Con nhím nhiều khả năng bơi qua giữa hai hòn đảo ở Queensland và không may bị cá mập hổ đớp trúng.
Một nhóm nhà khoa học đến từ Đại học James Cook, bao gồm nghiên cứu sinh tiến sĩ Nicolas Lubitz bắt gặp cá mập hổ nôn ra một con nhím nguyên vẹn khi đeo thẻ cho hàng trăm động vật biển hoang dã dọc vùng ven biển của đảo Orpheus giữa Townsville và Lucinda, phía bắc bang Queensland vào tháng 5/2022, theo Guardian. Hành động bất ngờ của con cá mập khiến cả nhóm sững sờ.
Con cá mập hổ có thể nôn ra nhím do căng thẳng khi bị bắt. (Ảnh: Nicolas Lubitz).
"Giả thuyết của tôi là con nhím bơi từ đảo này sang đảo khác qua eo biển hẹp, có thể để tìm kiếm thức ăn hoặc bạn tình, và không may bị cá mập hổ lớn đớp gọn. Tôi rất bất ngờ bởi điều đó chưa bao giờ được ghi nhận trước đây. Tôi không nghĩ cá mập ăn nhím phổ biến cho lắm", Lubitz chia sẻ.
Lubitz theo dõi chuyển động và hành vi của những con cá mập lớn quanh vùng ven biển, tìm kiếm mối liên hệ giữa thức ăn có sẵn và biến đổi khí hậu. Anh cho rằng cá mập có thể tiêu hóa nhím nếu có cơ hội nhưng nhiều khả năng nó nôn nhím như một phản ứng do căng thẳng vì bị bắt và đeo thẻ. Con nhím vẫn nguyên vẹn chưa có dấu hiệu tiêu hóa chứng tỏ nó bị nuốt chửng trước đó 1 - 2 giờ.
Cá mập hổ có thể dài tới 6 m và chịu trách nhiệm gây ra số vụ tấn công người nhiều thứ hai trên thế giới, chỉ sau cá mập trắng. Chúng có sọc dọc sẫm màu ở lưng và hai bên thân, là động vật ăn xác thối kiếm ăn ở tầng nước nông. Dù cá mập hổ có ăn rác của con người, dường như đây là lần đầu tiên loài vật này ăn nhím. Theo Lubitz, cá mập hổ có răng cưa, việc chúng nhai con mồi hay nuốt chửng phụ thuộc vào kích thước. "Một con cá mập hổ lớn có thể nuốt chửng nhím. Chúng có thể cắn vỡ mai rùa và xé thịt rùa bằng hàm răng của mình", Lubitz nói.
Nhà nghiên cứu làm việc cho Hiệp hội đại dương Biopixel Oceans, cho biết cá mập hổ là động vật ăn thịt cơ hội sẽ ăn bất cứ thứ gì chúng có thể đánh bại hoặc giàu dưỡng chất. Cá mập ghé qua vùng biển ôn đới theo mùa và thường xuất hiện ở tây nam bang Western Australia và phía nam New South Wales.
Năm ngoái, nhóm nghiên cứu bắt được một con cá mập hổ khác. Nó cũng nôn ra thức ăn là mỡ và xương sống nguyên vẹn của bò biển non. Theo Lubitz, trường hợp cá mập hổ nôn ra xác nhím thể hiện mối liên hệ giữa mạng lưới thức ăn trên đất liền và ở biển mà giới khoa học chưa thực sự hiểu rõ.