Cá sống dưới nước nhưng có bao giờ chúng khát nước?

Những điều thú vị về cá mà không phải ai cũng biết

Ai cũng biết cá sống dưới nước, nhưng liệu có bao giờ chúng uống nước? Câu hỏi này quá dễ ư? Sự thật không đơn giản như vậy đâu.

Tôi dám chắc là cả tôi và bạn có thể chưa từng thắc mắc về vấn đề trên trước khi đọc bài viết này. Tôi luôn nghĩ rằng con cá nào cũng cần uống nước cho đến khi đứa cháu 4 tuổi hỏi tôi rằng liệu cá có cần uống nước như con người hay không.

Đương nhiên là một người chú thì tôi phải tìm bằng được câu trả lời cho nó. Vậy thì cá có uống nước không?

Trả lời ngắn gọn thì là có. Nhưng nó tùy thuộc vào bạn đang nhắc đến loài cá nào. Về cơ bản thì cá nước ngọt không uống nước do nước sẽ làm máu của chúng quá loãng. Mặt khác, cá nước mặn lại uống rất nhiều nước để tích nước trong cơ thể.


Cá cũng có uống nước nhé.

Cá có khát nước?

Trong khi nói về việc cá có uống nước không thì tôi lại nghĩ đến câu hỏi liệu cá có thấy khát nước không? Ví dụ như với chúng ta, chúng ta chỉ uống nước khi cảm thấy khát. Cảm giác khát nước là một dạng tín hiệu của cơ thể báo hiệu cho chúng ta biết mình đang cần bổ sung nước.

Nhưng vấn đề lại trở nên phức tạp hơn một chút đối với cá.

Cá sống cả đời trong nước, vậy thì làm sao một sinh vật sống trong môi trường nước lại cảm thấy khát được? Bạn có cảm thấy đói khi trong nhà vẫn tràn ngập đồ ăn không?

Tuy nhiên!

Câu trả lời không đơn giản như vậy. Cá nước mặn và cá nước ngọt có giải phẫu sinh học khác nhau dẫn đến việc chúng có những hành vi khác nhau trong việc uống nước.

Loài cá không thực sự cần cảm giác khát nước thì mới uống nước. Việc uống nước chỉ là một phản xạ xảy ra mà không cần một quyết định nào từ cơ thể của chúng. Vì vậy, có thể nói loài cả chẳng bao giờ cảm thấy khát nước cả.

Cơ chế uống nước của cá nước ngọt

Thật ra, nồng độ muối trong máu của cá nước ngọt cao hơn nhiều so với môi trường nước bao quanh nó. Vì vậy, nếu cá nước ngọt uống nước, chúng sẽ có nguy cơ cao bị loãng máu. Đó là lý do vì sao cá nước ngọt không uống nước.

Thay vào đó, chúng sử dụng cơ chế thẩm thấu. Cá nước ngọt hấp thụ nước thông qua mang và da của chúng. Ngoài ra, chúng cũng thải ra nước tiểu loãng hơn nhiều để loại bỏ lượng nước thừa trong cơ thể.

Cơ chế uống nước của cá nước mặn

Nếu so sánh với môi trường nước xung quanh thì cá nước mặn có máu loãng hơn nhiều. Vì vậy chúng luôn phải đối diện với nguy cơ bị mất nước.

Đó là lý do vì sao cá nước mặn cần chủ động uống nước. Nhờ có chiếc mang đặc biệt mà cá nước mặn có thể uống nước biển, xử lý và thải ra ngoài toàn bộ lượng muối dư thừa.

Vậy còn những loài cá có thể sống được cả ở nước mặn và nước ngọt?

Những loài cá với khả năng trên có số lượng không nhiều. Ví dụ điển hình là cá hồi, loài cá này có khả năng di cư từ vùng nước mặn sang nước ngọt.

Vậy chúng có cần phải uống nước?

Làm thế nào chúng có thể tồn tại ở hai môi trường hoàn toàn khác biệt?

Cá hồi con được sinh ra ở vùng nước ngọt, chúng sẽ phải trải qua ba sự biến đổi lớn trước khi rời nơi sinh để trở về nhà ở vùng nước mặn.

Đầu tiên, chúng sẽ uống rất nhiều nước.

Tiếp đó, thận của chúng sẽ giảm lượng nước tiểu.

Và phần quan trọng nhất là các cơ chế trong mang của chúng bắt đầu hoạt động ngược lại, nó sẽ loại bỏ thay vì hấp thụ muối trong nước.

Khi cá hồi trưởng thành, chúng cần quay lại vùng nước ngọt để sinh sản, chúng sẽ dành một vài ngày tại một môi trường trung gian, hay còn gọi là các bãi triều (vùng nước ven bờ hoặc những khu vực có đáy biển lộ ra khi thủy triều xuống). Tại đây, cơ thể chúng sẽ đảo ngược toàn bộ quá trình biến đổi khi còn nhỏ để có thể tồn tại trong môi trường nước ngọt.

Vì vậy, câu trả lời là những loài cá có khả năng sống ở cả hai môi trường nước có uống nước.

Liệu những sinh vật khác sống dưới nước có uống nước?

Tất nhiên, không chỉ có cá sống dưới nước. Vậy còn những người háng xóm của chúng thì sao? Liệu cá voi, cá heo hay cả rùa có cần phải uống nước?

Chúng ta đều biết rằng những loài sinh vật trên, cũng như tất cả các loại khác đều cần nước. Vấn đề cần làm rõ ở đây là liệu chúng có uống nước từ môi trường xung quanh hay không.

Cá voi có uống nước không?


Cá voi cần bổ sung nước cho cơ thể bằng cách uống nước ở xung quanh hoặc hấp thụ từ thức ăn.

Cá voi được xếp vào động vật có vú dưới nước. Chúng cần bổ sung nước cho cơ thể bằng cách uống nước ở xung quanh hoặc hấp thụ từ thức ăn của chúng. Cá voi có thận rất lớn, nó có thể bài tiết lượng muối thừa mà không mất quá nhiều nước.

Và một số thông tin thú vị khác về cá voi như chúng không tiết mồ hôi và không bị mất nước khi thở. Với con người chúng ta thì khi thở sẽ bị mất khá nhiều nước. Nguyên nhân của sự khác biệt trên là vì lớp không khí trên bề mặt đại dương tràn ngập hơi nước, vì vậy cá voi không bị mất nước khi thở.

Cá heo có uống nước không?

Tương tự cá voi, cá heo cũng là động vật có vú dưới nước. Có một giả thuyết cho rằng cá heo hấp thụ nước từ thức ăn của chúng. Các loài mực, cá và bạch tuộc chứa rất nhiều nước trong cơ thể và cá heo sẽ hấp thụ nước từ con mồi của chúng. Phương pháp này hiệu quả hơn nhiều so với việc uống trực tiếp nước biển.

Cũng có giả thuyết cho rằng khi cá heo đớp lấy con mồi, chúng cũng sẽ uống một lượng nước xung quanh. Hơn nữa, cá heo còn có một hệ thống lọc rất tiên tiến. Cơ chế tuyệt vời này cho phép chúng dễ dàng chiết xuất thêm muối từ nước tiểu để giúp chúng dễ dàng tách muối khỏi nước biển đã uống.

Rùa có uống nước không?

Rùa là loài bò sát có thể sinh sống cả ở trên cạn và dưới nước. Nhưng vì rùa dành phần lớn thời gian ở trên cạn, do đó cơ thể nó cần được cấp nước đầy đủ. Như vậy, có thể kết luận rằng rùa có uống nước.

Rùa chủ yếu uống nước khi chúng bơi hoặc lội dưới nước. Một số loài rùa biển chủ yếu sống trong môi trường nước mặn cần phải lọc muối ra khỏi lượng nước chúng uống vào. Để thực hiện được việc này, rùa biển có một tuyển thể đặc biệt đằng sau hốc mắt, nó được gọi là "tuyến muối".

Khi rùa biển uống nước mặn, muối sẽ được chuyển vào trong máu và theo các mạch máu đến tuyến muối. Sau đó, tuyến muối sẽ tạo ra một dung dịch có độ mặn cao gấp đôi lượng nước đã uống rồi đẩy chúng ra ngoài qua khóe mắt.

Vì rùa uống nước khi đang bơi, nên với những ai nuôi rùa cảnh thì cần phải vệ sinh khay chứa và thay nước thường xuyên. Trong tự nhiên, chất thải của động vật sẽ được xử lý bởi các sinh vật khác. Tuy nhiên, trong môi trường nuôi nhốt kín thì chất thải sẽ lắng xuống đáy bể và tích tụ ở đó. Chính vì vậy, người nuôi cần vệ sinh và thay nước thường xuyên để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh cho những chú rùa.

Điều gì sẽ xảy ra khi các loài động vật có vú dưới nước uống quá nhiều nước biển?

Vấn đề này khá phức tạp. Nếu động vật có vú dưới nước hấp thụ quá nhiều muối, chúng sẽ bắt đầu gặp phải một số triệu chứng nguy hiểm như suy thận, suy gan cũng như các vấn đề vận động khác.

Nguyên nhân là vì động vật có vú dưới nước cần lọc và loại thải lượng muối dư thừa khi uống nước biển, việc này giúp chúng tránh gặp phải các thương tổn nội tạng do thừa muối gây ra.

Cá có "đi nhẹ"?

Ai cũng biết rằng cá có "đi nặng". Bằng chứng chính là đống cặn xuất hiện dưới đáy bể cá nếu bạn không thường xuyên vệ sinh. Vậy còn "đi nhẹ" thì sao?

Nếu bạn ngừng việc dọn vệ sinh bể cá, thì sau một thời gian, nó sẽ bắt đầu bốc mùi như amoniac. Vậy thì câu trả lời quá rõ ràng rồi nhỉ. Đúng, cá có "đi nhẹ" đấy.

Tuy nhiên, mỗi loài khác nhau sẽ có cách "đi nhẹ" khác nhau. Nhưng về cơ bản thì cá "đi nhẹ" liên tục.

Cá "đi nhẹ" như thế nào?


Hầu hết các loài cá "đi nhẹ" bằng lỗ tiểu hoặc mang.

Hầu hết các loài cá "đi nhẹ" bằng lỗ tiểu hoặc mang. Những loài "đi nhẹ" qua mang sẽ loại thải nước tiểu đã được lọc bởi thận. Mặt khác, cá nước mặn "đi nhẹ" qua mang còn cá nước ngọt lại sử dụng lỗ tiểu.

Như đã nói ở trên, cá nước mặn sống trong môi trường có nồng độ muối cao hơn trong cơ thể. Do vậy, cá nước mặn hấp thụ một lượng lớn muối từ môi trường xung quanh và chúng cần loại bỏ lượng muối này ra khỏi cơ thể. Trong khi đó, cá nước ngọt lại cần loại bỏ lượng nước dư thừa trong cơ thể.

Thận của loài cá

Tất cả các loài cá đều có hai quả thận. Thận sau để lọc chất thải qua lỗ tiểu và thận trước để lọc chất thải đi qua mang.

Với cá nước mặn, thận bài tiết các i-on và trữ nước và loại thải hầu hết các chất thải qua mang. Với cá nước ngọt, cách thận của chúng làm việc hoàn toàn ngược lại với cá nước mặn. Chúng loại bỏ nước và giữ lại các i-on.

Nước tiểu của cá

Thành phần chính trong nước tiểu cá là amoniac. Amoniac đi ra ngoài cơ thể cá thông qua mang và một lần nữa, nó lại phụ thuộc vào loại cá mà chúng ta đang nhắc đến là gì.

Hơn nữa, nước tiểu cá còn chứa axit hữu cơ creatine và creatinine, axit amin và một lượng u-rê. Nước tiểu cá nước ngọt chủ yếu là nước, trong khi đó nước tiểu cá nước mặn phần lớn là muối.

Cá nước mặn không tạo ra quá nhiều nước tiểu, nhưng nó cực kỳ đậm đặc. Ngược lại, cá nước ngọt lại tạo ra rất nhiều nước tiểu.

Nước tiểu của cá có màu gì?

Nước tiểu của cá rất khác so với con người. Nước tiểu cá thường có màu đen hoặc xám.

Các loại bệnh thận và đường tiết niệu ở cá


Cá cũng có thể mắc các bệnh về đường tiết niệu và thận.

Cũng giống như chúng ta, cá cũng có thể mắc các bệnh về đường tiết niệu và thận. Những căn bệnh này thường xuất hiện ở cá do một ký sinh trùng có tên Renal Dropsy. Loại ký sinh trùng này thường xuất hiện trên cá chép và cá vàng. Những con bị ký sinh trùng trên tấn công thường có biểu hiện bụng sưng to do chất lỏng tích tụ lại khi thận không còn hoạt động.

Một loại ký sinh trùng khác có tên Sphaerospora angulate cũng thường gây ra suy thận ở các loài cá chép. Loài ký sinh trùng này khiến bụng và mắt của chủ thể phồng to và sẽ không thể sống quá 6 tháng.

Ngoài ra, cá hồi con thương phẩm và cá hồi trưởng thành thường mắc phải bệnh thận tăng sinh. Triệu chứng của bệnh này là cá trở nên lờ đờ và chậm chạp một cách kỳ lạ.

Cá dùng nước tiểu để thể hiện đẳng cấp

Theo một số nghiên cứu cho thấy, cá "đi nhẹ" lên những con cá khác khi chúng muốn cho đối phương biết rằng ai mới là trùm ở đây.

Chúng ta đã học được gì?

Tất nhiên là cá sống dưới nước. Một số loại sống trong môi trường nước mặn, một số lại sống ở nước ngọt.

Mặc dù một số loài cá có thể tồn tại đến vài ngày khi ở trên cạn, nhưng hầu hết đều sẽ chết sau đó nếu không thể trở về môi trường nước. Nguyên nhân là vì phổi của chúng có cấu tạo khác với phổi của các loài động vật có vú. Khi động vật có vú hít thở, phổi sẽ được lấp đầy không khí và các tế bào chuyện biệt sẽ lọc oxi có trong không khí. Trong quá trình này phổi sẽ hoàn toàn khô ráo và không chứa chất lỏng. Trong khi đó, cá sẽ hút nước vào miệng và sử dụng mang để lọc oxi có trong nước.

Ngoài ra, tất cả các loài động vật đều cần nước để duy trì sự sống nên tất cả đều phải uống hoặc hấp thụ nước, kể cả những loài động vật sống dưới nước. Cách các loài sống dưới nước bổ sung lượng nước cần thiết phụ thuộc vào môi trường nước mà chúng sinh sống và cả cơ chế sinh học của từng loài.

Các sinh vật nước mặn cần duy trì sự cân bằng nồng độ muối trong cơ thể vì môi trường sống có nồng độ muối cao. Do đó, cơ thể chúng đã thích nghi để có thể loại bỏ lượng lớn muối dư thừa. Những loài sống ở môi trường nước ngọt thì không phải đối mặt với vấn đề trên, nhưng chúng lại phải bảo đảm nộng độ muối trong cơ thể ở mức an toàn. Động vật có vú sống dưới nước có cơ chế bổ sung để duy trì phổi khô ráo, đồng thời giữ lượng nước và muối trong cơ thể chúng ở mức an toàn.

Một số câu hỏi khác

Bạn có thể sử dụng nước máy cho cá Betta (cá đá, cá chọi) không?, bạn hoàn toàn có thể. Bạn không được sử dụng nước cất vì nó không chứa đủ lượng oxi và khoáng chất cần thiết để những chú cá có thể sống khỏe mạnh. Thật ra nước máy là lựa chọn tốt nhất. Bạn nên để nước máy "thở" khoảng 1 ngày để bay hết clo, sau đó để về nhiệt độ phòng. Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng thêm các sản phẩm xử lý nước khác.

Cá có khóc không? Cá không khóc như con người. Chúng thiếu vỏ não và hệ thống thần kinh để tạo ra phản ứng cảm xúc như con người. Tuy nhiên, các nhà khoa học phát hiện ra rằng chúng có khóc, nhưng chỉ bằng âm thanh mà thôi.

Cá có biết buồn chán? Câu trả lời là có, đặc biệt là cá vàng. Biểu hiện của việc buồn chán có thể bị nhầm lẫn với triệu chứng của thiếu oxi hoặc nhiều người cho là chúng đang đòi ăn. Cá vàng hiếm khi xin ăn và khi thiếu oxi, chúng sẽ chỉ bơi sát mặt nước. Bạn có thể nuôi thêm một chú cá nữa hoặc trồng thêm một số loài cây thủy sinh vào bể để nó vui hơn.

Cập nhật: 03/08/2024 Theo vnreview
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video