Vào năm 1950, Alan Turing - một trong những người đầu tiên nghiên cứu về máy tính đã đưa ra câu hỏi: “Liệu máy móc có thể suy nghĩ không?”
Năm 2018 được dự báo sẽ là năm bùng nổ của những công nghệ mới, trong đó có trí thông minh nhân tạo (AI). Để có thêm góc nhìn về lịch sử hình thành, ý nghĩa và tương lai của AI, mời độc giả đọc bài lược dịch nhận định của ông Ralph Haupter - Chủ tịch Microsoft châu Á và là Phó Chủ tịch Tập đoàn Microsoft về AI.
Trí tuệ nhân tạo sẽ bùng nổ trong năm 2018.
Lịch sử phát triển của con người đã minh chứng một điều: Những thay đổi vượt bậc không xuất phát từ một công nghệ đột phá đơn lẻ, mà đòi hỏi sự kết hợp của nhiều yếu tố bổ trợ cùng lúc.
Cuộc cách mạng công nghiệp bắt đầu vào khoảng năm 1760 tại Anh, là kết quả của sức mạnh hơi nước, gia tăng sản xuất quặng sắt và phát triển của những công cụ máy đầu tiên. Tương tự, sự phát triển song song của bộ xử lý vi mạch, lưu trữ bộ nhớ, chương trình phần mềm và các yếu tố khác đã dẫn đến cuộc cách mạng máy tính vào đầu những năm 70.
Hiện tại, trong những ngày đầu năm 2018, chúng ta đang bước vào thời điểm của một cuộc cách mạng mới, một cuộc cách mạng được dự báo sẽ mang đến sự thay đổi cho tất cả các tổ chức, các ngành nghề và các dịch vụ công trên toàn thế giới.
Điều mà tôi muốn nói đến ở đây là AI (trí thông minh nhân tạo), và tôi tin rằng 2018 là năm mà AI sẽ bắt đầu trở nên chính thức, và bắt đầu ảnh hưởng đến cuộc sống trên nhiều phương diện, một cách thực sự rộng khắp và đúng nghĩa.
AI: Hành trình hơn 65 năm qua
Khái niệm về AI là không mới. Thực tế, vào năm 1950, Alan Turing - một trong những người đầu tiên nghiên cứu về máy tính đã đưa ra câu hỏi: “Liệu máy móc có thể suy nghĩ không?”. Và 6 năm sau đó, vào năm 1956, thuật ngữ “trí thông minh nhân tạo” được sử dụng lần đầu tiên.
Phải mất hơn 70 năm để có thể đưa AI từ một khái niệm trở thành một thực tế phổ biến với 3 xu hướng công nghệ đổi mới:
- Dữ liệu lớn (Big Data): Sự bùng nổ của các thiết bị kết nối Internet, thiết bị cảm ứng đã mở rộng theo cấp số nhân tạo ra một khối lượng dữ liệu khổng lồ. Trong kỷ nguyên số ngày càng phát triển, dữ liệu là “nguồn nhiên liệu mới” mang lại lợi thế cạnh tranh bền vững và giá trị.
- Điện toán đám mây (Cloud computing): Ngày nay, bất kỳ cá nhân nào với 1 ý tưởng và 1 thẻ tín dụng đều có thể có khả năng tiếp cận cơ sở điện toán đám mây với sức mạnh ngang bằng với những cơ sở điện toán đám mây của những tập đoàn đa quốc gia hay chính phủ đang sở hữu. Điện toán đám mây mang công nghệ đến gần hơn với mọi người, đồng thời thúc đẩy sự đổi mới.
- Thuật toán phần mềm và máy học (Software Algorithms and Machine Learning): Nó có thể xác định các quy luật tinh vi trong chính những dữ liệu. Nếu ta ví dữ liệu là nguồn nhiên liệu mới thì máy học chính là động cơ đốt trong mới.
Và như vậy, những xu hướng này một khi đã đến thời điểm chín muồi và kết hợp cùng với nhau sẽ thúc đẩy và phổ biến hóa AI.
AI khắp mọi nơi
Đồng nghiệp của tôi, Harry Shum, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu AI nói đây là cuộc “cách mạng vô hình”. AI sẽ dần có mặt ở khắp mọi nơi, hoạt động như một chatbot hay trợ lý ảo cho tài khoản ngân hàng, cá nhân hoá tin tức hằng ngày hoặc bảo vệ thẻ tín dụng của bạn trước nguy cơ gian lận... AI sẽ trở nên vô cùng phổ biến, nhưng không hề đột ngột và xâm lấn như những cuộc cách mạng công nghệ trước đây.
AI sẽ được ứng dụng vào mọi mặt đời sống.
Cụ thể, AI sẽ được ứng dụng vào những sản phẩm và dịch vụ hiện tại, nhằm đưa những sản phẩm và dịch vụ đó lên một tầm cao mới. Một ví dụ đơn giản của cá nhân: Tôi di chuyển khá nhiều và thường xuyên phải thuyết trình trước nhiều thành viên đa quốc gia và đa ngôn ngữ trong những chuyến công tác khắp châu Á - Thái Bình Dương. Với sự hỗ trợ của ứng dụng công nghệ Microsoft Presentation Translator, ngôn ngữ đã không còn là một rào cản khi PowerPoint thể hiện phụ đề thời gian thực với hơn 60 ngôn ngữ song song cùng lúc tôi trình bày.
AI cũng sẽ được áp dụng nhiều bởi các doanh nghiệp, tại ít nhất một phần trong chuỗi giá trị: Có thể là trong nghiên cứu và phát triển, thiết kế, hậu cần, sản xuất, dịch vụ hoặc tương tác với khách hàng. Theo IDC, đến năm 2019, 40% những chuyển đổi số toàn cầu sẽ được hỗ trợ bởi AI.
AI sẽ ra sao trong năm 2018?
Tôi nhìn thấy 4 sự phát triển của AI trong 12 tháng tới:
- AI sẽ là sự lựa chọn rộng rãi bắt đầu từ 2018: AI được dự đoán sẽ thống trị trong năm 2018, khi những lợi ích mà AI mang lại cho những doanh nghiệp tiên phong bắt đầu được các doanh nghiệp khác nhìn thấy. Theo IDC, thu nhập của AI toàn thế giới sẽ vượt ngưỡng 46 tỉ USD vào năm 2020. Tại khu vực châu Á - Thái BÌnh Dương, đầu tư vào AI dự tính sẽ tăng đến 6,9 tỉ USD vào năm 2021, gia tăng đáng kể với 73%.
- Trợ lý ảo phổ biến: AI được sử dụng rộng rãi nhất dưới hình thức hội thoại với AI chatbot trong rất nhiều trường hợp, từ khách hàng đến doanh nghiệp Gartner dự báo đến năm 2020, hơn 85% sự tương tác giữa khách hàng và doanh nghiệp sẽ được đảm nhiệm bởi công nghệ AI và không cần đến sự hiện diện của con người.
- Phổ biến hóa dữ liệu và đưa ra quyết định: Chúng ta đang sống trong thế giới của dữ liệu, nơi mà dữ liệu và thông tin tồn tại nhiều hơn bao giờ hết. Khả năng phân tích, đánh giá dữ liệu và phân phối những phân tích, báo cáo có ý nghĩa cho doanh nghiệp đến một số lượng nhân viên nhất định trở nên vô cùng quan trọng. Với khả năng kết nối dữ liệu từ nhân viên, ứng dụng doanh nghiệp và trên toàn thế giới, AI sẽ là chìa khóa giúp chúng ta thực hiện điều này.
- Xây dựng nền tảng niềm tin cho AI: Sẽ có rất nhiều những cuộc thảo luận cấp ngành và cấp chính phủ nhằm xây dựng và thiết lập quy định và quản trị việc sử dụng AI. Chúng tôi đã thấy những cuộc thảo luận về thương mại điện tử và công nghệ đám mây. Đây là điều tiên quyết để có thể định hình những lợi ích của AI cho nền kinh tế và xã hội một cách công bằng, minh bạch và đáng tin nhất.
Tương lai của AI là vô cùng tươi sáng và tôi thấy 2018 sẽ là năm thiết lập một nền tảng vững chắc cho việc áp dụng rộng rãi công nghệ thú vị và quan trọng này.