Các xét nghiệm giúp phát hiện ung thư sớm

Năm 2015, Việt Nam có 150.000 ca mắc ung thư, 75.000 trường hợp tử vong. Theo chuyên gia y tế, phát hiện, điều trị, phẫu thuật sớm có thể loại bỏ khối u và ngăn tái phát tới 90%.

Theo PGS.TS. Nguyễn Nghiêm Luật - nguyên Trưởng Bộ môn Hóa - Sinh, Đại học Y Hà Nội, một số loại ung thư có thể biểu hiện các dấu hiệu bệnh lý như ung thư da, cổ tử cung, vú, trực tràng và miệng, nên có thể chẩn đoán và điều trị ở giai đoạn sớm.

Dưới đây là một số xét nghiệm có thể giúp chẩn đoán sớm bệnh ung thư.

1. Xét nghiệm máu, nước tiểu

Phương pháp tìm dấu ấn ung thư - hay chính xác hơn là định lượng dấu ấn ung thư trong máu - cũng có giá trị nhất định nếu biết cách sử dụng. Xét nghiệm này thật sự hữu ích trong đánh giá tình trạng nặng, nhẹ cũng như dự đoán diễn tiến của bệnh trong quá trình điều trị.

Một xét nghiệm máu giúp hỗ trợ trong chẩn đoán ung thư như xét nghiệm kháng nguyên PSA giúp phát hiện ung thư tuyến tiền liệt; xét nghiệm kháng nguyên CA 125 - một dạng kháng nguyên ung thư 125 - trong máu giúp phát hiện ung thư buồng trứng; xét nghiệm CA 199 phát hiện ung thư tụy, dạ dày...

Tuy nhiên, xét nghiệm máu thường phải kết hợp cùng các xét nghiệm khác để đưa ra kết quả chính xác nhất. Các chuyên gia cho biết, xét nghiệm máu không khẳng định chắc chắn tìm ra tế bào ung thư, bởi kết quả có lúc cho âm tính, có lúc cho dương tính.


Sinh thiết xét nghiệm ung thư vú.

2. Chẩn đoán hình ảnh

Các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh được sử dụng trong chẩn đoán ung thư bao gồm chụp Xquang, siêu âm, chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ hoặc PET-CT giúp các bác sĩ quan sát chi tiết các bộ phận bên trong cơ thể, đồng thời phát hiện ra các bất thường, chẳng hạn như khối u.

Phương pháp PET-CT là thiết bị y khoa hạt nhân áp dụng công nghệ kết hợp giữa máy PET và máy CT, có thể phát hiện được khoảng 80% các loại ung thư, cả ung thư giai đoạn sớm ngay sau khi cơ thể chỉ mới có sự thay đổi bệnh lý về chuyển hóa mà chưa hình thành tổn thương về mặt cấu trúc.

Ngoài ra, thiết bị còn giúp tìm kiếm ở các bệnh nhân vị trí ung thư di căn, vị trí ung thư nguyên phát, giúp các bác sĩ tiên lượng và có những phương pháp điều trị hiệu quả.

3. Sinh thiết

Sinh thiết là một xét nghiệm chẩn đoán ung thư được áp dụng cho hầu hết tất các loại ung thư, vì cung cấp kết quả chính xác nhất. Thông thường, các bác sĩ sẽ cho làm sinh thiết sau khi làm một loạt các xét nghiệm, chẩn đoán như Xquang, CT... và đã xác định được khối u. Trong xét nghiệm này, bác sĩ sẽ phẫu thuật cắt bỏ một số mô và quan sát dưới kính hiển vi để tìm kiếm dấu hiệu của ung thư.

4. Xét nghiệm tủy để phát hiện ung thư máu

Xét nghiệm tủy có nhiều phương pháp để xác định các dạng ung thư máu, bao gồm: xét nghiệm Immunophenotyping; xét nghiệm tế bào di truyền; xét nghiệm dịch não tủy.

Phương pháp này giúp xác định chính xác hơn khả năng mắc ung thư máu của bệnh nhân. Theo phương pháp này, các chuyên gia sẽ tiến hành chọc tủy và đem đi xét nghiệm để phân loại và xác định các loại tế bào máu trong tủy. Nếu lượng Junvenile cell trong máu tăng cao, vượt quá 5% hoặc thậm chí có thể hơn 30% thì có thể xác định bệnh nhân bị ung thư máu.

5. Xét nghiệm tế bào cổ tử cung

Xét nghiệm Pap dùng để phát hiện tế bào tiền ung thư trước khi chúng có thể chuyển thành ung thư xâm lấn. Nếu tế bào tiền ung thư được tìm thấy, có thể tiến hành điều trị và ngăn chặn trước khi nó bắt đầu ung thư.

Hiện nay, nhiều nơi đã sử dụng xét nghiệm ThinPrep Pap để phát hiện ung thư cổ tử cung. ThinPrep Pap là xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung (Pap smear) được cải tiến, trong đó các chất liệu cổ tử cung thu lượm không phải được phết (smear) vào một lam kính để làm tiêu bản như xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung thông thường, mà được rửa toàn bộ vào một chất lỏng định hình trong một lọ ThinPrep và được chuyển đến phòng thí nghiệm, được xử lý bằng máy ThinPrep để làm tiêu bản một cách hoàn toàn tự động.

Xét nghiệm ThinPrep Pap có khả năng phát hiện các tổn thương biểu mô tế bào vảy, những thay đổi tiền ung thư và ung thư cổ tử cung tốt hơn nhiều so với xét nghiệm Pap smear thông thường.

6. Nội soi đại trực tràng

Ung thư đại trực tràng là loại ung thư gặp khá phổ biến trên thế giới cũng như ở Việt Nam, trong đó nam và nữ đều có thể mắc phải. Đây là loại ung thư đứng hàng thứ 5 sau ung thư phổi, dạ dày, gan, vú.

Phần lớn ung thư đại trực tràng xuất hiện ở những người trên 50 tuổi. Chính vì vậy cần tiến hành soi đại tràng cho mọi người ở lứa tuổi trên 50, kể cả những người không có triệu chứng. Trong đó nội soi đại trực tràng ống mềm là phương pháp duy nhất có thể tiến hành sinh thiết (hoặc cắt bỏ polyp đại trực tràng) để chẩn đoán xác định ung thư đại trực tràng bằng mô bệnh học.

Cập nhật: 11/05/2017 Theo SKĐS
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video