Khi trẻ lên cơn co giật do sốt cao, cha mẹ không nên cho ngón tay vào miệng bé mà đợi khi cơn giật qua thì để miếng khăn vào miệng bé để ngừa cơn giật tiếp theo.
Trẻ sốt quá cao có thể dẫn đến co giật; nhưng nó không ảnh hưởng đến não như nhiều người vẫn nghĩ. Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, nguyên trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, cách đây 20 năm ông và các đồng nghiệp cũng cho rằng sốt co giật gây hại não. Tuy nhiên nhiều nghiên cứu trong và ngoài nước đều thống nhất sốt cao thông thường không làm hại não trừ trường hợp chẩn đoán nhầm. Đó là những bé bị sốt cao co giật liên quan đến viêm não, hay viêm màng não mà bác sĩ bỏ sót.
Theo bác sĩ Dũng, nếu sốt cao thông thường do virus, trẻ co giật rồi hết, không gây hại gì. Cha mẹ cũng không cần phải cho trẻ uống thuốc chống co giật.
Sốt cao thông thường không làm hại não trừ trường hợp chẩn đoán nhầm.
Bác sĩ cũng lưu ý trước đây khi trẻ lên co giật, cha mẹ được khuyên nên nhanh chóng cho vật gì đó như ngón tay, thìa... chèn hai bên răng bé để trẻ đỡ cắn lưỡi. Khuyến cáo mới hiện nay thì ngược lại, không nên cho ngón tay hay bất cứ vật gì khi trẻ đang lên cơn giật.
Cách xử trí khi trẻ co giật như sau:
- Trước hết cha mẹ cần bình tĩnh, đặt trẻ nằm nghiêng về một bên. Mục đích để đường thở được thông, đờm dãi sẽ chảy ra ngoài để trẻ không nuốt vì nếu nuốt vào phổi gây tắc sẽ rất nguy hiểm. Lưu ý, giữ đầu trẻ thẳng, không được gập để bé thở tốt.
- Để trẻ trong tư thế nằm nghiêng, nới rộng quần áo nếu đang mặc chật quá, chỉ một lúc trẻ sẽ hết co giật.
- Không nên nhiều người vây xung quanh bé, người sờ chân tay, người lay không có tác dụng mà chỉ làm hại thêm. Mọi người cần đứng tránh xa cho bé thoáng khí, có ôxy để thở.
- Tuyệt đối không cho ngón tay vào miệng bé dù trẻ đang cắn giật, kể cả khi cấp cứu. Chờ lúc trẻ hết co giật thì có thể lấy khăn cho vào miệng bé để phòng trường hợp có cơn giật sau.
- Trẻ tỉnh táo, khóc mà vẫn sốt cao thì dùng thuốc đặt hậu môn hoặc uống thuốc để hạ sốt, sau đó đưa trẻ đi khám để biết xem có bệnh gì khác ngoài sốt không.