Năm 2008 khí hậu trái đất lạnh hơn năm trước nhưng vẫn đang nóng lên và thay đổi khí hậu có thể giết chết hàng triệu người tại châu Á, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề của tình trạng này, theo cảnh báo của Tổ chức khí tượng thế giới (WMO).
Hàng triệu người dân Myanmar mất nhà cửa vì siêu bão Nargis. Ảnh: wordpress.com. |
Trên Thái Bình Dương, lần đầu tiên kể từ năm 2001 Nhật Bản thoát khỏi sự tấn công của nhiều cơn bão vô danh nhờ tình trạng giảm nhiệt độ bề mặt đại dương do tác động của La Nina vào nửa cuối năm 2007. Các cơ quan khí tượng thủy văn chỉ ghi nhận được 22 cơn bão ở phía tây bắc Thái Bình Dương, trong khi con số trung bình hàng năm là 27.
Trong khi đó tại vịnh Bengal, siêu bão Nargis lớn nhất tại châu Á trong 17 năm đã tràn vào Myanmar và giết chết gần 100.000 người trong năm ngoái. Theo các chuyên gia, Nargis là cơn bão cực kỳ bất thường và phần lớn bão tại châu Á đi theo quỹ đạo tây - đông trước khi rẽ sang hướng bắc, còn Nargis đi theo chiều ngược lại.
Nhưng đó không phải là hiện tượng thời tiết bất thường duy nhất trong năm 2008 tại châu Á. Miền nam Iran và Oman cũng bị nhiều bão nhiệt đới cực mạnh tấn công. Các đợt mưa lớn bất thường trong mùa mưa tại Ấn Độ, Pakistan và Việt Nam đã giết chết hơn 2.600 người trong năm ngoái và đẩy hơn 10 triệu người vào cảnh màn trời chiếu đất.
Mặc dù số lượng mưa và bão tăng lên, song sẽ có thêm nhiều khu vực tại châu Á phải đối mặt với cảnh hạn hán do tình trạng thiếu nước, trong đó có vùng Địa Trung Hải và nhiều khu vực rộng lớn tại Trung Á. Những cơn mưa lớn ở vĩ độ cao lại có thể gây lũ. Châu Á và các nước gần Thái Bình Dương cũng phải học cách đối phó với tình trạng mức nước biển tăng do hiệu ứng nhà kính. WMO cho biết mỗi năm mức nước biển tăng thêm 3 cm và thảm họa sẽ xuất hiện khi nó tăng thêm vài cm nữa.
Papua New Guinea từng ban bố tình trạng khẩn cấp vào đầu tháng 12/2008 sau khi vài trăm nghìn người tại tỉnh Manus ở phía bắc phải chạy khỏi nhà do nước biển dâng. Tại nhiều nơi khác trên Thái Bình Dương, nhiều quốc đảo đang tìm cách mua đất ở nước khác để tái định cư những cộng đồng mất đất do tình trạng dâng lên của nước biển. “Đó là một hậu quả khác của hiệu ứng nhà kính. Bóng đen của nó đang hiện ra ngay trước mắt chúng ta”, Omar Baddour, một nhà khoa học của WMO, nói.
Trong khi đó, tuyết rơi mạnh nhất tại Mỹ và Canada trong suốt 30 năm qua khiến những người nghi ngờ cảnh báo về khí hậu ấm lên cho rằng nhiệt độ của địa cầu đang giảm. Một tờ báo tại Anh từng chạy hàng tít lớn: “2008 không phải là năm của hiệu ứng nhà kính”. Tờ báo nhận định: “Nhiệt độ trung bình toàn cầu đã giảm mạnh đến nỗi mức suy giảm đủ bù trừ phần tăng lên trong thế kỷ 20”.
Nhưng WMO đưa ra số liệu để chứng minh điều ngược lại. Tổ chức này đồng ý rằng nhiệt độ trung bình toàn cầu trong năm 2008 đã giảm so với các năm trước, nhưng đó là do hiện tượng La Nina (giảm nhiệt độ bề mặt đại dương) trong nửa sau của năm 2007.
Trong một báo cáo gần đây, WMO khẳng định 2008 nằm ở vị trí cuối trong danh sách 10 năm nóng nhất trong 150 năm qua. “Xu hướng ấm lên vẫn chi phối khí hậu địa cầu”, Michel Jarraud, tổng thư ký WMO, bình luận. Theo WMO, nhiệt độ trung bình năm 2008 là 14,31 độ C, thấp hơn 2007 nhưng lại cao hơn 1961 (0,31 độ C) và 1990 (0,56 độ C).
WMO nhận định rằng thời tiết ôn hòa sẽ là xu thế chủ đạo trong những tháng đầu năm 2009 do không có La Nina hay El Nino (tình trạng tăng nhiệt độ bề mặt đại dương). Phần còn lại của năm 2009 phụ thuộc vào những tác động của hai hiện tượng thời tiết này. Thời tiết khắc nghiệt đang hoành hành tại nhiều nơi trên thế giới, trong đó có lũ quét, bão tuyết, nắng nóng. Trong khi đó, diện tích băng ở Bắc Băng Dương vào mùa hè đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1979.