Cùng thời điểm phát hiện ra sóng hấp dẫn vào tháng 9/2015, kính thiên văn Fermi cũng bắt được một tín hiệu ngắn phát ra từ vùng lân cận.
Theo Business Insider, vào ngày 14/9/2015, kính thiên văn Fermi phát hiện ra một chùm tia Gamma, loại tia có năng lượng lớn nhất trong thang sóng điện từ, phát ra từ vùng lân cận với nơi xảy ra sự kiện sáp nhập hai hố đen làm phát sinh các sóng hấp dẫn mà máy dò LIGO đã bắt được. Xác suất của sự trùng hợp ngẫu nhiên chỉ là 0,2%.
Tuy nhiên, theo những gì khoa học biết về hố đen tới nay, điều này là không thể xảy ra. Ánh sáng không thể thoát ra khỏi hai hố đen đã sáp nhập, vì bất kỳ loại khí nào ở xung quanh chúng đều bị nuốt chửng bởi một hố đen trước khi sáp nhập. Trong khi để có thể phát ra tia Gamma, nhất định phải còn sót lại một ít khí.
Kính thiên văn Fermi là một trạm quan sát quay xung quanh Trái Đất. (Ảnh: NASA).
"Tia Gamma phát ra từ vụ sáp nhập hai hố đen sẽ là một phát hiện mang tính bước ngoặt, do tất cả đều nghĩ rằng sẽ không có ánh sáng nào thoát ra được từ sự kiện này", Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) giải thích trong một thông cáo báo chí.
Để tìm hiểu về ý nghĩa của chùm tia Gamma này, các nhà vật lý cần phải quan sát chúng nhiều hơn, và cần phải liên kết chúng với các sóng hấp dẫn cũng do hai hố đen sáp nhập phát ra.
Trước mắt, phát hiện này sẽ giúp các nhà vật lý trong việc xác định nguồn phát của sóng hấp dẫn, hay vị trí chính xác của vụ sáp nhập hố đen.
Hai máy dò sóng hấp dẫn LIGO đặt tại Louisiana và Washington sử dụng phương pháp giao thoa hai chùm laser để phát hiện sóng hấp dẫn. Tuy nhiên, theo NASA, nhược điểm của phương pháp này là xác định vị trí của nguồn phát ra sóng hấp dẫn không chính xác. Khi LIGO phát hiện ra sự va chạm của hai hố đen, nó chỉ định vị được vị trí va chạm trong một khu vực khoảng 600 độ vuông của bầu trời, giống như tìm kim trong một đống rơm.
Nếu sử dụng chùm tia Gamma, phạm vi của khu vực tìm kiếm sẽ được thu hẹp lại một phần ba, chỉ còn 200 độ vuông.