navigation

Chúng ta có thể ăn hơn 100 mảnh nhựa trong mỗi bữa ăn

Theo một nghiên cứu của Đại học Heriot-Watt (Anh) đăng trên tạp chí Environmental Pollution, chúng ta có thể đang tiêu thụ hơn 100 hạt nhựa siêu nhỏ – gọi là microplastic – trong mỗi bữa ăn.

Đáng sợ hơn, nhựa bắt nguồn chủ yếu không phải từ thực phẩm hoặc môi trường nấu ăn mà là bụi trong nhà (cùng với hàng nghìn vi khuẩn và nấm).

Để tiến hành thí nghiệm, nhóm nghiên cứu đặt các đĩa Petri chứa chất dính bụi trên bàn, nằm cạnh những đĩa đựng đồ ăn chính tại ba ngôi nhà riêng biệt vào thời gian ăn. Các nhà khoa học phát hiện 14 hạt nhựa nhỏ trên mỗi đĩa Petri sau 20 phút. Do đĩa đựng đồ ăn có kích thước lớn hơn nên họ ước tính khoảng 114 hạt nhựa có thể rơi trên đĩa vào mỗi bữa ăn. Tức là trung bình hằng năm, một người bình thường nuốt từ 13.731 đến 68.415 hạt nhựa có nguồn gốc từ bụi trong nhà, chỉ đơn giản bằng việc ngồi ăn.


Các hạt nhựa siêu nhỏ trong thức ăn có thể bắt nguồn từ bụi trong nhà. (Ảnh: Korean Air).

Nhóm nghiên cứu cho biết, các hạt nhựa siêu nhỏ được tìm thấy trong bụi có thể bắt nguồn từ nhiều đồ vật khác nhau khi chúng bị ăn mòn, chẳng hạn như vải tổng hợp, thảm, lốp xe ôtô, đồ đạc trong nhà.

Các nhà khoa học ban đầu muốn so sánh số hạt nhựa được tìm thấy trong cơ thể con trai (động vật thêm mềm) với số lượng hạt nhựa trong bữa ăn gia đình. Họ phát hiện mỗi cơ thể con trai chứa ít hơn 2 hạt nhựa siêu nhỏ. Trung bình mỗi người tiêu thụ khoảng 100 hạt nhựa/năm thông qua việc ăn thịt động vật có vỏ. “Kết quả này có thể gây ngạc nhiên đối với những người nghĩ rằng, số lượng các hạt nhựa trong hải sản cao hơn so với bụi trong nhà”, Ted Henry, thành viên của nhóm nghiên cứu, cho biết.

Hạt nhựa siêu nhỏ được tìm thấy ở mọi châu lục và trên khắp các đại dương, ao, hồ, sông, suối. Nhựa đi vào trong bụng của cá biển, theo chuỗi thức ăn ảnh hưởng đến tất cả các động vật biển có vú khác. Những mảnh nhựa tích tụ dần trong dạ dày, làm tắc nghẽn đường tiêu hóa và có thể giết chết con vật.

Liên Hợp Quốc cảnh báo nhựa gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với con người sau khi một nghiên cứu cho thấy hơn 1/4 số cá bán trên thị trường ở Indonesia và California (Mỹ) chứa các hạt nhựa. Hợp chất Diethylhexyl phthalate (DEHP) có trong một số loại nhựa được biết đến là chất gây ung thư, gây dị tật bẩm sinh và các vấn đề về hệ miễn dịch. Ngoài ra, nhựa cũng có thể chứa hợp chất Bisphenol-A (BPA) làm phá vỡ các hormone của sinh vật.

Cập nhật: 14/04/2018 Theo KHPT