Chăm sóc rốn trẻ sơ sinh

Nếu bạn thấy có dấu hiệu đỏ, nóng, sưng hoặc ấn đau vùng da quanh rốn hay có nhiều dịch tiết quanh chân rốn, đặc biệt có mùi hôi, cần mang trẻ đi bệnh viện khám ngay vì có thể bé đã bị nhiễm trùng.

Cha mẹ, đặc biệt là các cha mẹ trẻ, thường rất lo lắng về cách chăm sóc rốn cho trẻ mới sinh. Lời khuyên quan trọng nhất là giữ cuống rốn khô và sạch cho đến khi rốn rụng.

Dây rốn nối bào thai với bà mẹ qua bánh nhau từ tuần lễ thứ sáu của thai kỳ cho đến lúc sinh. Là con đường sống, dây rốn cung cấp oxy, chất bổ dưỡng cho bào thai phát triển và mang đi các chất thải trong bào thai. Lúc sinh, bởi vì trẻ sơ sinh có khả năng thở, bú và tiêu tiểu nên dây rốn trở nên không cần thiết, vì vậy, nó được kẹp và cắt ngay sau sinh.

Điều quan trọng là chăm sóc đúng cách phần cuống rốn còn lại này cho đến khi cuống rốn lành và rụng - thường khoảng hai tuần sau sinh. Cuống rốn sẽ đổi màu từ màu vàng xanh sang màu đen khi khô teo.

Tự chăm sóc rốn tại nhà

Các bà mẹ cần giữ cuống rốn trẻ khô và sạch cho đến khi rốn rụng. (Ảnh: Sức khỏe & Đời sống)

Trong ngày đầu sau sinh, thường sau khi tắm bé, nhân viên y tế bôi dung dịch sát trùng lên cuống rốn để giảm nguy cơ nhiễm trùng.

24 giờ sau sinh, khi mặt cắt rốn khô, có thể tháo kẹp rốn an toàn khỏi cuống rốn. Nên tháo kẹp rốn tại bệnh viện, trước khi trẻ sơ sinh được xuất viện về nhà. Kẹp rốn có thể cản trở trong khi thay tã tại nhà và có thể bị kéo giật lên, gây tổn thương chân rốn.

Các bác sĩ cho phép che phủ rốn bằng một lớp gạc vô khuẩn trong 1 - 2 ngày đầu. Có nhiều nghiên cứu cho thấy bôi dung dịch cồn 70 độ lên rốn mỗi ngày có thể làm chậm rụng rốn, vì vậy bạn cần theo sự hướng dẫn của bác sĩ.

Giữ cho cuống rốn khô, để hở, cho phép cuống rốn tiếp xúc với không khí giúp cuống rốn mau khô. Quấn tã phía dưới rốn. Sau khi trẻ tiêu, tiểu cần thay tã ngay.

Khi rốn chưa rụng, tránh không đặt trẻ vào thau tắm. Dùng khăn nhỏ mềm lau người trẻ, sau đó, dùng que gòn lau chân rốn trẻ. Khi rốn rụng, có thể nhúng trẻ vào thau tắm.

Một ít máu khô dính ở chân rốn có thể bình thường.

Khi nào mang trẻ đi khám

Khi trẻ sơ sinh sốt cần mang trẻ đi khám ngay. Có một số tình huống bệnh liên quan đến rốn cần mang trẻ đi khám:

- Nhiễm trùng rốn: nếu bạn thấy dấu hiệu đỏ, nóng, sưng hoặc ấn đau vùng da quanh rốn, hoặc có nhiều dịch tiết quanh chân rốn, đặc biệt có mùi hôi, cần mang trẻ đi bệnh viện khám ngay. Đây là trường hợp trẻ bị nhiễm trùng rốn và vùng da quanh rốn, có thể nguy hiểm, cần được điều trị tại bệnh viện.

- U hạt rốn: nếu bạn thấy chân rốn rỉ dịch vàng kéo dài, không kèm dấu hiệu sưng, nóng, đỏ, hoặc ấn đau vùng da quanh rốn, trẻ không nóng sốt, có thể trẻ bị u hạt rốn. Tại bệnh viện, u hạt rốn được điều trị với nitrate bạc.

- Rỉ máu rốn kéo dài: nếu bạn thấy chân rốn rỉ máu nhiều và kéo dài, có thể là dấu hiệu của bệnh lý đông máu, cần đi khám bác sĩ.

Bác sĩ Cam Ngọc Phượng, Sức khỏe & Đời sống, VNE
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video