vườn thú Brookfield năm 2019 từ thủy cung New England. Từ sau đó, nó không sinh sống cùng con đực nào. Con cá mập thành thục vào năm ngoái khi 7 tuổi và bắt đầu đẻ 2 - 4 quả trứng mỗi tháng. Một trong những quả trứng đó phát triển thành phôi thai mà không cần thụ tinh bởi vật liệu di truyền của con đực.

Theo Mike Masellis, chuyên gia chăm sóc động vật ở vườn thú Brookfield, cá mập non đẻ thông qua trinh sản có thể rất mong manh. Tuy nhiên, cá mập epaulette mới đẻ dường như khá khỏe mạnh. Nó ăn tốt cá trứng cắt nhỏ, xúc tu mực băm và nhiều thức ăn mịn khác.

Cá mập epaulette chủ yếu hoạt động về đêm và có thể dài 1,1 m, theo Bảo tàng Australia. Chúng sống ở rạn đá Great Barrier ngoài khơi bang Queensland, Australia, từ mũi phía bắc của bán đảo Cape York tới quần đảo Capricorn và Bunker Group. Loài cá mập thuôn dài này được đặt tên theo đốm mắt lớn phía trên vây ngực, giúp chúng trông lớn hơn. Cá mập epaulette có thể đi bộ khoảng cách ngắn dưới đáy biển đầy cát, sử dụng vây ngực khỏe khoắn để di chuyển.

Cập nhật: 11/11/2023 VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video