Chuyện về sự ra đời của 4 loại thuốc thông dụng

Thuốc aspirin rất quen thuộc hiện nay vốn có xuất xứ từ cây liễu trắng. Từ khoảng 4.000 năm trước, người Ai Cập đã dùng loại thực vật này để chống lại các cơn đau và nhiều bệnh tật khác. Tuy nhiên, phải đến cuối thế kỷ 19, aspirin mới chính thức ra đời.

Liễu đã được các bác sỹ từ xưa dùng để cắt cơn sốt (Ảnh: legambientearcipelagotoscano)
Từ năm 1550 trước Công nguyên, trong các văn bản về y học của người Ai Cập đã nói đến việc dùng lá cây liễu trắng để chống lại các cơn đau. Hippocrate, người được coi là ông tổ ngành y thế giới, cũng khuyên dùng nước sắc của vỏ cây liễu để chữa bệnh.

Năm 1763, hồi ký của mục sư người Anh Edward Stone được công bố, trong đó ghi nên dùng vỏ cây liễu để cắt cơn trong sốt rét.

Năm 1829, dược sĩ Pierre Joseph Leroux đã đun sôi bột vỏ cây liễu, loại tạp chất, cô đặc và thu được những tinh thể hòa tan. Ông coi đó là thành phần có dược tính của cây liễu nên đặt tên là salicine (salix: cây liễu - tên Latinh). Khi  dùng thử tại Bệnh viện Hôtel Dieu, chất này cắt được cơn sốt dù đó là cơn sốt của bất kỳ bệnh gì; nhưng nó lại có tác dụng phụ là kích thích niêm mạc, gây đau rát dạ dày.

Charles Frederic Gerhardt là người đầu tiên tìm ra một dẫn chất của salicine. Ông đặt tên là acid acetyl salicylic. Chất này sau đó được nhà hóa học Felix Hoffmann hoàn thiện phương pháp chế tạo và được nhà nghiên cứu Anthur Eichengrun đưa vào thử nghiệm lâm sàng trong điều trị bệnh thấp khớp. Nó đã mang lại hiệu quả tốt.

Kết quả trên được hãng Bayer (Đức) kiểm tra và khẳng định lại. Năm 1899, hãng này đã đăng ký thuốc trên dưới nhãn hiệu Aspirin. Thuốc được đưa ra bán và nhanh chóng chiếm lĩnh được lòng tin của người tiêu dùng, khối lượng tiêu thụ ngày càng gia tăng.

Qua hơn 100 năm lưu hành, aspirin vẫn là loại thuốc rất thông dụng do chế tạo đơn giản, giá thành thấp và do càng ngày người ta càng khám phá ra nhiều tác dụng của nó: giảm sốt, giảm đau, chống thấp khớp, chống tập kết tiểu cầu, giúp phòng ngừa một

Thuốc aspirin (Ảnh: cbc)

số bệnh về tim mạch. Một số nhà khoa học đang thử nghiệm tác dụng ngăn chặn sự phát triển tế bào ung thư của aspirin.

Hằng năm có 50.000 tấn aspirin được sản xuất trên thế giới. Nhà triết học Tây Ban Nha Jor Ortega Onteja y Gasset đã gọi thời đại này là “thời đại của aspirin”.

Từ tài liệu trong ngôi mộ cổ đến artemisinin chữa sốt rét

Đầu những năm 70 của thế kỷ trước, giới khoa học Trung Quốc tìm thấy một số bản văn cổ khi khai quật những ngôi mộ cổ nổi tiếng ở Vũ Hán. Đó là tài liệu nói về đặc tính trị sốt của lá và nhánh cây ngải miêu, còn gọi là thanh hao hoa vàng (artemisia annua). Từ tài liệu đó, các nhà nghiên cứu đã tìm ra chất artemisinin có trong các cây trên để điều trị sốt rét. Xuất phát từ artemisinin, các nhà khoa học đã tổng hợp được một số dẫn xuất hứa hẹn nhiều tiềm năng trong chữa trị.

Artemisinin và các dẫn xuất của nó phá hủy ký sinh trùng sốt rét nhờ một phản ứng hóa học diễn ra khi nó tiếp xúc với nguyên tố sắt có nhiều trong ký sinh trùng này. Phản ứng phóng thích các gốc tự do, phá hủy màng tế bào ký sinh trùng. Thuốc khá an toàn, không gây tác dụng phụ nào đáng kể với liều thường dùng. Khi phối hợp artemisinin (hoặc các dẫn chất) với một chất kháng sốt rét tổng hợp, bệnh có thể được chữa trị nhanh hơn và sự kháng thuốc của ký sinh trùng sẽ chậm hơn, hiệu quả khỏi bệnh có thể đạt tới 95%.

Tế bào ung thư cũng chứa chất sắt ở nồng độ khá cao. Vì vậy, người ta đang thử nghiệm artemisinin để chữa trị một số bệnh ung thư. Nó tỏ ra có triển vọng đối với ung thư xương và bạch cầu.

Từ kinh nghiệm của thổ dân da đỏ đến quinin

Cây cinchona (Ảnh: motherherbs)

Theo truyền thuyết, nữ bá tước Chinchon, vợ Phó vương Tây Ban Nha ở Peru (Nam Mỹ) bị sốt rét, điều trị mãi không khỏi cho đến lúc áp dụng phương pháp cổ truyền của người da đỏ: lấy vỏ của một loài cây mọc ở sườn núi Andes đem nấu với nước để uống. Qua vài lần uống, bà đã khỏi bệnh. Khi trở về châu Âu (năm 1640), nữ bá tước đã mang theo cây này và sau đó cây được nhà vạn vật học Thụy Điển C. Lime đặt tên là cinchona, xuất phát từ tên bà.

Truyền thuyết khác cho rằng chính một số thầy tu dòng Tên học được bí quyết chữa bệnh sốt rét của người da đỏ tại Peru. Họ đã mang vỏ cây, sau này được gọi là cinchona, từ Nam Mỹ về châu Âu dùng điều trị (năm 1650).

Dù vỏ cây trên rất hiệu quả trong chữa sốt rét nhưng vẫn gặp nhiều sự chống đối vì lý do khác tôn giáo. 20 năm sau, cây này mới được giới y học công nhận có tác dụng. Và mãi đến năm 1820, hai người Pháp là Joseph Pelletier và Caventou mới chiết được các hợp chất alcaloid từ vỏ cây cinchona, đặt tên là quinin, dùng chữa bệnh sốt rét.

Từ cây xương rồng đến thuốc giảm béo

Xương rồng Hoodia Gordonii
(Ảnh: hoodiadietpills)

Bộ tộc Bushmen ở vùng sa mạc miền Nam châu Phi. Kinh nghiệm cha truyền con nối giúp họ biết dùng thân cây xhoba (tên khoa học: Hoodia Gordonii - họ ascle piadacea) - một loại xương rồng cao 1,80 m - để ăn nhằm chống đói và đỡ mỏi mệt khi phải theo đuổi những cuộc săn bắn chốn hoang vu dài ngày, không kiếm được thức ăn.

Từ nguồn thông tin dân dã, Hội đồng nghiên cứu khoa học và công nghệ Nam Phi trong thập niên 1990 đã lao vào nghiên cứu hoạt tính sinh học của cây. Đến tháng 6/1997, hãng dược phẩm Phytopharm (Anh) đã được cấp giấy phép khai thác và kinh doanh loại cây này để chế ra loại thuốc giảm béo ký hiệu P57. Thuốc tạo cảm giác no, tác dụng phụ hầu như không đáng kể.

BS Phạm Tiếp

Theo Sức Khỏe & Đời Sống, VNE
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video