Chuyện ngộ nghĩnh về “thầy phù thủy” Edison

Sáng Chủ Nhật ngày 18/10/1931, Thomas Edison lìa trần chỉ 3 ngày trước lễ kỉ niệm sinh nhật lần thứ 52 của chiếc bóng điện đầu tiên. Đèn điện trên toàn lãnh thổ Hoa Kỳ đều tắt trong một phút để tưởng nhớ người vĩ nhân, “người bạn của nhân loại” đã mang đến cho con người một thứ ánh sáng quý giá, một “mặt trời thứ hai”.

Tưởng nhớ ông, nhiều người còn nhớ cả những câu chuyện ngộ nghĩnh của nhà bác học "ngô nghê" này ...

…Trở lại tuổi thơ của Edison, dáng dấp của một nhà khoa học lớn đã hình thành ngay từ những câu chuyện có phần ngộ nghĩnh ấy của cậu bé ở miền Tây nước Mĩ.

Những câu hỏi tại sao bất tận

Edison là con út trong một gia đình có 7 anh chị em. Bố ông, Samuel Edison là người Hà Lan, bà mẹ Nancy của ông là một giáo viên tiểu học người Scotland. Ngay từ khi còn nhỏ, Edison đã tỏ ra là một cậu bé hiếu kì, ham hiểu biết, luôn thắc mắc “tại sao” và truy đuổi câu trả lời đến cùng. Mẹ Nancy của Edison rất hiểu tâm lí đứa con trai của mình và đã thoáng nhìn ra hình ảnh một thần đồng khoa học. Trước những câu hỏi kì lạ của con, bà Nancy thường kiên trì giảng giải tỉ mỉ và kích thích thêm sự tò mò của đứa con.

Có một lần, Edison hỏi bố: “Bố ơi, tại sao lại có gió?”. Bố trả lời: “Edison, con không hiểu được đâu!”. Edison lại hỏi: “Tại sao con lại không hiểu được?”. Bố đáp: “Con hãy thử hỏi mẹ con xem”. Thế là Edison tìm đến mẹ và hỏi. Sau lần đó, bà Nancy trách chồng: “Anh không thể lúc nào cũng nói với con là nó không biết gì cả. Như thế là kìm hãm lòng ham hiểu biết của con chúng ta rồi đấy!”.

Không những hiếu kì, ham hỏi, mà chuyện gì cũng phải hỏi cho ra nhẽ, cậu bé Edison còn rất thích tự mày mò làm thử. Một hôm, đã đến giờ ăn nhưng Edison vẫn không về nhà. Mẹ Nancy rất lo lắng, tất tả chạy đi tìm khắp nơi mà vẫn không thấy. Đến tối mịt, bà vô cùng kinh ngạc khi nhận ra Edison ở một túp lều tranh. Cậu bé nằm sấp trên một đống cỏ tranh, đầu tóc rối bù, dưới bụng là mấy quả trứng gà. Cậu cứ thế nằm im, vẻ mặt đầy chăm chú. Bà Nancy ngạc nhiên: “Edison! Con đang làm gì thế?”. Edison tươi tỉnh đáp: “Con đang ấp trứng cho gà nở thành con”. Bà mẹ phì cười. Thì ra Edison nhìn thấy gà mẹ ấp trứng nở thành gà con nên tò mò muốn thử tự mình ấp xem có nở ra gà con được không!

Chân dung nhà bác học Thomas Edison.

Đến năm 7 tuổi, Edison được cha mẹ cho đi học ở ngôi trường độc nhất trong vùng. Gọi là trường nhưng chỉ có một lớp học 40 học sinh lớn bé đủ cả. Ông giáo dạy học sinh theo những trình độ khác nhau. Edison được xếp ngồi gần ông nhất, đó vốn là chỗ cho những học sinh kém cỏi nhất. Trong khi học, Edison không chú tâm trả lời câu hỏi của thầy giáo mà thường đặt ra nhiều câu hỏi hóc búa với thầy giáo. Vì thế, cậu thường đội sổ và bị bè bạn chê cười.

Một hôm, khi nhân viên thanh tra vào kiểm tra lớp học, thầy giáo của Edison chỉ vào cậu bé và nói: “Học trò này điên khùng, không đáng ngồi học lâu hơn”. Edison rất căm giận hai chữ “điên khùng” và mang chuyện về kể với mẹ. Sau khi rõ ngọn ngành, bà Nancy vô cùng tức giận, dẫn Edison đến trước mặt thầy giáo và tuyên bố: “Ông bảo con tôi điên khùng sao? Nghe này, trí óc của nó còn hơn cả ông đấy. Tôi sẽ giữ nó tại nhà và dạy lấy để ông thấy rằng sau này nó sẽ ra sao!”. Từ đó, Edison không đến trường nữa mà ở nhà tự học cùng mẹ. Edison làm quen dần với Lịch Sử Hy Lạp, La Mã, Thánh Kinh, các tác phẩm của Shakespeare… Nhưng đặc biệt, Edison tỏ ra vô cùng ưa thích khoa học. Cậu có thể kể lại rành mạch các phát minh, các thí nghiệm và tiểu sử của các nhà đại bác học như Newton, Galileo… Không những được truyền dạy học vấn, Edison còn được mẹ huấn luyện về đạo đức. Cậu bé được mẹ căn dặn phải sống thật thà, ngay thẳng, tự tin và cần cù, phải có lòng ái quốc và tình yêu nhân loại.

Nhà khoa học nhí lang thang và lời cầu hôn cấp tốc

Bố Samuel của Edison làm nghề buôn bán ngói lợp mái nhà nên ngay từ nhỏ, cậu bé đã thường xuyên được tiếp xúc với các công cụ khoa học. Một lần, sau khi chứng kiến cảnh bố mình đang dùng quả khí cầu để làm thí nghiệm bay, Edison đã vô cùng phấn khích. Với niềm tin chắc chắn rằng: nếu bụng con người cũng chứa đầy không khí như của khí cầu thì người ta có thể bay lên, Edison đã miệt mài tự chế ra mấy loại chất hóa học và bảo người làm thuê của bố là Max thử uống. Sau khi uống thứ thuốc Edison đưa cho, Max gần như ngất lịm người. Nhưng Edison thì vẫn một mực cho rằng: không bay lên được là thất bại của anh ta chứ không phải của mình!

Năm 12 tuổi, Edison làm nghề bán báo và bán kẹo dạo trên tàu hỏa. Với niềm say mê khoa học không bao giờ dứt, cậu bé đã tự lập cho mình một phòng thí nghiệm hóa học nhỏ ngay trên một khoang trống của toa tàu. Ngày ngày, vừa bán báo, Edison vừa tự mày mò nghiên cứu khoa học. Một lần, trong khi làm thí nghiệm, do không cẩn thận, Edison đã làm cháy toa tàu. Kết quả là cậu bị nhân viên soát vé tàu tát cho một cái ù tai và đuổi khỏi tàu, đồng thời cấm lai vãng đến đường ray nữa. Sự việc này đã khiến cho khả năng thính giác của Edison ngày một kém dần. Nhưng trong rủi có may, bị điếc Edison gặp trở ngại trong giao tiếp nhưng bù lại ông có thể chuyên tâm cho những nghiên cứu của mình mà không chịu sự quấy rầy nào.

Chuyện tình cảm của Edison cũng có nhiều điểm rất thú vị. Năm 24 tuổi, Edison là chủ của một xí nghiệp khá nổi danh. Khi công việc dần ổn định, ý định xây dựng gia đình chợt hiện lên trong đầu và người đầu tiên chàng trai trẻ tuổi để ý đến là cô nàng thư kí Mary làm trong công ty. Một hôm, Edison đến trước mặt nàng Mary dịu dàng, thanh tú và nói: “Thưa cô, tôi không muốn phí thì giờ nói những câu vô ích. Tôi xin hỏi cô một câu rất ngắn gọn và rõ ràng: Cô có ưng làm vợ tôi không?”. Hoàn toàn sửng sốt và bất ngờ, cô gái không tin vào tai mình. “Ý cô thế nào, cô nhận lời tôi chứ. Tôi xin cô suy nghĩ trong vòng năm phút”. Edison nhắc lại lời cầu hôn “cấp tốc" của mình bằng vẻ mặt rất nghiêm chỉnh. “Năm phút cơ à? Thế thì lâu quá! Vâng, em nhận lời”. Mary lí nhí, đỏ mặt đáp. Đám cưới của Edison và Mary diễn ra ngay sau đó. Hai người có với nhau được 3 người con. Sau khi Mary mất, ông cưới thêm một người vợ 19 tuổi nữa tên là Mina. Họ có với nhau 3 người con. Một trong số đó sau này tiếp quản công ty của Edison và trở thành thống đốc bang New Jersey. Edison mất ở tuổi 84, những câu cuối cùng ông nói vợ mình là: “Ở ngoài kia đẹp quá”.

Chuyện về Edison có kể đến thế kỉ bao nhiêu cũng không hết. Bởi đơn giản, cuộc đời ông chính là lát cắt chân thực nhất của khoa học, những phát minh của ông sẽ còn rọi sáng nhiều thế kỉ sau này nữa. Trong suốt cuộc đời cống hiến tận tụy của mình, Edison đã lãnh trước sau 1907 bằng phát minh, một kỉ lục vô tiền khoáng hậu trong giới khoa học. Ông cũng đã đọc tới hơn 10.000 cuốn sách và mỗi ngày ông có thể đọc hết 3 cuốn sách. Trí nhớ siêu việt và đầu óc sáng tạo không biết mệt mỏi đã làm cho tên tuổi ông trở thành chiếc chìa khóa tuyệt vời mở ra thế kỉ 20 cho nhân loại. Vì những phát minh kì diệu của ông, một tờ báo ở Mĩ hồi đó đã gọi Edison là “thầy phù thủy ở Menlo Park” (Menlo Park là tên phòng thí nghiệm của ông).

Theo VietNamNet
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video