Sau khi công bố tàu đổ bộ Hằng Nga 4 trồng cây thành công ở phần tối Mặt trăng, Trung Quốc một ngày sau buộc phải thừa nhận mầm cây bông đã chết, theo Tân Hoa xã hôm 17/1.
Thí nghiệm đột phá đạt được trong sứ mệnh Hằng Nga 4 đã phải kết thúc sau sự tồn tại ngắn ngủi của các mầm cây được trồng bên trong sinh quyển nhân tạo ở phần tối Mặt trăng.
Mầm cây tồn tại ngắn ngủi. (Ảnh: CNSA).
Việc trồng cây đã bắt đầu ngay sau khi tàu đổ bộ hạ cánh thành công, tức cách đây 2 tuần, và chỉ mới nẩy mầm thì đã tàn lụi nhanh chóng.
Có vẻ như chúng không thể sống sót trong điều kiện khắc nghiệt vào ban đêm ở phần tối Mặt trăng, khi nhiệt độ xuống đến -170oC.
Xác mầm sẽ dần tiêu hủy trong điều kiện khép kín của sinh quyển, và phía Trung Quốc cam đoan chúng sẽ không đe dọa đến môi trường xung quanh, theo Cơ quan Không gian Quốc gia Trung Quốc (CNSA).
Các chuyên gia CNSA cũng tiết lộ Mỹ đang lên kế hoạch cho sứ mệnh riêng của nước này tại phần tối của Mặt trăng và muốn “mượn” thiết bị của Trung Quốc cho chuyến đi sắp tới.
Theo tờ South China Morning Post, Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) gần đây đề nghị CNSA kéo dài thời gian hoạt động của vệ tinh chuyển tiếp tín hiệu Queqiao, thiết bị quan trọng cho phép duy trì liên lạc giữa tàu du hành ở phần tối Mặt trăng với trạm mặt đất.