Cận cảnh loài chuột bẩn đảm bảo ai cũng thích

Với không ít người, chuột là nỗi ám ảnh và là loài vật "đáng sợ nhất thế giới". Tuy nhiên, đã bao giờ bạn tưởng tượng được loài chuột có phần hôi hám kia lại có thể tỏa mùi hương và được sử dụng để… chế tạo nước hoa? Trên thực tế, có một loài chuột như vậy mang tên chuột xạ hương.

Vậy chuột xạ hương là loài vật như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu về loài chuột này thông qua bài viết dưới đây.


Chuột xạ hương.

Chuột xạ hương (muskrat) có danh pháp khoa học là Ondatra Zibethicus. Chúng là loài vật bản địa tại khu vực Bắc Mỹ, sau đó được con người du nhập đến Nam Mỹ, châu Âu và châu Á.

Loài chuột này có kích thước cơ thể khá ấn tượng, tổng chiều dài cơ thể và đuôi rơi vào khoảng 62cm, nặng trung bình 1,8kg.

Chuột xạ hương là loài ăn tạp khi chúng có thể làm no bụng bằng cá, ếch nhái đến cây lương thực của con người. Vào lúc khan hiếm lương thực, người ta còn thấy chúng săn bắt cả đồng loại của mình.


Chuột xạ hương chủ yếu sống dưới nước.

Khác với các loài chuột thông thường, chuột xạ hương chủ yếu sống dưới nước. Chúng sinh sống chủ yếu ở các ao, hồ nhỏ.

Cũng chính vì thế, chúng có khả năng bơi lặn rất giỏi. Chỉ với một lần lấy hơi, loài chuột này có thể lặn trong vòng 17 phút và bơi được khoảng cách 100m. Thậm chí, chúng còn có biệt tài bơi giật lùi - một khả năng hiếm có trong giới động vật.

Cấu tạo cơ thể của loài chuột này cũng hoàn toàn phù hợp cho cuộc sống dưới nước. Chân chúng có màng như chân vịt, cho phép quạt nước dễ dàng.


Cận cảnh chiếc đuôi đặc biệt của chuột xạ hương.

Chiếc đuôi của chuột xạ hương dài, lại có cấu tạo dẹt sang hai bên, đóng vai trò như bánh lái. Nhờ vậy, chúng có thể bơi với tốc độ 4,8km/h dưới nước. Ngoài ra, miệng của chuột xạ hương có những nếp da sau răng cửa dùng để ngăn nước tràn vào miệng khi săn mồi dưới nước.

Đến mùa sinh sản, chuột xạ hương trở nên hung dữ và khó tính hơn. Chúng có thể cắn nhau dữ dội và sẵn sàng tấn công con người dù không bị khiêu khích. Đặc biệt hơn, toàn bộ quá trình giao phối của chúng sẽ được tiến hành dưới nước.


Đến mùa sinh sản, chuột xạ hương trở nên hung dữ và khó tính hơn.

Sở dĩ loài chuột bụ bẫm này mang tên “xạ hương” là do cơ thể chúng chứa một tuyến xạ hương có mùi rất đặc trưng giống như các loài hươu xạ.

Khi đến mùa sinh sản, tuyến xạ dưới bụng sẽ sưng lên, sản sinh ra một dung dịch lỏng màu vàng, có mùi nồng. Chất này có trong cả cá thể đực và cái, được tiết ra trong mùa sinh sản nhằm thu hút đối phương.


Một sản phẩm "nước hoa chuột" được bán trên thị trường.

Nhờ phát hiện ra tuyến thơm này mà nhiều nhà sinh vật học đã nghiên cứu thu hoạch tuyến xạ hương để sản xuất “nước hoa chuột”. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, tiềm năng kinh tế của loại nước hoa này không cao.

Nguyên do là bởi tuyến thơm của muskrat không thơm bằng tuyến xạ hương của hươu. Ngoài ra, do loài chuột này có tốc độ sinh sản nhanh (sau 15-20 ngày có thể đẻ từ 6-8 con) nên không đủ độ quý hiếm để trở thành một loại nước hoa có giá trị cao.

Tuy nhiên, chuột xạ hương có một bộ lông rất… “được giá”. Đây là một trong những bộ lông có giá trị lớn trong giới động vật. Đó là những bộ lông mượt, dày và đặc biệt là không hề thấm nước.


Chuột xạ hương có một bộ lông rất… “được giá”.

Có thể nói, loài chuột này đóng vai trò rất quan trọng trong hệ sinh thái đầm hồ tại Bắc Mỹ, đồng thời cũng là nguồn cung cấp lương thực cho con người.

Chúng luôn được đặt bẫy với số lượng lớn. Tuy nhiên, với tốc độ sinh sản “siêu tốc”, chưa bao giờ giới khoa học phải lo ngại về khả năng tuyệt chủng của chuột xạ hương.

Cập nhật: 12/11/2018 Theo Trí Thức Trẻ
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video