Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vừa phê duyệt điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT.
Theo đó, Chính phủ quy định Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam phát triển thành tập đoàn kinh tế có trình độ công nghệ, quản lý hiện đại và chuyên môn hóa cao; kinh doanh đa ngành.
Trong đó viễn thông và công nghệ thông tin là các ngành, nghề kinh doanh chính; làm nòng cốt để ngành bưu chính viễn thông Việt Nam phát triển nhanh, bền vững, cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế có hiệu quả.
Đặc trưng của VNPT là việc chuyển liên kết theo kiểu hành chính, từ cơ chế cấp vốn hiện nay giữa tổng công ty với các công ty thành viên sang liên kết theo mô hình công ty mẹ – công ty con, tức là đầu tư vốn, phát triển và bảo toàn vốn. Cơ chế liên kết giữa các thành viên trong tập đoàn hoàn toàn khác so với cơ chế trong tổng công ty. Với mô hình tập đoàn, công ty mẹ sẽ giao vốn cho công ty con, công ty con sẽ phải phát huy và bảo toàn vốn đó.
Trong mô hình tập đoàn này, Chính phủ cũng cho phép một số đơn vị sự nghiệp nhưng hạch toán độc lập theo cơ chế quản lý của Nghị định 10 là đơn vị sự nghiệp có thu. Công ty mẹ được hình thành từ các bộ phận quản lý và kinh doanh mạng đường trục, có chức năng đầu tư và kinh doanh vốn.
Về viễn thông, hiện nay, do sự phát triển của viễn thông rất mạnh và mạng lưới này lại không phụ thuộc vào địa giới hành chính nên Thủ tướng đã cho phép thành lập ba tổng công ty viễn thông ở ba vùng miền trên cả nước, gồm Tổng công ty Viễn thông I, II, và III.
Cơ cấu tổ chức quản lý, điều hành của Tập đoàn gồm có Hội đồng quản trị (không quá 9 thành viên), Ban kiểm soát (5 thành viên), Tổng Giám đốc, các Phó Tổng Giám đốc, kế toán trưởng và bộ máy giúp việc.
Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam có 4 đơn vị trực thuộc; 5 công ty con do VNPT nắm 100% vốn điều lệ; 12 công ty con do VNPT nắm trên 50% vốn điều lệ; 14 công ty liên kết và 7 đơn vị sự nghiệp đào tạo, y tế trực thuộc khác.
Hoàng Hùng