Canon phát triển thành công ống kính máy ảnh có khả năng tự lọc bụi

Các kỹ sư của Canon đã phát triển một ống kính máy ảnh có khả năng hút không khí vào, xoay luồng không khí trong thân máy và cuối cùng đẩy chúng ra khỏi máy ảnh.

Theo giải thích của Canon, phương pháp kể trên có thể giúp loại bỏ các điểm tối trong ảnh. Ống kính hút không khí qua các kênh xung quanh viền ngoài của thiết bị. Không khí này được đưa trở lại hộp gương của máy ảnh khi gương được nâng lên và cảm biến được mở.

Không khí lẫn bụi sau đó được dẫn qua bên trong ống kính cho đến khi nó thoát ra phía trước ống kính qua các kênh bao quanh mặt trước và vành của ống kính máy ảnh. Công ty Canon đã nộp đơn xin cấp bằng sáng chế về giải pháp này.

Theo đánh giá của giới chuyên môn, chức năng làm sạch cảm biến trong nhiều máy ảnh hiện đại thường sử dụng sự rung lắc cảm biến để làm bụi rơi ra ngoài. Ý tưởng của Canon sẽ giúp người dùng có thêm một lựa chọn hữu ích để loại bỏ bụi mà không cần bổ sung thêm thiết bị.

Tuy nhiên, cũng theo giới chuyên môn, đây mới chỉ là ý tưởng nội bộ của Canon và rất có thể người dùng sẽ không bao giờ được trải nghiệm phát minh này trong thực tế.


Mô hình ống kính máy ảnh mà Canon mới phát triển.

Được biết, nguyên lý chung của hệ thống chống bụi cho bộ cảm biến là dùng hai cách chính: chống bụi thụ động, ngăn tối đa sự xâm nhập của bụi từ bên ngoài vào và chống bụi chủ động bằng cách để cảm biến "tự rũ sạnh" bụi bám. Tuy nhiên, mỗi nhà sản xuất lại có các cách xử lý khác nhau.

Trước đây, Olympus là hãng đầu tiên đưa hệ thống chống bụi bộ cảm biến vào DSLR với dòng máy "E" của mình cùng những quảng cáo rất ấn tượng như có thể thay ống kính giữa gió cát sa mạc mà không phải quan tâm đến bụi bám vào bộ cảm biến.

Một thời đây là những quảng cáo độc chiêu để "lăng xê" cho Olympus E-1, loại máy ảnh DSLR đầu tiên được tích hợp bộ phận này. Từ thời điểm đó, bộ lọc bằng sóng siêu âm đã trở thành tiêu chuẩn phải có với các máy ảnh DSLR hệ 4:3 của Olympus.

Giải pháp loại bỏ bụi của Olympus là dùng một lá kim loại mỏng ở trước bộ cảm biến rung với tần số siêu âm (lớn hơn 20 kHz) để kích hoạt cho bụi bám bay ra. Bụi rơi ra khỏi bộ cảm biến sẽ được dính lại trền một dải được phủ chất keo dính phía dưới đằng trước bộ cảm biến để ngăn chặn những mảnh này quay lại. Quy trình này được lặp lại mỗi khi máy ảnh được bật hoặc tính năng này được lựa chọn từ thư mục lệnh trong máy. Miếng dính sẽ được thay sau vài năm để đảm bảo hiệu quả hoạt động của hệ thống.

Olympus "độc quyền" hệ thống chống bụi cho bộ cảm biến cho máy DSLR tính đến thời điểm ra mắt của Sony Alpha A100 vào tháng 6/2006. Sony sử dụng công nghệ trực tiếp rung bộ cảm biến để "rũ" bụi ra khỏi bề mặt của nó. Công nghệ này vốn được phát triển bởi Konica Minolta nhằm chống rung ảnh và đã được sử dụng trên các máy A2, Maxxum 5D, 7D…

Bản thân bộ cảm biến chứ không phải miếng kim loại mỏng sẽ được rung ở biên độ lớn với tần số thấp khoảng 100 Hz để "rũ" bụi. Bề mặt của bộ cảm biến còn được Sony tráng chất Indi đặc biệt với mục đích giảm tĩnh điện giúp các mẩu bụi dễ dàng rơi ra khỏi bộ cảm biến hơn khi bị rung.

Canon cũng đã tham gia cuộc đua tranh này với sản phẩm đầu tiên có hệ thống chống rung là EOS-400D. Theo những tính năng được mô tả thì công nghệ chống bụi của Canon cũng gần giống của Olympus.

Canon thiết lập thêm một kính lọc nữa trước kính lọc tia hồng ngoại thông thường và được rung với tần số cao để rũ bỏ ra khỏi bề mặt của bộ cảm biến. Tuy nhiền không dừng lại ở đây, Canon còn có thêm giải pháp xử lý tự động bằng phần mềm gọi là "bản đồ bụi" (dust map). Bụi sẽ được đánh dấu lại bằng một bức ảnh để đối chiếu và ghi lại vị trí của chúng trong thông số chụp. Các thông số này sẽ được lưu lại trong mỗi ảnh (kể cả ảnh RAW) và được xử lý với phần mềm của Canon để loại bỏ nốt những "phần tử cứng đầu".

Pentax K10D sử dụng công nghệ gần như của Sony vì cùng dùng nguyên lý rung bộ cảm biến nhằm làm sạch chúng. Với bốn cuộn dây và nam châm vĩnh cửu nhằm tạo ra hệ thống chống rung cho bộ cảm biến và một phần hoạt động của chúng được sử dụng với mục đích giảm bụi cho bộ cảm biến.

Ngoài ra, bề mặt của kính lọc đặt trước bộ cảm biến trong máy Pentax còn được tráng phủ lớp fluorine đặc biệt chống bụi bẩn bám dính lại trền bề mặt. Mỗi lần bật máy hoặc truy cập tính năng từ thư mục, bộ cảm biến sẽ rung để rũ bụi và bụi rơi ra được dính lại bởi một dải có chất chống dính. Sản phẩm Samsung GX-10 giống hệt với Pentax K-10D về cả tính năng và kiểu dáng, nên có thể khẳng định rằng công nghệ chống rung của nó cũng hoàn toàn tương tự.

Giải pháp của Sigma lại có vẻ đơn giản hơn rất nhiều với một kính lọc đặc biệt ngăn trước bộ cảm biến. Kính lọc này được gắn kín nền sẽ đảm bảo bụi bên ngoài không lọt và dính vào bộ cảm biến. Bụi từ bên ngoài sẽ được chặn lại, một phần có thể dính lại trên kính lọc này nhưng với hiệu ứng nhòa ngoài vùng nét (out focus) nên các bụi này cũng sẽ không hiện diện trên ảnh. Vì tấm kính chắn này ở gần với ngàm lắp ống kính nên cũng dễ dàng hơn cho việc vệ sinh, làm sạch chúng.

Gần đây còn có thêm Panasonic gia nhập cuộc đua tranh vào thị trường máy ảnh số DSLR với sản phẩm DMC-L1 có hệ thống lọc bụi mua lại của Olympus.

Cập nhật: 08/11/2019 Theo vnreview
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video