Cách xử lý khi dùng thuốc quá liều

Lỡ uống thuốc quá liều, phải làm sao?

Trong sử dụng thuốc luôn luôn có lời khuyên “phải dùng thuốc đúng liều, đủ thời gian”.

“Đúng liều” có nghĩa phải sử dụng thuốc theo đúng số lượng đã được chỉ định cho một lần dùng thuốc hoặc cho cả ngày. Còn “đủ thời gian” là phải dùng cho đủ số ngày được ấn định. Vì chỉ cần “sai một li” dùng thuốc, sức khoẻ của ta sẽ “đi một dặm”!

Có khá nhiều người quan tâm đến lời khuyên phải dùng thuốc đúng liều, nhưng đặt trường hợp vô tình lỡ uống thuốc quá liều thì sẽ dẫn đến việc gì và phải xử trí ra sao?

Quá liều thuốc là gì?

Quá liều thuốc có thể xảy ra một cách vô tình hoặc cố ý do người bệnh dùng thuốc với liều nhiều hơn liều bác sĩ đã chỉ định.

Ngoài ra, một số người có thể nhạy cảm với các thuốc nhất định, nên có thể bị ngộ độc mặc dù vẫn dùng đúng liều lượng của bác sĩ kê.

Đối với các thuốc gây nghiện dùng để hưng phấn tinh thần, nếu dùng quá liều thì quá trình trao đổi chất sẽ không thể loại bỏ độc tố của thuốc nhanh, do đó bạn sẽ dễ mắc các tác dụng phụ.

Thực tế, phản ứng khi dùng thuốc quá liều ở mỗi người sẽ khác nhau. Vì vậy, các phương pháp điều trị cũng sẽ khác nhau.

Dùng sai liều có thể gặp tai biến

Việc dùng thuốc không đúng liều bao gồm hai trường hợp: dùng không đủ liều và dùng quá liều. Dùng thuốc không đủ liều không chỉ không trị dứt bệnh của cá nhân mà có khi gây hại cho cộng đồng.

Như sử dụng kháng sinh không đủ liều có thể dẫn đến vi khuẩn đề kháng thuốc, không bị tiêu diệt và sau đó sẽ gây hại cho bất kỳ ai bị nó xâm nhiễm. Còn dùng thuốc quá liều gây hại cho chính người dùng thuốc, thậm chí có thể gây tử vong. Bởi hầu hết các thuốc, nếu dùng đúng liều thì đó là thuốc chữa bệnh, còn quá liều thì đó là chất độc không hơn không kém.

Liều dùng thuốc, hay còn gọi là liều điều trị, không phải được ấn định một cách tuỳ tiện mà là kết quả của một quá trình nghiên cứu, gọi là thử tác dụng dược lý. Trước hết, thuốc phải thử độc tính, xác định “tử liều 50” (lethal dose 50, viết tắt LD50), tức thử trên súc vật (thường là chuột nhắt trắng), để xác định liều gây chết 50% súc vật đó. Từ đó, xác định “liều tối đa”, tức liều nếu vượt qua mức tối đa sẽ gây độc hoặc gây chết…


Liều điều trị được xác định nằm giữa liều tối thiểu và liều tối đa.

Cũng thử trên súc vật, các nhà dược học xác định “liều tối thiểu”, tức liều mà nếu dùng thấp hơn sẽ không có tác dụng (như hạ huyết áp hay an thần chẳng hạn). Liều điều trị được xác định nằm giữa liều tối thiểu và liều tối đa. Thuốc càng an toàn khi khoảng cách giữa liều điều trị và liều tối đa càng lớn, còn thuốc dễ gây độc tính khi khoảng cách đó hẹp. Như vậy phải trải qua quá trình nghiên cứu thực hiện mới xác định được liều điều trị và liều này sẽ tuỳ theo cơ thể người bệnh, tình trạng bệnh mà ấn định để phát huy cao nhất tác dụng điều trị và hạn chế thấp nhất các tác dụng phụ hay tai biến.

Không gộp lại uống một lần

Tuỳ theo thời gian thuốc cho tác dụng mà ta có liều dùng cho một lần, liều dùng cho 24 giờ (tức cả ngày), liều dùng cho một đợt điều trị. Thí dụ, đối với một số nhiễm khuẩn thông thường, liều dùng một lần cho người lớn là một viên amoxicillin 500mg, liều cho cả ngày là uống ba hoặc bốn lần và liều cho một đợt điều trị là uống mười ngày.

Đối với trẻ con, thường tính trên cân nặng, thí dụ liều erythromycin dùng cho trẻ là 40mg/kg/ngày và chia uống nhiều lần trong ngày. Liều ấn định cho một ngày thường chia ra dùng nhiều lần trong ngày, tuyệt đối không gộp lại uống một lần duy nhất. Một số người nghĩ rằng uống gộp, thuốc sẽ có tác dụng mạnh để mau khỏi bệnh, làm như thế có khi gây nguy hiểm vì quá liều.

Triệu chứng, những dấu hiệu và triệu chứng quá liều do thuốc là gì?

Khi dùng quá liều, các tác dụng phụ của thuốc và các bất thường khác sẽ trở nên rõ rệt hơn. Điều này sẽ không xảy ra khi bạn dùng thuốc ở liều bình thường.

Tùy vào từng loại thuốc mà ảnh hưởng của việc dùng quá liều đối với cơ thể sẽ khác nhau. Trong trường hợp nghiêm trọng, người bệnh có thể bị đe dọa tính mạng, tổn thương các cơ quan hoặc có các bệnh mạn tính khác nặng hơn.

Các triệu chứng của quá liều thuốc như:

  • Nhiệt độ cơ thể, nhịp tim, hô hấp và huyết áp có thể tăng, giảm hoặc không có bất cứ dấu hiệu nào
  • Buồn ngủ, nhầm lẫn và hôn mê. Các triệu chứng này thường phổ biến và có thể nguy hiểm nếu bạn hít chất nôn vào phổi
  • Da có thể mát và ra mồ hôi, hoặc nóng và khô
  • Đau ngực do tổn thương tim hoặc phổi
  • Khó thở
  • Hơi thở có thể trở nên nhanh, chậm, sâu hoặc nông
  • Đau bụng, buồn nôn, nôn và tiêu chảy
  • Nôn ra máu hoặc có máu khi đi tiêu.

Khi nào bạn nên đến gặp bác sĩ?

Bạn sẽ không biết khi nào dùng thuốc quá liều là nghiêm trọng. Do đó, nếu thấy một trong các triệu chứng trên, hãy nhanh chóng đến gặp bác sĩ. Ngoài ra, bạn cũng nên mang theo thuốc đang dùng khi đến gặp bác sĩ để họ có cách điều trị hợp lý.

Cách xử lý uống thuốc quá liều

Nhưng thử đặt trường hợp đã lỡ uống thuốc quá liều thì phải làm gì? Nếu sự quá liều không thái quá, tức uống hơi lố một ít, cơ thể chuyển hoá tốt, có thể sẽ chẳng việc gì. Nhưng nếu sau khi uống thuốc quá liều (do vô tình nhưng cũng có thể do tự tử) mà bắt đầu thấy các rối loạn (tuỳ theo loại thuốc mà các rối loạn sẽ khác nhau) thì có thể đã bị ngộ độc thuốc, lập tức phải xử trí theo cấp cứu ngộ độc.

Trước hết, nếu người ngộ độc còn tỉnh thì phải làm cho ói mửa. Nếu có sự ngưng thở, phải hô hấp nhân tạo. Sau đó, nhanh chóng đưa họ đến cơ sở y tế gần nhất để cứu cấp.

Sự cứu cấp sẽ kịp thời nếu nhân viên y tế biết được thuốc đã gây độc. Vì vậy, ta cần phải thu thập thông tin ngay bằng cách: hỏi người bị ngộ độc hoặc người chung quanh xem bệnh nhân đã dùng thuốc gì, nếu được thì đem theo thuốc, bao bì hoặc đơn thuốc đưa cho bác sĩ xem để nhanh chóng tìm được loại thuốc giải độc.

Riêng đối với trẻ con, do cơ thể phát triển chưa hoàn chỉnh, rất nhiều thuốc chỉ cần hơi quá liều một chút có thể trở thành liều độc và đặc biệt, việc cấp cứu ngộ độc có nhiều khó khăn hơn so với người lớn. Vì vậy, việc cho trẻ dùng thuốc phải xem là hệ trọng. Đừng vì một chút lơ đễnh của người lớn mà khiến trẻ phải gánh chịu hậu quả đáng tiếc.

Cập nhật: 16/03/2020 Theo afamily
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video