Qua nghiên cứu, chiếc vây sau của loài cá Tiktaalik roseae có cấu tạo rắn chắc giúp chúng đi lại dễ dàng dưới nước.
Một báo cáo mới đây của các nhà cổ sinh vật học thuộc trường ĐH Chicago chỉ ra rằng, con cá 375 triệu tuổi có tên gọi là Tiktaalik roseae được phát hiện vào năm 2004 tại đảo Ellesmere, phía Bắc Canada có thể “đi bộ” dưới nước.
Qua nghiên cứu hóa thạch, các nhà nghiên cứu nhận thấy, loài cá Tiktaalik roseae này dài tới 2,7m, có răng sắc, đầu giống đầu cá sấu, thân dẹt, xương cũng có cấu tạo giống như động vật sống trên cạn, vây thay cho chân sau.
Nhà nghiên cứu Neil Shubin thuộc ĐH Chicago cho biết, sinh vật cổ đại này sở hữu đặc điểm giống cá như có một hàm nguyên thuỷ, vây và vảy, nhưng sọ, cổ, xương sườn hay bộ phận của các chi tương tự như động vật bốn chân. Không những thế, Neil Shubin còn chia sẻ: “Khi xem xét cái vây, chúng tôi thấy có loài cá đó có bả vai, một dạng cổ tay nguyên thủy - những yếu tố tương đồng với tất cả các động vật bước đi trên đất liền”.
Điều này là ví dụ điển hình nhất cho việc một hóa thạch cá đã làm "lung lay" ranh giới giữa hai dạng sống - giữa loài vật sống dưới nước với một loài sống trên cạn. Nó là bước tiến đánh dấu sự nhảy vọt trong quá trình tiến hóa từ động vật dưới nước lên động vật có xương sống.
Mô hình và bộ xương khai quật được của loài Tiktaalik roseae
Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu cũng chú ý đến phần vây sau của loài Tiktaalik roseae - được sử dụng như một đôi chân, giúp chúng "đi lại" dưới nước. Theo đó, những thay đổi về phần hông như có nhiều khớp nối, tia vây dài nối vào bụng đã hỗ trợ cho Tiktaalik di chuyển dễ dàng hơn.
Tuy vậy, các nhà cổ sinh vật học vẫn đang nghiên cứu để đi tìm lời giải cho việc, tác dụng của chiếc vây sau giống như chiếc chân đó sẽ được Tiktaalik sử dụng để đi bộ, bơi hay cả hai? Phải chăng, sự tiến hóa vây sau của cá Tiktaalik là chuỗi quá trình chuyển đổi dài của những sinh vật di chuyển từ vùng nước sâu đến vùng nước nông rồi đến vùng đầm lầy và cuối cùng, an cư trên mặt đất.