Khi đại dương trở nên tối tăm và dữ dội, quất vào bờ biển, cô Gitty Yee cầm máy ảnh và chạy ra phía xoáy nước.
Một cơn bão mạnh đã đổ bộ vào Tuvalu, được đánh dấu bằng một đợt thủy triều lớn. Những con sóng mạnh dâng lên nhấn chìm hai bên sườn của hòn đảo chính Fongafale, để lại những vệt lún trên con đường chính hai làn xe.
"Đó thực sự là cơn bão tồi tệ nhất mà tôi từng thấy", nhiếp ảnh gia nghiệp dư 25 tuổi kể lại về thảm họa này vào tháng 2 năm nay. "Nó thực sự đã phá hủy rất nhiều ngôi nhà. Nó phá hủy một số bức tường chắn sóng và nước dâng đến đầu gối của chúng tôi", cô nói.
Đường bờ biển Tuvalu rất dễ bị nhấn chìm do mực nước biển dâng cao.
Giữa cơn sóng dữ, người bản xứ Tuvalu hướng ánh mắt - và ống kính của mình - về phía những đứa trẻ địa phương đang bơi ngoài biển, vui đùa với những con sóng và không hề biết đến những hiểm nguy mà Thái Bình Dương "đang giận dữ" sắp mang đến.
Gitty giải thích rằng mỗi lần thủy triều lên thì đều như thế này.
Đối với Tuvalu, một hòn đảo hình vành đai nằm chênh vênh gần mực nước biển, những thiên tai như thế này rất đáng lo sợ. Quốc gia nhỏ bé này được dự báo sẽ là một trong những quốc gia đầu tiên biến mất trên thế giới vì biến đổi khí hậu - do thủy triều dâng cao cắn xé bờ biển mong manh.
Vị trí nằm ở rìa địa lý đã khiến Tuvalu đang nằm giữa trung tâm của các cuộc đàm phán về khí hậu toàn cầu. Mọi người đang thực sự phải tính đến một tương lai mà quốc gia này chỉ còn tồn tại trong ký ức.
Một quốc gia sắp biến mất
Theo kịch bản phát thải toàn cầu cao - giả sử rằng lượng khí thải nhà kính trên thế giới tiếp tục tăng ở mức hiện tại và xem xét cơ sở hạ tầng hiện có của Tuvalu - 95% thủ đô Funafuti dự kiến sẽ bị ngập lụt hàng ngày vào cuối thế kỷ. Nơi này sẽ không thể ở được trong một thời gian dài trước đó - có thể sớm nhất là vào năm 2050.
Theo dự đoán của các nhà khoa học, Tuvalu đã trở thành ví dụ điển hình cho tình trạng ngập lụt do mực nước biển dâng cao.
Đối với Bộ trưởng Biến đổi khí hậu Tuvalu, Maina Talia, đất nước vẫn nhìn thấy hy vọng, bất chấp mối đe dọa hiện hữu đang treo lơ lửng trên số phận của họ.
"Mặc dù chúng ta vẫn sợ hãi khi đối mặt với biến đổi khí hậu, nhưng đồng thời, bạn nhìn xem, những đứa trẻ rất thích biển. Chúng đang chơi đùa quanh bờ biển và tận hưởng thủy triều lên cao, ngay cả khi biết rất rõ rằng nó đang tàn phá cuộc sống của chúng ta. Nhưng chúng ta vẫn không thể làm gì được", ông nói.
Mực nước biển đang dâng nhanh hơn ở Tuvalu so với các nơi khác trên thế giới.
Những câu hỏi lớn treo lơ lửng về tương lai của những đứa trẻ này sẽ như thế nào.
Quốc gia này đã trở thành một sự tò mò, hiện đang ngày càng thu hút các nhà nghiên cứu đến thăm để tìm hiểu về hiện tượng đang diễn ra.
Ngay cả một số người dân địa phương cũng đang chuẩn bị tinh thần cho tương lai đau buồn này. Tại một trong những nhà khách ở Funafuti, áo phông được treo để bán phía sau lễ tân. "Tuvalu, tuyến đầu của biến đổi khí hậu" và "Tuvalu, nơi biến đổi khí hậu là hiện thực" được in trên mặt áo.
Nhưng đối với những người đang ở trong cuộc chiến, tình hình này còn hơn cả một khẩu hiệu. Đó là vấn đề cứu một nền văn hóa và một dân tộc.
Quyền tự do ra đi
Chỉ vài năm trước, bộ trưởng ngoại giao lúc bấy giờ của Tuvalu, Simon Kofe, đã đứng trên bục phát biểu, nước ngập đến đầu gối ở mũi phía bắc của Fongafale, và có bài phát biểu đầy nhiệt huyết về tác động của biến đổi khí hậu đối với đất nước ông và toàn thế giới.
"Chúng ta không thể chờ đợi những bài phát biểu trong khi mực nước biển xung quanh chúng ta đang dâng cao liên tục", ông phát biểu trước thềm các cuộc đàm phán về khí hậu toàn cầu tại Hội nghị Liên hợp quốc về Biến đổi Khí hậu (COP26) ở Glasgow vào năm 2022. "Chúng ta đang chìm, nhưng mọi người khác cũng vậy".
Không có nhiều thay đổi về triển vọng của đất nước kể từ đó. Tuvalu vẫn đang sống trên bờ vực, cố gắng để tồn tại trước sự lãng quên.
Nước biển thường xuyên tràn vào nhà cửa và doanh nghiệp của người dân, ẩn mình giữa đại dương mênh mông và một đầm phá. Ở một số nơi, hòn đảo chính - và trên thực tế là cả đất nước - chỉ rộng vài mét. Từ đầu đến cuối, Fongafale chỉ dài 12km.
Chính phủ đã thực hiện các biện pháp chủ động để bảo vệ chủ quyền quốc gia và đảm bảo tính bền vững trong tương lai, bất kể diễn biến của vấn đề khí hậu.
Vào tháng 9 năm ngoái, hiến pháp của đất nước này đã được sửa đổi để nêu rõ rằng tình trạng nhà nước của Tuvalu sẽ vẫn tồn tại vĩnh viễn, bất kể lãnh thổ thực tế của nước này có bị mất hay không.
Tuvalu hiện đang đối mặt với câu hỏi lớn nhất là có di dời không và di dời đi đâu.
Về mặt lý thuyết, đây là động thái củng cố sự tồn tại của Tuvalu như một quốc gia, nhưng lại dấy lên một cuộc thảo luận khác về kịch bản xấu nhất - di dời toàn bộ đất nước đến một địa điểm mới.
Hiện tại, chính phủ hiện tại vẫn kiên quyết rằng việc di dời không nằm trong chương trình nghị sự.
"Chính phủ vẫn tiếp tục nhấn mạnh rằng di cư chắc chắn là không. Nhưng đó là vấn đề lựa chọn của người dân chúng tôi. Mọi người có quyền tự do rời đi nếu họ muốn", Bộ trưởng Maina Talia cho biết.
Tuy nhiên, ông giải thích rằng chính quyền sẽ giúp tạo điều kiện thuận lợi cho các quy trình và con đường để người dân Tuvalu cân nhắc các lựa chọn tương lai của họ, đồng thời vẫn ưu tiên bảo vệ quê hương.
"Vai trò của chúng tôi với tư cách là chính phủ là đảm bảo rằng chúng tôi giữ cho Tuvalu tồn tại vì nếu chúng tôi di cư đến các nơi khác trên thế giới, một ngày nào đó, con cái tôi sẽ hỏi tôi, Tuvalu ở đâu? Chúng ta đến từ đâu? Và Tuvalu đã biến mất khỏi mặt đất rồi", ông nói.
Chính phủ quốc đảo đã ký một thỏa thuận hợp tác an ninh với Úc. Sắp tới, hàng trăm người Tuvalu có thể sẽ di cư sang nước ngoài mỗi năm.
Hiệp ước Liên minh Falepili đã được hai chính phủ nhất trí vào tháng 11 năm 2023 để tạo điều kiện cho 280 thị thực dài hạn hàng năm cho người Tuvalu, bảo đảm giúp các cá nhân và gia đình có thể sinh sống, làm việc và học tập tại Úc.
Phần đất mỏng nhất ở Tuvalu chỉ rộng vài mét.
Đối với một quốc gia có tổng dân số khoảng 12.000 người thì đây là một "con số lớn", ông Paulson Panapa, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Lao động và Thương mại Tuvalu cho biết.
"Đây là những cơ hội quan trọng cho mọi người. Hoàn toàn là tùy chọn. Tùy thuộc vào người đó nếu họ muốn đến và sống ở Úc. Nhưng tôi nghĩ với tư cách là chính phủ, chúng tôi có trách nhiệm cung cấp các con đường để người dân có thể bắt đầu một cuộc sống mới ở Úc. Điều đó không có nghĩa là cuộc sống ở đây không tốt, nhưng cơ hội việc làm rất khó khăn", ông Panapa cho biết.
Ông cho biết ông hy vọng rằng những người trẻ tuổi có được nền giáo dục nước ngoài có thể giúp Tuvalu phát triển hơn nữa trong những năm tới.
Ông Panapa nói với CNA rằng mặc dù hiệp ước đã được ký kết, các chi tiết vẫn đang được đàm phán trước khi có hiệu lực. Đây là một ví dụ rõ ràng nhất về di cư do khí hậu, một tình trạng đang ngày càng được quan tâm trên toàn cầu.
Ngoài những bờ biển mong manh này, hàng trăm triệu người cũng đang phải đối mặt với mối đe dọa tương tự về lũ lụt ven biển trong những thập kỷ tới. Một báo cáo năm 2021 của Ngân hàng Thế giới cho thấy hơn 200 triệu người có khả năng sẽ di cư vào năm 2050 do tác động của biến đổi khí hậu chậm. Các tòa án quốc tế và khu vực đang trong quá trình làm rõ các nghĩa vụ pháp lý hiện có để giải quyết vấn đề này.
Phần lớn Funafuti có thể bị ngập lụt hàng ngày vào năm 2100.
Gánh nặng đè lên thế hệ trẻ
Trong khi đó, những người Tuvalu trẻ tuổi hiện đang bị mắc kẹt trong một tình thế tiến thoái lưỡng nan. Họ đang được yêu cầu quyết định giữa việc chiến đấu trên quê hương hoặc từ bỏ nó hoàn toàn.
Giống như nhiều bạn bè khác, Gitty Yee nhận thức được câu chuyện ngày tận thế đang bao trùm đất nước mình.
Sự hấp dẫn đối với các cơ hội làm việc và giáo dục lớn hơn ở nước ngoài là có thật.
"Tôi nghĩ rằng hầu hết bạn bè tôi đang có kế hoạch rời khỏi Tuvalu, họ chỉ muốn có một tương lai tốt đẹp hơn. Tôi không nghĩ họ thấy tương lai tươi sáng ở đây, tại Tuvalu", cô nói.
"Nhưng lớn lên ở Tuvalu, nơi này là nhà. Vì vậy, theo quan điểm của riêng tôi, tôi không muốn rời đi mặc dù chúng tôi được nghe rất nhiều về việc Tuvalu sẽ chìm xuống nước. Và vấn đề là, chúng tôi đang phải cố gắng thích nghi với vấn đề hoàn toàn không phải lỗi của chúng tôi, điều đó thật đáng buồn", cô gái trẻ cho biết.
Đối với Gitty, máy ảnh của cô đã trở thành công cụ để ghi lại tinh thần quê hương. Cô hy vọng những tác phẩm của mình có thể cho thế giới thấy rằng những người bị ảnh hưởng bởi khí hậu chưa sẵn sàng để bị coi là nạn nhân.
Gitty Yee là một nhiếp ảnh gia nghiệp dư đến từ Tuvalu.
Cô cho biết: "Tuvalu không chỉ có biến đổi khí hậu và dễ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu. Tuvalu còn có truyền thống, văn hóa, lối sống, ẩm thực địa phương, cảnh quan tuyệt đẹp và đặc biệt là có hoàng hôn".
Hoàng hôn mang đến nghi lễ trên khắp Funafuti hàng ngày. Khi cái nóng thiêu đốt của ban ngày tan biến cùng ánh sáng, các gia đình xuất hiện để bơi ở vùng nước nông - đúng nghĩa đen là cách những ngôi nhà ven bờ biển của họ vài mét.
Trên đường băng quốc tế của hòn đảo - thường chỉ được sử dụng một lần một ngày cho chuyến bay đến và đi từ Fiji - đám đông tụ tập để chơi bóng chuyền hoặc bóng bầu dục. Trẻ em đạp xe và thanh thiếu niên đi dạo dọc theo chiều dài của đường băng, thay vì không gian trống ở nơi khác trên đảo san hô. Màu sắc nổi bật từ từ lan tỏa dọc theo đường chân trời và bùng nổ trên bầu trời khi mặt trời lặn dần.
Trẻ em chơi đùa trên đường băng của sân bay quốc tế Tuvalu.
Bờ biển Tuvalu khi hoàng hôn buông xuống.
Tại COP28 ở Dubai năm ngoái, các đại biểu đã nhất trí chính thức thành lập một quỹ để hỗ trợ các quốc gia dễ bị tổn thương. Tuy nhiên, việc đưa số tiền cần thiết vào quỹ đó và làm sao để sau đó phân phối kịp thời vẫn là một thách thức đang diễn ra.
Những người trẻ tuổi ở Tuvalu đang cố gắng nắm bắt các nỗ lực thu hút sự chú ý và tài trợ cho Thái Bình Dương. "Đây là một vấn đề cực đoan đối với chúng tôi", anh Talua Nivaga, một nhà lãnh đạo hoạt động khí hậu trẻ tuổi ở Tuvalu và là người sáng lập một tổ chức do thanh niên lãnh đạo về môi trường, cho biết.
"Chúng tôi đang hợp tác và cùng nhau làm việc để đảm bảo rằng chúng tôi sẽ tồn tại và chúng tôi sẽ không chết đuối. Thế giới hoàn toàn nhận thức được rằng chúng tôi đang bị ảnh hưởng. Chúng ta đang nói về mạng sống, chúng ta đang nói về trẻ em, chúng ta đang nói về những người dễ bị tổn thương nhất đang phải đối mặt với hậu quả từ hành động của người khác", anh nói.
Sau tất cả, "quốc gia sắp biến mất" Tuvalu vẫn đang phải vật lộn để tồn tại.
Đây cũng là quan điểm của Bộ trưởng phụ trách vấn đề biến đổi khí hậu Maina Talia, người sẽ dẫn đầu hoạt động vận động của Tuvalu tại các cuộc đàm phán toàn cầu trong tương lai gần.
"Chúng ta không nên lãng mạn hóa biến đổi khí hậu. Chúng ta đang nói về sự sống còn của những người không chỉ ở Tuvalu, mà còn của những người không may mắn sống ở các đảo san hô thấp", ông Talia cho biết.