Các bác sĩ ở Anh vừa đi một bước tiến dài khi chữa trị thành công bệnh mù lòa cho một cụ ông 86 tuổi do thoái hóa điểm vàng liên quan đến tuổi tác.
Tuy nhiên, hiện ông đã có thể đọc được báo bằng con mắt này nhờ áp dụng một phương pháp điều trị mới.
Ông Waters là một trong hai bệnh nhân đầu tiên được điều trị AMD theo liệu pháp tế bào gốc tiên tiến tại Bệnh viện Mắt Moorfields ở London (Anh).
Trường hợp khác là một phụ nữ 60 tuổi. Cả hai cùng mắc thoái hóa điểm vàng thể ướt.
Hiện tại thị lực của cả hai đã được cải thiện rất nhiều sau một năm điều trị. Từ việc mất thị lực và không thể đọc sách, đến nay họ đã có thể đọc từ 60 đến 80 từ mỗi phút.
Ông Waters cho biết, trước khi phẫu thuật mắt phải của ông hầu như không thể nhìn thấy gì. Nhưng rồi điều tuyệt vời nhất đã đến với ông. "Điều đó thực sự kỳ diệu! Tôi cảm thấy may mắn khi lại được nhìn thấy!", Waters vui mừng chia sẻ.
Cụ ông Douglas Waters, 86 tuổi, người được chữa thành công bệnh nhân mù do thoái hóa điểm vàng. (Ảnh: Moorfields).
Điểm vàng (macular) nằm ở trung tâm của võng mạc, là nơi tập trung nhiều tế bào thần kinh, đóng vai trò rất quan trọng trong việc thu nhận, nhận biết màu sắc, độ nét của hình ảnh.
Điểm vàng được tạo thành từ hàng triệu tế bào cảm quang và đằng sau nó là một lớp tế bào giúp nuôi dưỡng võng mạc được gọi là biểu mô sắc tố võng mạc (Retinal Pigment Epithelium - RPE).
Khi lớp nuôi dưỡng này bị hao tổn sẽ gây nên tình trạng thoái hóa điểm vàng và mù lòa.
Từ nguyên nhân trên, các bác sĩ đã nảy ra ý tưởng tạo ra một lớp RPE hoàn toàn mới nhờ công nghệ tế bào gốc và phẫu thuật cấy ghép vào mắt người bị thoái hóa điểm vàng.
Kỹ thuật mới này được công bố trên tạp chí Nature Biotechnology, bắt đầu bằng tế bào gốc từ phôi thai của người. Đây là một loại tế bào đặc biệt có thể "biến hóa" thành bất kỳ bộ phận nào trong cơ thể con người và là tiền đề để nhân bản vô tính.
Những tế bào gốc này được chuyển đổi thành loại tế bào tạo nên biểu mô sắc tố võng mạc, được định hình thành một lớp dày khoảng 40 micron, dài 6mm và rộng 4mm.
Theo các bác sĩ, thủ tục cấy ghép lớp RPE mới vào võng mạc sẽ mất khoảng hai giờ.
Giáo sư Lyndon da Cruz, chuyên gia phẫu thuật võng mạc tại bệnh viện Moorfields chia sẻ rằng đây là lần đầu tiên chúng ta có thể lấy một tế bào và "biến" nó thành một phần của con mắt đã hỏng, sau đó cấy ghép trở lại mắt và bệnh nhân có thể nhìn được.
Tuy nhiên, giáo sư Lyndon da Cruz cho biết kỹ thuật mới này không thể khôi phục hoàn toàn thị lực một cách bình thường và mỗi bệnh nhân chỉ được thực hiện một mắt.
Sắp tới, sẽ có thêm 8 bệnh nhân mắc AMD tham gia vào các cuộc thử nghiệm lâm sàng.
Trên thế giới có hàng triệu người bị thoái hóa điểm vàng ở mắt do tuổi tác. Chỉ tính riêng ở Anh đã có tới hơn 600.000 trường hợp.