Sa mạc Taklamakan được mệnh danh là "Biển tử thần", đang hồi sinh và được phủ xanh nhờ “quyết tâm thép” của chính quyền trung ương Trung Quốc.
Sa mạc Taklamakan, tên theo tiếng Hán là Tháp Khắc Lạp Mã Can, nằm ở trung tâm lưu vực Tarim ở phía nam Tân Cương, là sa mạc lớn nhất Trung Quốc và lớn thứ 10 trên thế giới.
Taklamakan theo ngôn ngữ của người Duy Ngô Nhĩ có nghĩa là "đi dễ, khó về", ám chỉ sự rộng lớn của sa mạc này. Toàn bộ sa mạc có chiều dài khoảng 1.000km từ đông sang tây và rộng 400km từ bắc xuống nam, với tổng diện tích 330.000km2.
Khí hậu ở Taklamakan vô cùng khắc nghiệt, vào mùa hè nhiệt độ cao nhất lên tới 45,6 độ C với nhiệt độ bề mặt có thể lên tới 70 độ C. Nhiệt độ thấp nhất vào mùa đông đôi khi xuống dưới -20 độ C.
Lượng mưa trung bình hàng năm tại sa mạc không vượt quá 100mm, thấp nhất chỉ từ 4 - 5mm, trong khi lượng bốc hơi trung bình cao tới 2.500 - 3.400mm.
Cũng do các yếu tố thời tiết khắc nghiệt, sinh thái kém và chăn thả quá mức, nên kể từ những năm 1990, Taklamakan đã và đang mở rộng về phía đông nam với tốc độ sa mạc hóa trung bình từ 15 - 20 mét mỗi năm.
Tuy nhiên, những năm gần đầy, sa mạc Taklamakan đang hồi sinh nhờ “quyết tâm thép” của chính quyền Trung Quốc. Thông qua các kỹ thuật tưới tiêu sáng tạo, vùng đất cằn cỗi này đã được phủ xanh thành những đồng cỏ, khu rừng tươi tốt, góp phần phục hồi và bảo vệ hệ sinh thái ở khu vực Tây Bắc nước này.
Bên cạnh đó, những chính sách quản lý cùng nhiều dự án cơ sở hạ tầng năng lượng xanh cũng thúc đẩy phát triển kinh tế tại sa mạc từng bị coi là "biển tử thần" này.
Giữa Taklamakan có một cao tốc xuyên sa mạc dài với tổng chiều dài 552km được xây dựng vào năm 1995. Tuy nhiên trong gần một thập kỷ sau đó, con đường thường xuyên đối mặt với tình trạng tắc nghẽn vì bị che phủ.
Để khắc phục tình trạng trên, Trung Quốc đã xây dựng một vành đai xanh khổng lồ dọc hai bên đường cao tốc, được hỗ trợ bởi các đường ống tưới nhỏ giọt để thảm thực vật phát triển. Từ năm 2003, Trung Quốc đã trồng khoảng 2 triệu cây mỗi năm để mở rộng vành đai trống cát cũng tăng diện tích phủ xanh sa mạc.
Trung Quốc hướng tới thúc đẩy xây dựng các nhà máy điện mặt trời và điện gió quy mô lớn ở vùng sa mạc. Điện sản xuất từ nguồn năng lượng sạch không chỉ cung cấp cho Tân Cương mà còn góp phần vào mục tiêu không thải carbon của toàn vùng.
Ngoài ra, việc trồng cây gây rừng liên tục được thử nghiệm và đã thu được nhiều thành công khác, tạo ra những ốc đảo xinh đẹp và những khu rừng sinh thái, thúc đẩy phát triển du lịch trên sa mạc lớn nhất Trung Quốc.