Cá mập hóa thạch sống mang thai mắc lưới ngư dân

Một tàu đánh cá bằng lưới rà bắt được con cá mập yêu tinh nặng 800kg mang thai 6 con non ngoài khơi vùng biển phía đông bắc Đài Loan.


Xác cá mập yêu tinh mang thai với phần bụng căng phồng. (Video: Bảo tàng nghệ thuật hải dương Đài Loan).

Các ngư dân kéo con cá mập khác thường lên từ biển sâu hôm 13/6. Đây là con cá mập yêu tinh lớn nhất từng bị bắt ở vùng biển này. Ban đầu, họ định bán nó cho một nhà hàng, theo Bảo tàng nghệ thuật hải dương Đài Loan, nơi đang lưu trữ mẫu vật. Viện bảo tàng đã mua lại nó để trưng bày nhằm mục đích giáo dục trong tương lai.

Cá mập yêu tinh (Mitsukurina owstoni) nằm trong số những loài cá mập kỳ lạ nhất ở biển. Sinh vật mõm dài này là loài cư trú ở tầng đáy, có nghĩa chúng sống ở vùng nước gần đáy biển tại độ sâu 1.200 m. Bộ hàm chứa đầy răng nhọn như kim của chúng chìa ra ngoài để bắt con mồi như cá có xương, mực và loài giáp xác, sau đó rụt vào ở vị trí nghỉ bên dưới mắt, theo Bảo tàng Australia. Cá mập yêu tinh là thành viên còn sống duy nhất trong họ cá mập Mitsukurinidae có nguồn gốc từ 125 triệu năm trước trong kỷ Phấn Trắng. Kết quả so sánh giữa mẫu vật hiện nay và hóa thạch tiền sử cho thấy chúng hầu như không thay đổi theo thời gian.


Con cá mập dài 4,7m có phần bụng căng tròn chứa 6 con non.

Tuy cá mập yêu tinh thường có màu xám, mẫu vật kéo lên từ biển sâu có thể mang màu tím hồng nếu mạch máu bị phá hủy do thiết bị đánh bắt. Hình ảnh từ trang Facebook của bảo tàng cho thấy con cá mập dài 4,7m có phần bụng căng tròn chứa 6 con non. Cá mập yêu tinh giao phối qua thụ tinh trong và là động vật noãn thai sinh, có nghĩa con cái đẻ trứng bên trong cơ thể cho tới khi trứng nở, sau đó sinh con non. Ngư dân vô tình bắt con cá mập khi thả lưới ở đáy biển.

Các nhà bảo tồn hải dương lên án phương pháp đánh bắt trên bởi không thể phân biệt những gì bắt được, vì vậy ngư dân thường bắt một lượng lớn những loài vật vô tình lọt vào lưới và sau đó vứt bỏ. Nghiên cứu công bố trên tạp chí Fisheries Research cho thấy lưới rà chiếm gần 60% động vật thải ra từ hoạt động đánh cá hàng năm, tương đương 6 triệu tấn.

Thả lưới rà cũng phá hủy đáy biển, làm rối loạn hang cư trú của động vật, khuấy động trầm tích, thay đổi cấu tạo hóa học trong nước, giảm ánh sáng cần thiết để thực vật quang hợp. Phương pháp đánh cá này bị cấm ở một số nơi trên thế giới, bao gồm 90% đáy biển dọc bờ tây nước Mỹ.

Cá mập yêu tinh hiếm khi được quan sát hay ghi hình trong tự nhiên. Phần lớn những gì giới nghiên cứu biết về chúng đến từ mẫu vật bắt nhầm. Chúng không nằm trong danh mục loài nguy cấp do hoạt động của con người.

Cập nhật: 28/08/2024 VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video