Khả năng sống sót khó có thể xảy ra của Koepcke đã trở thành chủ đề của nhiều đồn đoán.
Lúc ấy là 18 giờ ngày 24/12/1971, Juliane Koepcke 17 tuổi và mẹ mình là bà Maria von Mikulicz Radecki, một nhà động vật học người Đức cùng 90 hành khách lên chiếc máy bay 4 động cơ cánh quạt Lockheed Electra số hiệu 508 của Hãng Hàng không Lansa, Peru, bay từ Lima, thủ đô Peru đến thành phố Pucallpa nằm trong rừng nhiệt đới Amazon.
25 phút sau đó, chiếc máy bay bị sét đánh. Nó lao xuống đất, vỡ tan. Chỉ duy nhất một mình Juliane Koepcke sống sót trong những điều kiện kinh hoàng…
Chuyến bay định mệnh
18 giờ 20 phút chiều 24/12/1971, chiếc máy bay 4 động cơ cánh quạt Lockheed Electra số hiệu 508 của Hãng Hàng không Lansa, Peru, với 92 hành khách và 5 thành viên phi hành đoàn cất cánh rời khỏi sân bay Lima. Juliane Koepcke nhớ lại: “Tôi biết nếu bay với Hãng Lansa thì không an toàn lắm vì trước đó, họ đã để xảy ra 2 tai nạn hàng không. Nhưng vì nóng lòng muốn gặp cha tôi trong đêm Giáng sinh, và cũng vì không còn chuyến bay nào khác nên mẹ con tôi vẫn quyết định lên đường…”.
Juliane Koepcke cùng cha cô hôm nhận bằng tốt nghiệp trung học, nửa tháng trước ngày rơi máy bay.
Sinh ngày 10/10/1954 tại Lima, Peru, Juliane Koepcke là con ông Hans-Wilhelm Koepcke và bà Maria von Mikulicz Radecki, cả hai đều là nhà động vật học người Đức. Họ đến Peru để khảo sát vòng đời và tập tục sống của các loài thú hoang dã trong rừng mưa nhiệt đới.
Hai tuần trước khi chiếc máy bay Lockheed Electra 508 gặp nạn, cha của Juliane Koepcke đang tiến hành gắn chip theo dõi cho một số con vượn cáo tại cơ sở nghiên cứu của ông ở thành phố Pucallpa, Peru, nằm trong rừng Amazon, còn cô thì vừa tốt nghiệp trung học. Dự định của Juliane Koepcke là theo truyền thống gia đình, cô sẽ cũng trở thành một nhà động vật học
20 phút đầu tiên của chuyến bay, mọi việc diễn ra bình thường nhưng đến 16 giờ 45, chiếc Lockheed Electra gặp một cơn giông lớn. Juliane Koepcke kể lại: “Đột nhiên, xung quanh chúng tôi là một dải mây đen kéo dài như vô tận và trong cái dải mây đen ngòm ấy, những tia sáng xanh lè liên tục lóe lên. Ngồi cạnh tôi, mặt mẹ tôi tái xám vì máy bay nhồi lắc kinh khủng, nhất là khi một số hành lý như va li, túi xách, các gói bưu kiện, trái cây và cả những chiếc bánh Noel rơi ra từ khoang chứa trên đầu. Một số hành khách khóc, có người cầu kinh và cũng có người la hét hoảng loạn…”.
10 phút sau, qua ô cửa kính, Juliane Koepcke nhìn thấy một tia sét đánh thẳng vào động cơ nằm bên ngoài cánh trái máy bay. Cô kể: “Mẹ tôi bấu chặt lấy vai tôi. Bà nói: “Chết rồi, chết rồi con ơi”. Đó cũng là câu cuối cùng tôi nghe được từ mẹ”.
Bị sét đánh trúng động cơ, cánh trái của chiếc Lockheed Electra bốc cháy. Vài giây sau đó, nó rơi xuống mặt đất từ độ cao 3.200m. Thân máy bay tan thành nhiều mảnh, nằm vương vãi trên một diện tích khoảng 1km vuông. Cảm giác cuối cùng của Juliane Koepcke lúc ấy chỉ là: “Gió thổi như rít lên bên tai tôi rồi tôi chẳng còn biết gì nữa”.
Tồn tại trong kinh hoàng
9 giờ sáng hôm sau, Juliane Koepcke mở mắt ra. Điều đầu tiên mà cô nhận biết là cô đã bất tỉnh hơn 12 tiếng căn cứ vào chiếc đồng hồ đeo trên cổ tay. Trong tư thế nằm nghiêng trên mặt đất, Juliane Koepcke vẫn được cố định vào ghế bằng sợi dây đai an toàn thắt quanh bụng. Nhờ chiếc ghế và sợi dây này mà cô sống sót.
Juliane Koepcke từ bệnh viện thành phố Pucallpa ra sân bay về Đức.
Và phải mất gần 15 phút, Juliane Koepcke mới tháo được cái khóa của sợi dây. Cô nói: “Tay trái tôi không nhấc lên nổi vì xương đòn bị gãy, còn tay phải bị một vết thương lớn. Chân tôi cũng có vài vết thương. Mắt phải tôi sưng to, cặp kính cận văng đi đâu mất nên mọi thứ tôi nhìn đều mờ mờ ảo ảo”.
Bò ra khỏi ghế, Juliane Koepcke cố hét lớn gọi mẹ cô. Xung quanh cô la liệt những tử thi hình hài không nguyên vẹn. Cảm giác của Juliane Koepcke hầu như tê liệt vì đây là lần đầu tiên, cô nhìn thấy nhiều người chết như thế. Cô nghĩ mẹ cô có thể là một trong số những người ấy nhưng khi dùng một cây gậy chọc vào xác của một phụ nữ, cô thấy móng chân bà sơn đỏ. Cô nói: “Ngay lập tức tôi cảm thấy nhẹ nhõm vì mẹ tôi không bao giờ sơn móng tay, móng chân, nhưng rồi tôi lại thấy tội lỗi vì ý nghĩ ấy”.
Đến xế trưa, Juliane Koepcke tìm thấy mẹ cô với nhiều vết thương ở cổ, ngực và bụng, nằm cách xa chỗ cô rơi xuống khoảng 300m. Cô nói: “Lúc ấy tôi biết cả máy bay chỉ còn lại mình tôi. Dựa vào thời gian bay, tôi đoán tôi chỉ còn cách thành phố Pucallpa - là nơi đặt trạm nghiên cứu của cha tôi khoảng 50km. Tôi hy vọng các đội cứu hộ sẽ nhanh chóng tìm đến nhưng khi nhìn ra xung quanh, tôi thấy vị trí máy bay rơi là một khu rừng rậm rạp, các tán cây lớn đan xen vào nhau, che khuất ánh sáng mặt trời còn dưới đất, những tầng lá thấp tạo thành một mê cung chằng chịt. Vì vậy, tôi phải tự cứu mình trước khi được cứu…”.
Cuối buổi chiều, Juliane Koepcke thu nhặt được vài chai nước, một gói kẹo 50 cái, ít quả táo và những mẩu bánh Noel vỡ nát. Đêm xuống, cô chui vào một mảnh của chiếc máy bay có hình dạng tựa như mai rùa. Cô nói: “Lúc máy bay rơi, tôi chỉ mặc mỗi chiếc váy ngắn và chiếc áo thun cụt tay nên tôi không ngủ được vì quá lạnh và vì những con muỗi, những loại côn trùng liên tục bám vào những vết thương hở trên da, trên tay chân tôi”.
Sáng hôm sau, Juliane Koepcke quyết định tìm đường ra khỏi khu rừng. Ngoài việc mất cặp kính cận, Juliane Koepcke còn mất 1 chiếc giày nên cô phải lấy mảnh áo khoác của một nạn nhân, bó vào chân. Với cái áo thun cũng của một nạn nhân, Juliane Koepcke buộc túm nó lại thành một cái túi, đựng những thực phẩm đã thu nhặt được. Lấy một thân cây khô làm gậy, Juliane Koepcke dò dẫm từng bước cho đến khi cô gặp một con suối nhỏ, nơi có 3 chiếc ghế và 3 hành khách chết trong tư thế chúi mặt xuống bùn.
Juliane Koepcke nói: “Tôi từng nghe cha tôi dạy rằng: “nếu con đi lạc trong rừng và nếu con tìm thấy một con suối thì con hãy đi theo nó. Những con suối nhỏ sẽ dẫn đến dòng suối lớn và dòng suối lớn sẽ đổ ra sông, nơi luôn có người sinh sống ở hai bên bờ” nên tôi quyết định men theo con suối”.
Trong 5 ngày sau đó, nhiều lần Juliane Koepcke nghe tiếng máy bay trên đầu nhưng cô không thể nhìn thấy nó vì rừng mưa nhiệt đới quá rậm rạp, còn những đội cứu hộ cũng không phát hiện vị trí nơi chiếc Lockheed Electra 508 rơi. Không ít lần cô phải đối diện với những con rắn độc và có lần, cô phải đi vòng xa con suối vì cô thấy mấy con cá sấu nằm há miệng chờ mồi. Điều kinh khủng nhất là vết thương trên cánh tay phải của cô bắt đầu có giòi, những con giòi màu trắng bé tí, chen chúc nhau trong cái lỗ hở lớn bằng đồng xu.
Năm 1980, Juliane Koepcke trở lại thăm nơi máy bay rơi.
Đã vậy, mùi hôi thối của vết thương thu hút lũ ruồi bu đến. Juliane Koepcke kể: “Mặc dù tôi đã dùng một mảnh vải bó kín nhưng những con ruồi vẫn cứ bám vào. Tôi cũng đã thử ngâm cánh tay trong dòng nước suối cả tiếng đồng hồ với hy vọng giòi sẽ bò ra nhưng chúng lại càng rúc sâu hơn nữa”.
Thoát chết
Ngày thứ 9 kể từ khi rời khỏi xác chiếc máy bay Lockheed Electra 508, Juliane Koepcke ra đến nơi giao nhau giữa con suối và một dòng sông. Tại đó, cô thấy một chiếc thuyền nhỏ bằng gỗ có gắn động cơ nhưng không có người, buộc vào một thân cây ven bờ.
Đợi hết ngày hôm ấy mà vẫn chẳng thấy ai, Juliane Koepcke nghĩ đến chuyện dùng con thuyền này xuôi xuống hạ lưu với hy vọng sẽ gặp được một xóm làng nào đó. Tuy nhiên sức khỏe cô suy kiệt đến nỗi chẳng những cô không thể kéo nổi sợi dây dùng để khởi động động cơ, mà ngay cả mối dây buộc thuyền vào thân cây, cô cũng không mở được.
Cô kể: “Tôi nằm ngay trước mũi thuyền để người ta có thể dễ dàng nhìn thấy tôi nếu có ai đó đi qua. Một lát, tôi chợt nhớ đến câu chuyện là có lần, cha tôi đã dùng dầu hỏa rửa vết thương cho con chó khi nó bị nhiễm trùng. Cố hết sức, tôi bò đến chỗ đặt động cơ rồi dùng một mảnh vải, tôi mở nắp bình xăng, nhúng nó vào, vắt từng giọt xăng lên vết thương…”.
Theo Juliane Koepcke, sau khi vắt xăng vào vết thương, cô đếm được 35 con giòi bò ra. Sau này, khi đã được cứu thoát, bệnh viện thành phố Pucallpa còn gắp được thêm 50 con nữa.
Sáng ngày 3/1/1972 - 10 ngày kể từ khi xảy ra vụ tai nạn máy bay, một nhóm thợ rừng phát hiện Juliane Koepcke nằm mê man trên chiếc thuyền gỗ. Phải mất 7 tiếng ngược dòng Amazon, họ mới đưa cô đến được xưởng chế biến gỗ ở quận Tournavista. Sau khi sơ cứu đồng thời xem xét những giấy tờ trong ví, họ gọi cho cha cô. Tiếp theo, một trực thăng chuyển cô đến bệnh viện thành phố Pucallpa. Điều trị ở đó vài ngày, cha cô đưa cô về Đức.
Dựa theo sự chỉ dẫn của Juliane Koepcke, ngày 12/1/1972 các đội cứu hộ tìm thấy địa điểm máy bay rơi. Tuy nhiên phần lớn thi thể nạn nhân đã bị những loài chim ăn xác thối và côn trùng rỉa rói gần hết - trong đó có cả xác bà Maria von Mikulicz-Radecki, mẹ của Juliane Koepcke. Các cuộc điều tra cho thấy chiếc Lockheed Electra 508 bị sét đánh trúng động cơ ngoài cùng bên trái, dẫn đến thùng nhiên liệu nằm trong cánh bị vỡ khiến máy bay bốc cháy.
Riêng Juliane Koepcke, cô sống sót là nhờ sợi dây an toàn giữ chặt cô vào ghế, và những tán cây rừng chằng chịt đã phần nào làm giảm lực rơi. Thêm vào đó, lớp lá rụng trên mặt đất chồng chất qua hàng chục năm giống như một tấm thảm, hấp thu phần lớn lực va đập lúc chiếc ghế và Juliane Koepcke rơi xuống.
Khi đã hoàn toàn bình phục, cũng như cha mẹ cô, Juliane Koepcke theo ngành Sinh học tại Đại học Kiel. Năm 1980, cô nhận bằng tiến sĩ tại Đại học Ludwig Maximilian, Đức. Sau đó Juliane Koepcke đi Peru để nghiên cứu về loài dơi bản địa. Mãi đến năm 1997, Juliane Koepcke mới trở về Đức và hiện tại, cô phụ trách Phòng bảo tồn động vật rừng mưa nhiệt đới ở thành phố Munich, bang Bavaria.
Cô nói: “Suốt nhiều năm, tôi luôn gặp những cơn ác mộng. Lúc tìm thấy mẹ tôi, tôi không biết bà còn sống hay đã chết vì khi tôi lay gọi, tôi chẳng thấy bà phản ứng gì. Nếu lúc ấy bà vẫn sống thì những ngày cuối cùng của bà chắc kinh khủng lắm. Nỗi đau về cái chết của mẹ tôi và của tất cả những người trên máy bay lúc nào cũng ẩn hiện trong tiềm thức. Câu hỏi vì sao tôi sống sót vẫn cứ ám ảnh tôi, và tôi biết nó sẽ theo tôi đến cuối đời…”.
Năm 2000, đạo diễn Werner Herzog thực hiện một bộ phim tài liệu mang tên “Những đôi cánh hy vọng - Wings of Hope” nói về sự sống sót kỳ diệu của Juliane Koepcke sau tai nạn máy bay. Điều ngẫu nhiên là Werner Herzog đã đặt vé trên chuyến bay định mệnh ấy nhưng đến phút cuối, do công việc nên ông phải ở lại…