Các nhà thiên văn học phát hiện một hành tinh có thể được bao bọc bởi một đại dương nước sôi sùng sục, theo báo cáo đăng trên chuyên san Astronomy & Astrophysics.
Khi phân tích dữ liệu được kính James Webb truyền về, đội ngũ chuyên gia Đại học Cambridge (Anh) phát hiện một hành tinh thật sự đặc biệt và đặt tên là TOI-270 d.
Hành tinh trên thuộc hệ sao lùn đỏ TOI-270, cách trái đất khoảng 70 năm ánh sáng và có tổng cộng 3 hành tinh.
Mô phỏng hành tinh TOI-270 d. (Ảnh: CHỤP TỪ PA).
Kết quả nghiên cứu thành phần hóa học của khí quyển của TOI-270 d cho thấy đây có thể là một "thế giới Hycean", chỉ một hành tinh có đại dương rộng lớn và khí quyển giàu khí hydro.
Không dừng lại ở đó, các nhà khoa học cũng tính toán được nhiệt độ nước biển có thể lên đến 100 độ C, có nghĩa là hành tinh bao phủ bởi đại dương nước sôi.
Tuy nhiên, dữ liệu trên cũng có thể diễn dịch theo cách khác. Tờ The Guardian dẫn lời nhóm các nhà khoa học Đại học Montreal (Canada) cho rằng hành tinh có thể chứa bề mặt đầy đá và được bao phủ bởi bầu khí quyển cực dày cấu tạo từ hơi nước siêu nóng và khí hydro.
Theo nhóm này, nhiệt độ trên bề mặt hành tinh có lẽ lên đến 4.000 độ C.
"Chúng tôi phân tích thấy được nhiệt độ trên hành tinh quá nóng để hành tinh có thể duy trì trạng thái lỏng", tờ The Guardian dẫn lời giáo sư Björn Benneke của Đại học Montreal (Canada).
Các đội ngũ chuyên gia tiếp tục nghiên cứu để rút ra kết luận được thống nhất về TOI-270 d. Hành tinh này đang trong tình trạng bị khóa một mặt về hướng sao trung tâm, và mặt còn lại chìm trong bóng tối vĩnh viễn.