Có kén trong phổi

Khi chụp phổi thấy có đám mờ, cả thày thuốc và bệnh nhân đều lo lắng vì thường đó là một khối u. Nhưng có khi đám mờ đó lại là một kén phổi, hoàn toàn có thể chữa khỏi.

Kén trong phổi. (Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống)

Kén phổi hay kén phế quản phát sinh do sự nảy mầm bất thường của cây khí phế quản trong tiến trình phát triển của nó vào khoảng từ ngày thứ 26 đến tuần thứ 16 của thai kỳ. Nụ khí quản hoặc phế quản tách ra một nang riêng rẽ, sau tạo thành một túi kén. Kén có thể nằm ở vị trí trung tâm hay ngoại vi.

Một người có thể có một hay nhiều kén và nằm ở một bên hay cả hai bên phổi. Vì vậy, vị trí kén thường rất đa dạng, trong nhu mô phổi, cạnh cột sống, gần tim, gần cơ hoành. Kích thước kén khí có đường kính từ vài cm tới 10 cm. Bên trong kén thường là chất dịch trong, khi bị nhiễm khuẩn thì dịch trở thành đục hoặc mủ.

Kén có thể tồn tại nhiều năm mà không có triệu chứng gì, phát hiện được là do kiểm tra tổng thể hay tình cờ chụp phổi. Đôi khi kén to, chèn ép vào các cơ quan lân cận hoặc kén khí bị nhiễm khuẩn thành bọc mủ, khiến cho bệnh nhân phải đi khám và mới phát hiện.

Kén bị nhiễm khuẩn có biểu hiện là sốt cao, đôi khi có ho, khạc đờm. Thể tích của kén tăng dần, dịch trong trở thành đục hoặc mủ. Dùng kháng sinh thì đỡ, nhưng hay tái phát, có khi sốt kéo dài dai dẳng.

Kén nhiễm khuẩn có thể vỡ thông với phế quản; bệnh nhân ho khạc ra mủ thối, ho ra máu, các dấu hiệu giống như một áp-xe phổi. Nếu chỗ vỡ thủng vào màng phổi sẽ gây tràn mủ màng phổi.

Kén khí to có thể chèn ép vào các tạng lân cận: Đè vào khí quản, phế quản gây khó thở, đôi khi gây xẹp phổi. Thùy phổi xẹp dễ nhiễm khuẩn. Kén khí đè vào thực quản gây triệu chứng khó nuốt.

Về điều trị, bệnh nhân có kén khí nhiễm khuẩn thường được dùng kháng sinh, chọc hút, bơm rửa đến khi dịch ở áp-xe trong và hết nhiễm khuẩn. Thường một thời gian sau, kén khí lại bị nhiễm khuẩn tái phát.

Dù là kén khí gây chèn ép hay nhiễm khuẩn, muốn điều trị triệt để thì phải phẫu thuật cắt bỏ kén để giải quyết tận gốc. Trường hợp kén nhiễm khuẩn, phải điều trị nội khoa trước, rồi phẫu thuật sau. Kết quả phẫu thuật nói chung là rất tốt.

Theo Sức Khỏe & Đời Sống, Vnexpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video