Nói đến món ăn trong dịp tết Trung thu, không thể không kể đến bánh trung thu. Hãy cùng vòng quanh châu Á xem các nước có những món bánh trung thu hấp dẫn nào.
Bánh trung thu Việt Nam có 2 loại là bánh nướng và bánh dẻo. Vỏ bánh dẻo màu trắng, làm bằng bột nếp trộn với đường ngọt lịm, vỏ bánh nướng là bột mì dậy men trộn với trứng gà và rượu rồi nướng vàng ươm. (Ảnh: Tuisme.blogspot).
Bánh Trung thu cổ truyền Việt Nam thơm ngon, hấp dẫn với phần nhân thập cẩm, gồm hạt sen, thịt mỡ, vừng, lạp sườn, đậu xanh, lá chanh quyện vào nhau, tạo nên hương vị ngọt ngào, thơm ngậy. Bánh Trung thu thường có hình tròn, tượng trưng cho hình trăng tròn ngày rằm, sự đoàn viên, khát vọng về hạnh phúc. (Ảnh: Tuisme.blogspot).
Songpyeon là tên gọi bánh Trung thu ở Hàn Quốc, nghĩa là bánh gạo hình bán nguyệt. Bánh Songpyeon được làm bằng cách trộn bột gạo với nước nóng. Sau đó, nhồi bột và bánh với nhân đậu xanh, mè đen, hạt dẻ hoặc các loại nhân khác rồi hấp chín. (Ảnh: Koreanbapsang).
Bánh Songpyeon chín sẽ được xếp lên lớp lá thông tươi để giữ nguyên hình dạng bánh, đồng thời tạo hương vị lạ. Ngoài màu trắng truyền thống, bánh còn được biến tấu với nhiều màu sắc đẹp mắt: màu hồng từ quả dâu, xanh đậm từ ngải cứu, vàng từ bí đỏ... Bánh thành phẩm dẻo, dai, ngọt thanh, nhẹ nhàng và mang hương vị của lá thông tươi. (Ảnh: Twinrabbit).
Có thể nói bánh dẻo nhân sầu riêng là loại bánh Trung thu đặc trưng của Singapore. Hầu hết người dân ở đây đều thích hương vị sầu riêng của loại bánh này. (Ảnh: Wanderluxe).
Bánh dẻo nhân sầu riêng cũng như các loại bánh Trung thu khác ở Singapore được làm biến tấu từ bánh "da tuyết" của Trung Quốc. Không chỉ có màu trắng, bánh trung thu ở Singapore có nhiều màu sắc phong phú. Thường thì vỏ có màu giống màu nhân: màu vàng nhân sầu riêng, màu hồng nhân khoai môn, màu xanh nhân trà xanh... (Ảnh: Danielfooddiary).
Bánh Trung thu ở Nhật Bản là Tsukimi Dango (thường gọi là Dango) - một loại bánh làm từ bột gạo, khá giống bánh gạo mochi, có nhiều hình dạng khác nhau, nhưng phổ biến nhất là hình tròn. (Ảnh: Tokyopic).
Vào dịp Trung thu, bánh Tsukimi Dango được xếp chồng lên nhau như hình tháp trên một kệ gỗ. Mỗi "tháp bánh" có khoảng 15 chiếc. Bên cạnh "tháp bánh" là bình cỏ susuki và cũng có thể bày thêm một số loại hoa quả khác. (Ảnh: Tokyopic).
Hopia là tên gọi những chiếc bánh Trung thu của người Philippines. Đây là những chiếc bánh nướng đơn giản, không nhiều màu sắc hay hoa văn cầu kỳ nhưng cũng vô cùng hấp dẫn bởi phần nhân bánh đa dạng, thơm ngon. (Ảnh: Hopialikeit).
Có nhiều phiên bản bánh hopia như: hopiang mungo (bán nướng đậu xanh), hopiang baboy (bánh nướng thịt heo), hopiang hapon (bánh nướng Nhật Bản), hopiang ube (bánh nướng khoai lang tím)... (Ảnh: Picssr).
Bánh Trung thu của Trung Quốc thường có hình tròn, tượng trưng cho "đoàn viên", ý nghĩa đó bắt nguồn từ đời nhà Minh. Hiện nay bánh trung thu có nhiều hình dạng hơn, có cả hình vuông, hình các con giống và được làm bằng nhiều nguyên liệu mới lạ hấp dẫn hơn. (Ảnh: Thinglink).
Bánh Trung thu ở Trung Quốc (bánh Yuebing) chỉ có bánh nướng, không có bánh dẻo như ở Việt Nam. Thường có vỏ in hình những chữ Hán có ý nghĩa tốt lành cho ngày tết sum vầy. Có nhiều vị truyền thống như đậu xanh, đậu đỏ, trà xanh, khoai môn… Đây cũng là loại bánh thường được làm ở Malaysia và Đài Loan. Ngày nay, bánh Yuebing được làm với nhiều hình dáng và vị nhân độc đáo mới lạ hơn. (Ảnh: Visitbeijing).
Lễ hội trông trăng ở Campuchia diễn ra muộn hơn hẳn, thường vào rằm tháng 10 Âm lịch chứ không phải vào 15/8 như các nước khác. Lễ hội này được gọi là lễ hội Ok Om Pok, tổ chức vào ban đêm với lễ vật nổi tiếng là bánh cốm dẹp.
Bánh cốm dẹp Campuchia được làm từ hạt lúa còn ngậm sữa thơm đặc trưng mùi lúa non, hoà quyện với nước dừa tươi và đường để tạo thành chiếc bánh cốm màu xanh đẹp mắt, thơm nức tiếng. Lúa non sau khi thu hoạch và đem đi phơi nắng sẽ được lựa ra để giữ lại những hạt có màu trắng sữa và đem đi giã đều tay, không để bị nát và đem đi nấu như cơm. Khi hạt lúa đã nấu chín thì mang ra ép cho dẹp xuống và phơi nắng hoặc rang cho khô lại. Phần hạt lúa đã khô, nếu mang đi làm bánh thì sẽ nấu cùng nước dừa và bột, còn lại nếu không làm bánh thì sẽ cất để ăn dần hoặc làm quà biếu tặng.Khi ăn vào liền cảm thấy vị thơm lừng của lúa non, ăn kèm với dừa bào càng tăng thêm sự béo bùi khó cưỡng. Bánh cốm dẹp không chỉ là 1 loại bánh truyền thống cho dịp Trung Thu ở đất nước này, mà còn thể hiện nét đẹp văn hoá của người dân bản địa nơi đây.(Ảnh: Dulich9).
Malaysia: Ở Malaysia, có hai loại bánh trung thu nổi tiếng đó chính là Casahana và Baker’s Cottage. Bánh có nhiều màu sắc phong phú và hương vị cũng rất đa dạng. Có thể kể qua như vị đậu đỏ Azuki Nhật Bản hay vị sen trắng Omochi. Bánh sử dụng nguyên liệu thực vật là chính với vị ngọt vừa.
Theo truyền thuyết Thái Lan, vào đêm hội Trung thu sẽ có 8 vị thần bất tử đến Cung điện Mặt trăng để gửi bánh hình đào cùng lời chúc mừng sinh nhật tới Guanyin – là một vị Bồ Tát. Vì vậy, bánh trung thu của người dân Thái lan có hình quả đào. Theo đó, vào ngày lễ tất cả các thành viên trong gia đình, bao gồm đàn ông và phụ nữ, cả trẻ em và người già đều cùng nhau ngồi quanh bàn với các lễ cúng mặt trăng, cùng cầu nguyện và cho nhau những người chúc.
Đài Loan (Trung Quốc): Đối với người dân xứ Đài, Trung thu là dịp quan trọng để mọi người có dịp đoàn tụ, quây quần bên nhau. Những chiếc bánh nghìn lớp ghi điểm bởi sự tinh tế, nét thanh đượm mang hương vị hiện đại. Hình dáng bánh tròn, vỏ ngoài được làm thành nhiều lớp cuộn lấy nhau. Nhân bên trong bánh thường là khoai môn và đậu đỏ. (Ảnh: Cookpad).
Nhờ sự sáng tạo, hiện nay phần nhân trứng muối và trứng chảy được ra đời, trở thành cơn sốt cho các tín đồ sành ăn. (Ảnh: Dacsandailoan, Voso).