Cái chết thương tâm của nhà du hành Liên Xô rơi từ vũ trụ

Vladimir Komarov là một nhà du hành vũ trụ Liên Xô tài năng đặc biệt. Nhưng ông lại được nhớ đến nhiều nhất bởi cái chết của mình, với biệt danh “người rơi từ vũ trụ”.

Năm 1967, nhân dịp kỷ niệm 50 năm Cách mạng Tháng Hai Nga, nhà du hành Liên Xô Vladimir Komanov được cử thực hiện chuyến du hành lịch sử vào vũ trụ. Nhưng không may, chuyến đi đã kết thúc trong thảm kịch.

Dù có những ý kiến nghi ngờ gì về việc sứ mạng tàu vũ trụ Soyuz 1 diễn ra quá gấp rút và gặp các vấn đề, nhưng chúng ta biết rõ điều này: Komarov đã bay nhiều vòng quanh quỹ đạo Trái đất với con tàu của mình, vật lộn để trở lại bầu khí quyển, và cuối cùng rơi xuống mặt đất, tử vong trong một vụ nổ kinh hoàng.

Còn nhiều chi tiết không rõ ràng trong các sự kiện dẫn đến thảm kịch, nhưng không nghi ngờ gì nữa cái chết của ông là một minh chứng cho cuộc chạy đua chinh phục vũ trụ không điểm dừng thời Chiến tranh Lạnh.


Nhà du hành Komanov vào năm 1964, vài năm trước khi qua đời. (Ảnh: Wikimedia Commons).

Hoài bão và sự nghiệp gắn với bầu trời

Trước khi trở thành một nhà du hành vũ trụ Liên Xô, Vladimir Mikhaylovich Komarov là một cậu bé đam mê những chuyến bay. Sinh ra tại Moscow vào ngày 16/3/1927, từ bé Komarov đã luôn bị cuốn hút bởi hàng không và những chiếc máy bay.

Komarov tham gia Không quân Xô-viết khi mới 15 tuổi. Vào năm 1949, ông trở thành phi công. Cùng khoảng thời gian đó, Komarov kết hôn với Valentina Yakovlevna Kiselyova, người phụ nữ mến mộ tình yêu của ông với bầu trời.

Ông từng nói: “Ai đã từng bay một lần, ai đã lái máy bay một lần sẽ không bao giờ muốn chia tay máy bay hay bầu trời”.


Vladimir Komarov cùng vợ Valentina và con gái Irina vào năm 1967. (Ảnh: Wikimedia Commons).

Năm 1959, ông tốt nghiệp Học viện Kỹ sư Không lực Zhukovzky. Và từ lâu trước đó, Komarov đã nung nấu mong muốn trở thành một phi hành gia. Ông được chọn là một trong 18 người đầu tiên được huấn luyện trong lĩnh vực mới mẻ này.

Lúc này, Thế chiến thứ II đã trở thành một ký ức khá xa, và rõ ràng không gian vũ trụ đang trở thành chiến trường tiếp theo trong cuộc Chiến tranh Lạnh.

Với Komarov, bầu trời dường như không còn giới hạn. Năm 1964, ông tạo dấu ấn cá nhân khi thành công với sứ mạng tàu Voskhod 1 – con tàu đầu tiên chở trên một người vào vũ trụ. Mặc dù không phải là người đầu tiên bay vào vũ trụ - một vinh dự gắn liền với tên tuổi Yuri Gagarin - Komarov được kính nể bởi tài năng và bản lĩnh.


Con tem bưu chính năm 1964 kỷ niệm thành công của Komanov với chuyến bay của tàu Voskhod.

Khi dịp lễ kỷ niệm 50 năm Cách mạng Tháng Hai Nga đến gần, chính phủ Liên Xô quyết tâm thực hiện một kế hoạch đặc biệt cho năm 1967. Và Komarov dường như là người hoàn hảo để thực hiện kế hoạch đó.

Người đàn ông rơi từ vũ trụ

Sứ mạng này đặt ra mục tiêu khá tham vọng: Hai tàu vũ trụ sẽ đến điểm hẹn ở quỹ đạo tầng thấp Trái đất. Komarov sẽ đậu con tàu của mình ngay cạnh tàu kia, sau đó thực hiện cuộc đi bộ ngoài không gian giữa hai con tàu.


Minh họa tàu vũ trụ Soyuz I mà Komanov điều khiển trong thảm kịch.

Từ đó, câu chuyện bắt đầu trở nên u ám. Theo cuốn sách "Starman" xuất bản năm 2011, phi thuyền Soyuz I của Komarov đã gặp phải “203 vấn đề về cấu trúc” từ trước chuyến bay.

Với tư cách là phi công dự bị của Komanov, nhà du hành vũ trụ nổi tiếng Gagarin được cho là đã tranh luận đòi hoãn sứ mạng này. Ông thậm chí còn viết một bản ghi nhớ dài 10 trang chuyển cho Venyamin Russayev, một người bạn thuộc KGB (tình báo Liên Xô). Nhưng bản ghi đó đã bị bỏ qua.

“Các nhà thiết kế Liên Xô đối mặt với áp lực chính trị về một kỳ tích vũ trụ mới. Tàu Soyuz đã vội vàng đi vào hoạt động trước khi tất cả các vấn đề được xử lý”, tác giả Francis French viết trong cuốn “In the shadow of the Moon”.


Hai nhà du hành Liên Xô Yuri Gagarin và Vladimir Komarov đi săn cùng nhau. (Ảnh: Twitter).

Trong câu chuyện kể lại đầy kịch tích của cuốn "Starman", Komarov đã e ngại mình sẽ chết nếu tham gia sứ mạng, nhưng lại từ chối rút lui để bảo vệ Gagarin – phi công dự bị cũng là bạn thân của ông.

Nhưng theo các chuyên gia, việc Gagarin được chọn là phi công dự bị chỉ mang danh nghĩa, bởi sau khi trở thành người đầu tiên bay vào vũ trụ, ông được coi như một bảo vật quốc gia. Giới chức rất khó có khả năng cử Gagarin tham gia bất cứ sứ mạng nào nếu có rủi ro.

Ngày 23/4/1967, Komarov khởi hành chuyến bay định mệnh. Trong 24 giờ đồng hồ, ông đã bay quanh quỹ đạo Trái đất tới 16 lần, song Komarov không thể hoàn thành mục tiêu cuối cùng của sứ mạng.

Đó là do một trong hai tấm pin Mặt Trời cung cấp năng lượng cho con tàu đã không mở được. Giới chức Liên Xô rõ ràng đã hủy bỏ phóng mô-đun thứ hai và sau đó chỉ đạo Komarov trở về Trái đất.

Mặc dù sở hữu kỹ năng thành thục, Komarov vẫn gặp khó khăn trong xử lý con tàu của mình và rõ ràng đã gặp rắc rối khi hãm phanh tên lửa. Ông đã mất thêm 2 chuyến bay vòng quanh Trái đất nữa rồi cuối cùng mới có thể bay trở lại bầu khí quyển.

Khi đạt tới độ cao 23.000 feet, dù của Komarov đã không thể mở được. Hóa ra các đường của máng trượt đã bị rối khi xảy ra những trục trặc trong quá trình tàu quay trở về khí quyển Trái đất.


Thi thể Vladimir Komarov biến thành một hình khối cháy đen trong thảm kịch. (Ảnh: Wikimedia Commons).

Vì thế vào ngày 24/4/1967, Komarov đã lao xuống mặt đất và tử vong trong một vụ nổ kinh hoàng, khiến ông trở thành người đầu tiên thiệt mạng trong một chuyến bay vũ trụ.

Theo bản ghi chính thức về những khoảnh khắc cuối cùng của Komarov (từ Kho lưu trữ Nhà nước Nga), một trong những điều cuối cùng ông nói với đồng nghiệp ở mặt đất là: “Tôi cảm thấy tuyệt vời, mọi thứ đều theo trật tự”. Một lúc sau, ông nói: “Cảm ơn các bạn vì đã truyền tải tất cả những điều đó”.

Sau cú rơi từ vũ trụ, thi thể Komanov được cho là cháy đen, và theo các báo cáo, chỉ có xương gót chân của ông là có thể nhận ra.

Theo nhật ký được công bố sau này của Nikolai Kamanin, lãnh đạo mảng đào tạo phi hành gia trong chương trình không gian của Liên Xô, tàu Soyuz-1 lao xuống với tốc độ 30-40 m/s và thi thể Komarov biến dạng nặng.

Liên Xô không công bố nguyên nhân cụ thể dẫn đến các vấn đề với tàu Soyuz-1. Kamanin viết trong nhật ký rằng Gagarin đã chỉ trích người đứng đầu chương trình Vasily Mishin "hiểu biết kém về tàu vũ trụ Soyuz và các chi tiết hoạt động của nó, thiếu hợp tác khi làm việc với các phi hành gia trong các hoạt động bay và huấn luyện". Trong cuộc phỏng vấn với tờ Komsomolskaya Pravda, Gagarin cho rằng giới chức đã không lắng nghe những lo ngại mà các phi hành gia từng bày tỏ về tàu Soyuz.

Vào ngày 26/4/1967, Liên Xô tổ chức quốc tang ở Moskva, tro cốt của Komarov được an táng tại Nghĩa trang tường Điện Kremlin ở Quảng trường Đỏ. Komarov được truy tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô.

Tờ Pravda đã đăng một thông điệp của các đồng nghiệp về cái chết của Komarov: "Nhiệm vụ của những người tiên phong luôn khó khăn. Họ đi trên những con đường chưa ai khám phá, chúng không thẳng mà có những khúc cua gấp, bất ngờ và nguy hiểm. Nhưng bất cứ ai đã đi vào không gian đều không bao giờ muốn rời bỏ nó. Không khó khăn hay trở ngại nào có thể khiến một người đàn ông như vậy từ bỏ con đường anh đã chọn. Một nhà du hành vũ trụ sẽ luôn tiếp tục thách thức vũ trụ. Vladimir Komarov là một trong những người đầu tiên trên con đường nguy hiểm này".

Năm 1971, một tấm biển tưởng niệm và tác phẩm điêu khắc có tên “Fallen Astronaut” (Nhà du hành bị rơi) được đặt lại trên Mặt trăng để tưởng nhớ Komanov và 13 nhà du hành vũ trụ của Liên Xô và Mỹ đã thiệt mạng khi làm nhiệm vụ.

Cập nhật: 15/08/2024 Tiền Phong/VNE
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video