Hai con cá mập beo cái sống trong thủy cung VinPearlland (Nha Trang) đã tự đẻ trứng mà không cần con đực. Sau khi ấp gần 5 tháng, chú cá mập con đơn tính đầu tiên đã chào đời, có chiều dài toàn thân 18cm.
Trong bể nuôi hoàn toàn không có sự hiện diện cá mập đực. Theo các chuyên gia Viện Hải dương học Nha Trang, đây là một hiện tượng bất thường trong tự nhiên và là lần đầu tiên ở Việt Nam cá mập sinh nở đơn tính.
Hai con cá mập mẹ sống ở thủy cung Vinpearlland hơn một năm nay. Sau một năm, con cái thứ nhất (dài hơn 2,5m) bắt đầu sinh sản đợt trứng đầu tiên. Chú cá con đơn tính vừa ra đời hồi cuối tháng 6 được ấp nở từ trong số trứng này.
Trứng và cá mập beo con vừa mới nở. (Ảnh: Tường Vi).
Đến nay cá mẹ thứ hai (dài hơn 2m) cũng bắt đầu đẻ. Trong hơn 10 trứng thu thập được, trên một nửa không có noãn hoàng (tương tự lòng đỏ của trứng gà) bên trong. Những trứng có noãn hoàng có thể sẽ bắt đầu phát triển phôi cá con bên trong, đang được thủy cung tiếp tục cho ấp.
Một chuyên gia Viện Hải dương học cho biết, sinh sản đơn tính, hay còn gọi là sinh sản đồng trinh, xảy ra khi trứng tự phát triển như phôi mà không cần tinh trùng của con đực. Hiện tượng này thường gặp trong một số loài côn trùng nhưng hiếm gặp ở cá, bò sát và chưa từng được phát hiện ở động vật có vú.
"Cho tới nay, cá mập vẫn chưa được coi là loài có khả năng sinh sản đơn tính. Hiện tượng này mới phát hiện một lần tại Mỹ. Ở Việt Nam đây là lần đầu tiên xuất hiện. Tuy nhiên, muốn có thông tin chính xác hơn thì phải kiểm tra ADN", chuyên gia này nói.
Chú cá mập beo con sinh sản đơn tính vừa tròn một ngày tuổi. (Ảnh: Tường Vi)
Viện Hải dương học cho rằng, đây là một phát hiện rất quan trọng và có ý nghĩa đặc biệt trong việc bảo tồn cá mập. Trong tự nhiên, cá mập là mục tiêu săn bắt, khiến số lượng loài động vật này giảm nghiêm trọng trong thời gian gần đây.
Hiện nay, thủy cung Vinpearlland đang nuôi 7 loài cá mập, đều là những loài nằm trong sách đỏ thế giới, có nguy cơ tuyệt chủng.