Cần chú ý gì khi điều trị bằng thuốc kháng HIV?

Đối với một người bệnh khi phải dùng thuốc thì việc tuân thủ điều trị sẽ đem lại hiệu quả chữa bệnh cao, nhưng đối với người nhiễm HIV/AIDS việc tuân thủ này còn ngăn chặn được HIV, phòng tránh hiện tượng kháng thuốc và duy trì một cách toàn diện sức khoẻ cho người bệnh.

Mục đích của việc điều trị bằng thuốc kháng HIV (ARV) là ức chế sự nhân lên của virut và kìm hãm lượng virut trong máu ở mức thấp nhất; Phục hồi chức năng miễn dịch, giảm nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội; Cải thiện chất lượng sống và giảm đáng kể tỷ lệ tử vong ở người nhiễm HIV...

Điều trị ARV chủ yếu là điều trị ngoại trú và được chỉ định khi người bệnh có đủ tiêu chuẩn lâm sàng, và/hoặc xét nghiệm và chứng tỏ đã sẵn sàng điều trị.

Điều trị bằng thuốc ARV khi nào?

Khi đưa một bệnh nhân vào điều trị bằng thuốc ARV, bác sĩ phải dựa vào giai đoạn lâm sàng của bệnh nhân và số lượng tế bào CD4. Theo “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị HIV/AIDS” của Bộ Y tế, nếu có xét nghiệm CD4, chỉ định điều trị ARV khi:

  • Người nhiễm HIV giai đoạn lâm sàng 4 (với các triệu chứng như: sút cân trên 10% trọng lượng cơ thể kèm theo sốt kéo dài trên 1 tháng hoặc tiêu chảy kéo dài trên 1 tháng không rõ nguyên nhân; viêm phổi, nhiễm Herpes mạn tính ở môi, miệng, cơ quan sinh dục...; nhiễm Candida thực quản...) thì không phụ thuộc số lượng tế bào CD4.
  • Người nhiễm HIV giai đoạn 3 (sút cân nặng không rõ nguyên nhân trên 10% trọng lượng cơ thể, tiêu chảy không rõ nguyên nhân kéo dài trên 1 tháng; sốt không rõ nguyên nhân từng đợt hoặc liên tục kéo dài trên 1 tháng; nhiễm nấm Candida miệng tái diễn... ) với CD4<350TB/mm3.
  • Người nhiễm HIV giai đoạn lâm sàng 1, 2 với CD4<250 TB/mm3.

Nếu không làm được xét nghiệm CD4, chỉ định điều trị ARV khi người nhiễm HIV ở giai đoạn lâm sàng 3,4.


Tuân thủ điều trị là yêu cầu số một khi điều trị thuốc ARV.

Lưu ý khi dùng thuốc

Khi người nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV vẫn phải áp dụng các biện pháp dự phòng lây nhiễm virut cho người khác. Với những người được điều trị ARV khi tình trạng miễn dịch chưa phục hồi cần tiếp tục điều trị dự phòng các bệnh nhiễm trùng cơ hội.

Do HIV có tỷ lệ nhân lên và đột biến rất cao nên bệnh nhân cần tuyệt đối tuân thủ điều trị. Nghĩa là phải dùng đúng liều, đúng giờ và đều đặn hàng ngày. Người bệnh phải tự đặt ra cho mình một giờ uống thuốc nhất định.

Lịch uống thuốc sẽ dễ thực hiện nếu có thể lồng ghép vào thời gian biểu hoạt động hàng ngày. Có thể đặt chuông báo thức hoặc điện thoại di động để nhắc nhở việc uống thuốc hoặc người hỗ trợ trong gia đình nhắc nhở giờ uống thuốc. Các thuốc uống 2 lần/ngày thì phải uống cách nhau 12 giờ. Các thuốc uống 3 lần/ngày thì phải uống cách nhau 8 giờ/lần.

Nếu không tuân thủ (nghĩa là các liều thuốc không được dùng đều đặn, đủ liều và đúng giờ) sẽ dẫn đến việc nồng độ thuốc trong máu thấp, các đột biến của HIV sẽ xuất hiện sự kháng thuốc. Việc điều trị sẽ bị thất bại.

Trường hợp người bệnh khi phát hiện ra mình quên uống thuốc theo lịch thì phải uống ngay liều thuốc vừa quên. Tiếp theo tính thời gian uống liều kế tiếp theo lịch như thường lệ. Nếu thời gian đến liều uống kế tiếp còn dưới 4 tiếng, không được uống liều kế tiếp theo lịch cũ mà phải đợi trên 4 tiếng mới được uống. Nếu quên hơn 2 liều trong một tuần, người bệnh phải báo cho bác sĩ điều trị để được hướng dẫn.

Tác dụng phụ của thuốc kháng HIV

Khi dùng các thuốc điều trị kháng HIV (ARV) người bệnh có thể gặp các tác dụng phụ do thuốc gây ra. Một số tác dụng phụ thường gặp là:

  • Buồn nôn: Để hạn chế tác dụng phụ này, người bệnh có thể uống thuốc trong hoặc ngay sau bữa ăn hoặc có thể uống thuốc chống nôn trước khi uống ARV 30 phút.
  • Tiêu chảy: Nếu uống thuốc người bệnh thấy bị tiêu chảy, cần đánh giá mức độ tiêu chảy và các triệu chứng kèm theo. Khi bị tiêu chảy cần uống oresol để bù nước, điện giải. Nếu nặng cần truyền dịch hoặc có thể phải dùng các thuốc chống tiêu chảy để hạn chế tiêu chảy tạm thời.
  • Đau đầu: Trường hợp người bệnh thấy đau đầu khi dùng thuốc có thể dùng các thuốc giảm đau thông thường như paracetamol để giảm bớt đau đầu.
  • Đau bụng, khó chịu ở bụng: Đối với hiện tượng này người bệnh cần phải theo dõi kỹ. Trường hợp đau liên tục cần tới cơ sở y tế nơi cấp thuốc để được xử lý, thậm chí là phải thay thế thuốc khác hoặc đổi phác đồ điều trị.
  • Nổi ban đỏ, ngứa: Cũng giống như các thuốc điều trị khác, thuốc ARV cũng có thể gây dị ứng. Nhẹ thì có biểu hiện ban đỏ rải rác, ngứa… Khắc phục bằng cách: uống thêm thuốc kháng histamin. Tuy nhiên nếu dị ứng nặng có thể đe dọa tính mạng cần ngừng thuốc ngay và điều trị tích cực tại các trung tâm y tế có đủ điều kiện.
  • Thiếu máu: Một số thuốc ARV có tác dụng ức chế tủy xương làm cho tủy xương giảm khả năng sinh ra hồng cầu gây thiếu máu với các biểu hiện như hoa mắt, chóng mặt. Thường xuất hiện sau 4-6 tuần hoặc có thể xuất hiện sau vài tháng điều trị bằng thuốc ARV. Có thể bổ sung vitamin B12, viên sắt, folic... để khắc phục tình trạng này.
  • Rối loạn giấc ngủ, hay gặp ác mộng khi ngủ: Đối với người bệnh gặp triệu chứng này nên dùng thuốc vào buổi tối, trước khi đi ngủ. Các triệu chứng này thường không kéo dài. Có thể dùng các loại thuốc an thần, thuốc hỗ trợ để ngủ tốt hơn.
  • Bệnh lý thần kinh ngoại vi: Người bệnh thường có biểu hiện rối loạn cảm giác ngoại vi, chủ yếu ở đầu chi, biểu hiện tê bì, rát bỏng hoặc đau. Nếu bị nặng khiến người bệnh đi lại khó khăn, mất cảm giác nhiều nơi. Thường xuất hiện vào tháng thứ 6 điều trị. Có thể dùng vitamin nhóm B liều cao, nếu nặng phải thay thế thuốc.

Ngoài ra thuốc có thể gây độc với gan, thận, rối loạn phân bố mỡ (với các biểu hiện tăng tích tụ mỡ ở ngực, bụng, lưng, gáy; teo mô mỡ ở cánh tay, cẳng chân, mông, má... ).

Do các thuốc ARV có nhiều tác dụng phụ, vì thế trong quá trình dùng thuốc nếu thấy có biểu hiện bất thường nào, người bệnh cần thông báo ngay cho bác sĩ điều trị biết để có cách xử trí phù hợp.

Cập nhật: 03/07/2017 Theo SKĐS
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video