Các nhà khoa học Mỹ vừa thông báo đã cấy ghép thiết bị thần kinh nhân tạo vào một vùng não bộ của những người bị liệt toàn thân hoặc bị mất chi, giúp người bệnh có thể truyền tín hiệu đến một cánh tay robot để thực hiện mọi động tác như mong muốn.
Mỹ nghiên cứu thành công cánh tay robot cho người liệt toàn thân
Công trình nghiên cứu trên - được đăng tải trên Tạp chí Science ngày 21/5, do các nhà nghiên cứu thuộc trường Y khoa Keck thuộc Đại học Nam California và Trung tâm phục hồi chức năng quốc gia Rancho Los Amigos hợp tác tiến hành.
Ảnh minh họa. (Nguồn: topnews.ae)
Trước đây, các bác sỹ mới chỉ cấy ghép các thiết bị thần kinh nhân tạo vào vỏ vận động sơ cấp của não bộ người bệnh. Đây là bộ phận này chi phối một số cơ. Sau khi phẫu thuật, thông qua một máy tính, người bệnh sẽ truyền thông tin thực hiện động tác đến một cánh tay robot. Tuy nhiên, những động tác này không dứt khoát và khá đơn giản.
Để giúp người bệnh có thể thực hiện những động tác khó hơn, các bác sỹ đã tiến hành cấy ghép vào một khu khác của não bộ. Hai dãy vi điện cực được cấy vào vỏ não sau thùy đỉnh. Khác với vỏ vận động sơ bộ, bộ phận này có nhiệm vụ xử lý thông tin thực hiện các động tác.
Theo các nhà khoa học, máy tính nhận và giải mã thông tin phát đi từ hai dãy vi điện cực được cấy ghép về một động tác cụ thể nào đó và thực hiện động tác đó. Theo giáo sư Richard Andersen, giáo sư chuyên khoa thần kinh thuộc Đại học Nam California, thành công của nghiên cứu này là ở chỗ người bệnh chỉ cần tưởng tượng ý định của hành động nào đó và cánh tay robot sẽ "cụ thể hóa" ý định đó một cách tự nhiên và dễ dàng hơn.
Kết quả nghiên cứu trên được công bố sau khi Erick Sorto, 34 tuổi, một bệnh nhân bị liệt từ cổ xuống, đã có thể dễ dàng uống bia hay bắt tay nhờ thiết bị cấy ghép vào vỏ não sau thùy đỉnh.
Các nhà khoa học nhận định những thí nghiệm ban đầu này mở ra hy vọng mới cho những bệnh nhân mắc các bệnh về thần kinh và tự không điều khiển được các chi./.