Castillo de San Marcos - Pháo đài "nuốt đạn đại bác" đặc biệt ở Mỹ

Nằm ở bang Florida, pháo đài Castillo de San Marcos có kết cấu đặc biệt, có thể vô hiệu hóa đạn đại bác bắn vào. Nhờ đó, trong suốt lịch sử hoạt động, nơi này chưa từng bị chiếm.


Năm 1702, khi Tây Ban Nha vẫn còn thống trị Florida, một binh đoàn người Anh từ Carolina tiến về phía Castillo de San Marcos, một pháo đài của Tây Ban Nha trên bờ biển Đại Tây Dương. Pháo đài này bảo vệ tuyến đường giao thương của đế quốc Tây Ban Nha cũng như thị trấn St. Augustine bao quanh, và quân Anh muốn chiếm được vị trí quan trọng về cả chính trị và kinh tế này. (Ảnh: Totally St. Augustine).


Dẫn đầu bởi thống đốc James Moore, tàu Anh thả neo và bắt đầu tấn công. Nhưng sau gần 2 tháng bị dội đạn đại bác và nã súng, pháo đài vẫn đứng vững. Trên thực tế, tường pháo đài như "nuốt" đạn đại bác. Cách thức những bức tường có thể làm như vậy là một bí ẩn trong suốt 3 thập kỷ tiếp theo. (Ảnh: Spenor).


Thông thường, đạn đại bác sẽ làm nứt đá trong bán kính xung quanh vùng tiếp xúc, gây hư hại nặng nề cho công trình. Tuy nhiên, những bức tường thành của Castillo de San Marcos lại không như vậy. Chúng được xây từ coquina - loại đá trầm tích hình thành từ vỏ của các loài động vật biển đã chết, điều này khiến tường chịu ít tổn hại từ các đợt tấn công của quân Anh. Theo mô tả của một lính Anh, tường đá "không nứt vỡ mà lún vào, nhường chỗ cho đạn đại bác, như thể cắm dao vào tảng phô mai". (Ảnh: Florida).


Quân Anh trút giận lên thị trấn St. Augustine, còn người dân thành phố trốn trong pháo đài. Nhà sử học Susan Parker tại Đại học Flagler (St. Augustine, Florida, Mỹ) cho biết: "Quân Anh chiếm được thị trấn, nhưng không hạ được pháo đài. Do đó, họ đốt phá thị trấn trước khi rút quân". Quân Anh quay lại đánh pháo đài lần nữa vào năm 1740 nhưng vẫn bất thành. (Ảnh: Heraltribune).


Năm 2015, hơn 300 năm sau khi pháo đài được xây dựng, một nhóm nhà khoa học từ Đại học Florida và Quân đội Mỹ đã tiến hành nghiên cứu về các đặc tính vật lý của coquina để tìm hiểu cách nó chống chịu với lực va chạm. (Ảnh: Steven Markos).


Sau hai năm thử nghiệm, kết quả cho thấy dù coquina trông giống sa thạch, nó hoạt động như bọt xốp. Trong chiến đấu, tường sa thạch sẽ bị bắn nát, nhưng coquina có khả năng hiếm thấy là hấp thụ ứng suất cơ học nhờ kết cấu nội tại khá lỏng. (Ảnh: AO).


Dù vỏ động vật tạo thành coquina bị chồng và ép suốt hàng nghìn năm, chúng không thành khối như bê tông mà có thể dịch chuyển đôi chút. Do đó, khi đạn đại bác trúng vào tường coquina ở Castillo de San Marcos, nó làm vỡ những phần vỏ va chạm trực tiếp, nhưng các phần xung quanh sẽ tự tạo chỗ cho đạn. (Ảnh: Parkrangejohn).


Không rõ người Tây Ban Nha có biết về đặc tính của coquina khi xây dựng tường pháo đài hay không. Đá được lấy từ mỏ lân cận, ngày nay là Công viên Quốc gia Anastasia. Nhưng rõ ràng, họ đã biết tận dụng đặc tính này và biến tường thành chỗ tập luyện. (Ảnh: Reddit).


Castillo San Marcos là công trình nề cổ nhất nước Mỹ và là một trong số 2 công trình hiếm hoi trên thế giới được xây dựng bằng coquina. Trong thời gian hoạt động, pháo đài này chưa từng bị chiếm bằng vũ trang, một phần là nhờ vật liệu đặc biệt. Nơi này được bỏ ra khỏi danh sách pháo đài vào năm 1900 và trở thành đài tưởng niệm quốc gia của Mỹ vào năm 1924. (Ảnh: Parkrangejohn).

Cập nhật: 08/07/2022 Zing
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video