Chiến đấu cơ tàng hình F-35, dự kiến sẽ thay thế phần lớn hạm đội máy bay chiến đấu của Mỹ, đã trở thành chương trình vũ khí đắt đỏ nhất trong lịch sử và đang bị giám sát chặt chẽ trong bối cảnh tài chính công bị thắt chặt.
F-35 bị chê là trông giống voi trắng
Sau hàng loạt vụ trì hoãn và vượt quá kinh phí, chương trình giờ đây dự kiến tiêu tốn khoản ngân sách khổng lồ lên tới khoảng 382 tỷ USD cho 2.443 chiếc F-35.
Chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 này được chế tạo với các đặc tính nhằm giúp tránh radar của đối phương và đảm bảo vị thế số một của Mỹ trên bầu trời trong những thập niên tới.
Nhưng giờ đây đã xuất hiện nguy cơ cạnh tranh từ Trung Quốc, vốn tuần này đã tiết lộ chiến đấu cơ tàng hình đầu tiên của nước này và gây ra cảm giác kình địch quân sự giữa 2 cường quốc.
Tại Mỹ, F-35 do hãng Lockheed Martin chế tạo đang ngày càng vấp phải nhiều chỉ trích thậm chí từ cả một số quan chức tại Lầu Năm Góc.
Các quan chức quốc phòng cho hay, chi phí ban đầu giờ đây đã tăng lên gấp đôi, khiến mỗi chiếc F-35 có giá lên tới 92 triệu USD. Ngoài ra còn vấn đề thời gian, vì dự án được ký kết năm 2001 dự kiến hoàn thành trong 10 năm nhưng lại bị lùi đến năm 2016 do các vấn đề thiết kế và thử nghiệm.
Lockheed Martin, hợp tác với Northrop Grumman (Mỹ) và BAE Systems (Anh), đang phát triển 3 phiên bản F-35, được thiết kế cho các cuộc tấn công trên bộ cũng sự các sứ mệnh do thám. F-35A được thiết kế để thay thế F-16 và A-10 trong Không quân Mỹ, trong khi F-35C dự kiến được triển khai trên các tàu sân bay để thay thế F-18, và F-35B có khả năng cất cánh nhanh và hạt cánh thẳng đứng và dự kiến thay thế máy bay Harrier.
Một chiếc F-35 tham gia triển lãm hàng không Singapore Airshow 2010.
Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Robert Gates đã cảnh báo rằng, việc vượt quá chi phí không thể tiếp diễn và bày tỏ lo ngại đặc biệt về phiên bản cất cánh nhanh và hạ cánh thẳng đứng.
Đối với phiên bản F-35B, ông Gates đã yêu cầu phải có máy bay trong vòng 2 năm và nói thêm rằng “nếu chúng ta không thể có được phiên bản này trong thời gian đó và đưa nó trở lại đúng hướng xét về các khía cạnh hoạt động, chi phí và lịch trình, tôi tin nói sẽ bị hủy bỏ”.
Do chi phí leo thang, Lầu Năm Góc đã quyết định hoãn mua 124 trong số 449 chiếc F-35 cho đến năm 2016.
Các nhà phân tích cho rằng F-35 ngày càng trở thành “kẻ đào mỏ”.
“Không có một chương trình quân sự hay dân sự nào trong thập niên qua lại bị trì hoãn và vượt chi phí như vậy”, Richard Aboulafia, nhà phân tích công nghiệp hàng không từ Tập đoàn Teal, nhận định.
Tuy nhiên, rất khó có thể đưa ra nhiều thay đổi đối với chương trình F-35 vì Anh và 7 nước khác cũng tham gia chặt chẽ vào việc phát triển loại máy bay này.
Mỹ hiện đang đảm nhiệm 90% chi phí và phát triển F-35 nhưng Anh, Italia, Thổ Nhĩ Kỳ, Hà Lan, Canada, Đan Mạch, Na Uy và Australia cũng tham gia.
Các quốc gia khác, trong đó có Israel và Singapore, đã ký hợp đồng mua loại máy bay này.
“Mỹ muốn một chương trình F-35 toàn cầu hóa vì các lý do kinh tế và chiến lược. Nó giúp đơn giản hóa ngành hậu cần và huấn luyện trong các cuộc chiến của liên quân.
Thống trị ngành xuất khẩu hàng không quân sự chắc chắn cũng là một mục tiêu. F-35 giống một chính sách công nghiệp hơn một máy bay chiến đấu”, nhà phân tích Aboulafia nói.