Chi tiết mới về cuộc thám hiểm đáy biển Arctic

Sự kiện tàu lặn sâu Mir của Nga chạm đáy biển Arctic ở vị trí hơn 4.200 m nước hôm 2/8 đang là đề tài tranh luận sôi nổi trên thế giới mấy ngày qua.

Vấn đề chủ quyền lãnh thổ còn đang được bàn cãi, nhưng thành tựu khoa học có một không hai trên thế giới của người Nga trong việc chinh phục biển Bắc Cực thì không ai có thể phủ nhận. Báo chí Nga mấy ngày qua tiết lộ thêm những thông tin mới về cuộc thám hiểm này.

Đáy biển Arctic màu vàng rất đẹp

Hai con tàu ngầm mini lặn Mir-1 và Mir-2 của Nga được tàu nghiên cứu khoa học Akademik Fyodorov lần lượt thả xuống biển Arctic băng giá. Mỗi con tàu mini này có chiều dài 8 m. Trước đó, tàu phá băng chạy bằng năng lượng nguyên tử Rossiya đã mở một miệng giếng băng hình chữ nhật dài 25 m rộng 10 m. Bên trong mỗi con tàu lặn sâu Mir này có 3 người.

Giống như các nhà du hành vũ trụ, trước khi bước vào hai con tàu ngầm lặn sâu Mir, các nhà thám hiểm đại dương đều phải tháo giầy để đi chân trần. Cho đến nay trên thế giới chỉ có 5 con tàu có thể lặn được đến sâu từ 3.000 m trở lên. Riêng Nga đã sở hữu hai trong số 5 con tàu đó.

Tàu Mir-1 do nhà thám hiểm đại dương nổi tiếng thế giới Artur Chilingarov chỉ huy về mặt khoa học nhưng lái tàu là thuyền trưởng lừng danh Sagalevich.

Đáy biển Arctic bằng phẳng và màu vàng nhạt
(Ảnh: Reuters, Guardian)

Nhà khoa học Artur Chilingarov năm nay 68 tuổi, đương kim Phó Chủ tịch Hạ viện Nga, được phong danh hiệu Anh hùng Liên Xô năm 1985. Thuyền trưởng Anatoly Sagalevich là người từng lái con tàu lặn sâu Mir-1 đưa các nhà làm phim Hollwood xuống thám hiểm quay phim xác con tàu Titanic.

Ông Anatoly Sagalevich hiện là Giám đốc Viện nghiên cứu Hải dương học thuộc Viện Hàn lâm khoa học Liên bang Nga.

Thành viên thứ 3 trong con tàu Mir-1 là ông Vladimir Gruzdev, Phó Chủ tịch Viện Duma Quốc gia Nga. Mọi hoạt động nghiên cứu khoa học chính của cuộc thám hiểm lần này chủ yếu do tàu Mir-1 thực hiện.

Tàu ngầm mini Mir-2 do một thuyền trưởng người Nga điều khiển, hai thành viên thủy thủ đoàn còn lại gồm nhà kinh doanh Thụy Điển Frederik Paulsen và nhà thám hiểm Úc Mike McDowell. Để được tham gia chuyến thám hiểm đáy biển Arctic, nhà du lịch mạo hiểm Mike McDowell đã phải trả 3 triệu USD.

Tàu lặn sâu Mir của Nga
(Ảnh: Pravda)

Sau khi được cần trục từ tàu mẹ thả xuống biển Arctic, hai con tàu ngầm mini Mir-1 và Mir-2 được cho chìm dần xuống đáy biển. Mọi liên lạc giữa hai tàu ngầm và mặt nước được thông qua hệ thống thủy âm nối với tàu nghiên cứu khoa học Akademik Fyodorov.

Trên tàu mẹ Akademik Fyodorov có khoảng 100 nhà khoa học theo dõi từng biến động bên trong và bên ngoài hai con tàu Mir-1 và Mir-2.

Khi tàu lặn sâu Mir-1 vừa chạm đáy biển Arctic ở độ sâu hơn 4.200m nhà khoa học Artur Chilingarov liền báo lên mặt biển: Mir-1 đã chạm đáy biển Arctic, hạ xuống nhẹ nhàng và an toàn không có trục trặc gì. Đáy biển Arctic màu vàng nhạt rất đẹp. Chúng tôi không nhìn thấy bất cứ loài sinh vật biển nào bơi lội xung quanh ở độ sâu này.

Sau khi đã chạm đáy biển Arctic, tàu Mir-1 sử dụng một cánh tay máy đặt một quốc kỳ Nga bằng kim loại không gỉ làm biểu tượng khẳng định chủ quyền và thành tựu của Nga trong việc chinh phục biển sâu ở Cực Bắc Trái đất.

Từ tàu ngầm Mir-1 và Mir-2 các nhà thám hiểm đại dương đã có cuộc nói chuyện với các nhà du hành vũ trụ Nga đang làm việc trên Trạm vũ trụ Quốc tế thông qua hệ thống điện thoại vệ tinh. Nội dung các cuộc nói chuyện ngắn gọn, chủ yếu những lời thăm hỏi sức khoẻ và thông báo đơn giản. Đây lại là một thành tựu khoa học nữa mà cho đến nay duy nhất trên thế giới chỉ có Nga đạt được.

Miệng giếng băng nhìn giống lỗ kim

Hai tàu lặn sâu Mir-1 và Mir-2 còn có nhiệm vụ lấy mẫu nước, đất, và đo đạc các thông số khoa học dưới đáy biển Arctic. Sau khi hoạt động dưới đáy biển Arctic trong 9 giờ đồng hồ, hai tàu ngầm mini này lần lượt được cho nổi lên mặt nước.

Đây là công đoạn khó khăn và nguy hiểm nhất của toàn bộ hành trình, đòi hỏi những nhà thám hiểm phải rất tài năng và dũng cảm. Nếu không họ sẽ bị kẹt vĩnh viễn dưới lớp băng dầy ở Bắc Cực, có thể chết vì trên tàu ngầm mini thiếu dưỡng khí và thực phẩm.

Để tạo thuận lợi cho việc nổi lên của hai tàu Mir-1 và Mir-2, tàu phá băng Rossiya mở giếng băng kích thước dài 125 m rộng 10 m. Thế mà từ dưới đáy biển, nhà thám hiểm đại dương Artur Chilingarov cho biết ông chỉ nhìn thấy lờ mờ một lỗ sáng nhỏ như lỗ kim khâu.

Nga cắm quốc kỳ dưới đáy biển Arctic (Ảnh: AP, Bloomberg)

Tàu Mir-1 được lệnh nổi lên trước. Phải mất 40 phút loay hoay dưới lớp băng dầy ông Sagalevich mới điều khiển tàu Mir-1 vào đúng cái lỗ kim để nổi lên giữa tiếng reo vui của các nhà khoa học trên tàu mẹ Akademik Fyodorov. Khoảng một giờ sau, tàu Mir-2 cũng nổi lên mặt nước thành công.

Sau khi thám hiểm thành công đáy biển Arctic, các nhà thám hiểm và tàu khoa học vẫn đang còn ở Bắc Cực tiếp tục một số nghiên cứu khác. Dự kiến các nhà thám hiểm sẽ trở về cảng Murmansk không sớm hơn ngày 10/8.

Từ cảng Murmansk, một tàu nghiên cứu khoa học khác mang tên Mstislav Keldysh sẽ được đưa tới Bắc Cực để đón một số nhà khoa học và các nhà thám hiểm trở lại đất liền. Số còn lại sẽ tiếp tục cùng với tàu phá băng chạy bằng năng lượng nguyên tử Rossiya lưu lại Bắc Cực thêm một thời gian nữa.

Nguyễn Đại Phượng

Theo Tiền phong
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video