Những trẻ dị ứng nặng với đậu phộng có thể ăn đậu phộng sau một năm dùng miếng dán đặc biệt trên da, theo Daily Mail ngày 24/6.
Đó là miếng dán có tên Viaskin Peanut do nhóm nghiên cứu của Giáo sư Christophe Dupont tại Bệnh viện Necker (Pháp) phát minh.
Miếng dán có chứa một lượng rất nhỏ các protein của đậu phộng và từ từ ngấm vào da của trẻ bị dị ứng nặng với đậu phộng. Lượng protein này rất nhỏ và chỉ lưu lại trên da chứ không ngấm vào máu, do đó không gây nên tình trạng sốc phản vệ.
Cách này làm cho cơ thể quen dần với các protein có trong đậu phộng và không xem chúng là mối nguy hại cho cơ thể nữa.
200 trẻ dị ứng nặng với đậu phộng, tuổi từ 5 đến 17 đã dùng thử nghiệm miếng dán này. Một số trẻ được dán miếng dán Viaskin Peanut lên cánh tay hoặc lên lưng và được thay miếng dán mới mỗi ngày.
Sau 12 tháng, ít nhất 20% trẻ dùng miếng dán thật đã có thể ăn được một lượng protein đậu phộng nhiều hơn gấp 10 lần so với lượng protein mà cơ thể trẻ có thể chịu đựng được khi bắt đầu cuộc nghiên cứu.
Sau 18 tháng, số lượng này tăng lên 40%.
Dị ứng với đậu phộng thường bắt đầu từ khi trẻ còn rất bé và lần dị ứng đầu tiên diễn ra trong khoảng thời gian từ 14 tháng tuổi đến 2 tuổi.