Con người sẽ di cư lên sao Hỏa

Việc thám hiểm sao Hỏa hiện nay đã tiến vào giai đoạn quyết định: đưa người lên sao Hỏa. Bước đầu sẽ xây dựng căn cứ địa trên Mặt trăng – điểm dừng chân để từ đó phóng tàu vũ trụ lên sao Hỏa. Nga dự kiến trước năm 2025, Mỹ – năm 2018 đưa người lên Mặt trăng và sau đó lên sao Hỏa. Tại sao cần làm như thế?

Từ ngày xửa ngày xưa, con người đã để ý tới ngôi sao duy nhất có màu đỏ trên bầu trời đêm; vì sắc đỏ như máu ấy nên người phương Tây lấy tên của thần chiến tranh Mars trong thần thoại La Mã đặt tên cho nó - đó là sao Hỏa.

Hành tinh được khảo sát kỹ nhất

Năm 1877, nhà thiên văn người Ý Schiaparelli dùng kính viễn vọng quan sát sao Hỏa thấy có những vạch dài mà ông gọi là “kênh rạch (canali)”. Về sau, Lowel (người Mỹ) cũng nhìn thấy như vậy và suy luận đây là các kênh đào do con người làm ra. Từ đó nảy sinh giả thuyết “người sao Hỏa” . Người ta tưởng tượng họ là những sinh vật giống người, đầu to, mắt trố, da xanh tái.

Tìm kiếm sự sống trên sao Hỏa
(Ảnh: Paloaltodailynews)

Tiểu thuyết Chiến tranh thế giới của H.G. Wells (1989) có viết về chuyện “người sao Hỏa” xâm lăng Trái đất.

Tiểu thuyết nổi tiếng Biên niên sử sao Hỏa của nhà văn Ray Bradbury kể chuyện sao Hỏa là nơi cư trú của những nhà du hành vũ trụ lên đấy thám hiểm và ở lại, sinh con đẻ cái, trong khi loài người trên Trái đất đã bị tiêu diệt vì nổ ra chiến tranh hạt nhân.

Sao Kim và sao Hỏa là hai hành tinh gần Trái đất nhất. Sao Kim to suýt soát như Trái đất và gần chúng ta hơn.

Ngay từ năm 1962 loài người đã phóng tàu lên thăm dò và phát hiện thấy bề mặt sao Kim nóng tới 430oC (do quá gần Mặt trời và do có hiệu ứng nhà kính), không thể có sự sống. Về sau không ai tiếp tục tìm hiểu sao Kim nữa.

So với Trái đất, sao Hỏa có đường kính bằng 0,533, diện tích bằng 0,284. Nó quay một vòng quanh Mặt trời hết 687 ngày, cho nên cứ 2 năm 50 ngày mới có một lần ở gần Trái đất, 15 - 17 năm mới có một lần gần chúng ta nhất. Vì ở xa Mặt trời nên nhiệt độ bề mặt sao Hỏa bình quân là -63oC (nóng nhất 20oC, lạnh nhất -140oC). Sao Hỏa có nhiều điểm giống Trái đất, như có khí quyển, hơi nước, có các vùng đóng băng và lớp nham thạch bọc hành tinh.

Loài người có khả năng cải tạo sao Hỏa để nó có môi trường như Trái đất - quá trình này gọi là địa cầu hóa (Terraforming), như trồng thật nhiều cây để bắt CO2 nhả ra ô xy; đặt gương phản xạ lớn trên trời để phản xạ ánh Mặt trời xuống sao Hỏa làm khí hậu ấm lên, v.v...

Vì sao Hỏa cách Trái đất từ 50 tới 400 triệu km nên việc thăm dò sao Hỏa rất khó khăn và tốn kém. Tuy vậy Liên Xô và Mỹ đã đầu tư rất nhiều vào việc này. Mục tiêu thăm dò chủ yếu là: xác định khả năng từng có sự sống trên sao Hỏa; tìm hiểu khí hậu và tình hình địa chất và chuẩn bị khai thác sao Hỏa.

Chỉ 3 năm sau khi phóng vệ tinh nhân tạo đầu tiên của Trái đất, Liên Xô đã phóng tàu vũ trụ lên sao Hỏa.

Cho tới nay, nhân loại đã 38 lần cho tàu vũ trụ bay lên hành tinh này, nhưng chỉ có 15 lần thành công: Liên Xô 18 lần (thành công 3); Mỹ 17 lần (thành công 11); Nhật Bản 1 lần thất bại; châu Âu 1 lần vừa thành công vừa thất bại. Từ 1996 tới nay, Nga không phóng tàu lên sao Hỏa nữa.

Tại sao phải di cư?

Việc nghiên cứu sao Hỏa còn nhằm mục tiêu tìm nơi cho loài người cư trú. Bao năm nay Trái đất là nơi sinh sống lý tưởng của con người, tại sao lại nghĩ tới việc di cư tới sao Hỏa? Phải chăng đó là chuyện hão huyền, nhất là trong khi trên Trái đất còn vô vàn vấn đề chưa tìm hiểu, chưa giải quyết được? Vả lại, việc đưa người lên sao Hỏa sẽ tốn kém gấp hàng chục lần lên Mặt trăng.

Nhân loại đã và đang bỏ biết bao tiền của, công sức, thậm chí tính mạng vào việc thám hiểm các thiên thể khác, trước hết đó là do bản tính con người: Họ muốn tìm hiểu mọi thứ để giải đáp cho câu hỏi: Ta từ đâu mà ra và ta sẽ đi tới đâu? Bản tính bẩm sinh đó làm cho con người khác với các động vật.

Một lý do nữa: Loài người đang thực sự có nguy cơ bị xóa sổ khỏi Trái đất bởi nhiều tác động của thiên nhiên và chính con người. Do đó để phòng xa, phải ngay từ bây giờ đi tìm nơi cư trú bên ngoài Trái đất.

Trái đất hiện nay đang gặp không ít nguy cơ. Thứ nhất, người ngày một đông mà tài nguyên ngày một cạn kiệt. Với tốc độ tăng dân số và khai thác tài nguyên thiên nhiên như hiện nay, trong khoảng một thế kỷ nữa, Trái đất sẽ không đủ chỗ và đủ năng lượng cho con người sống. Thứ hai, khả năng Trái đất gặp các hiểm họa làm nhân loại bị tiêu diệt. Sóng thần, động đất, núi lửa, băng ở hai cực tan ra, khí hậu nóng lên... đều rất đáng lo. Chiến tranh hạt nhân nếu xảy ra sẽ làm Trái đất bị phá hủy hoàn toàn.

Đáng ngại nhất là sự va chạm của các vật thể gần Trái đất, gồm sao chổi và tiểu hành tinh: chỉ cần một tiểu hành tinh to bằng sân bóng đá rơi xuống Trái đất là đủ tiêu diệt sự sống trong một vùng rộng. Tiểu hành tinh to hơn nữa thì cả loài người biến mất.

Loài khủng long thuở xưa bị diệt chủng dường như là do một tiểu hành tinh đường kính 10 km va vào Trái đất.

Năm 1908, một tiểu hành tinh cỡ 100m rơi xuống vùng Siberia (Nga), làm biến mất các sinh vật trên khoảng 2.000 km2.

Năm 2004, khi phát hiện tiểu hành tinh có tên Apophis (thần hủy diệt) đang tới gần Trái đất, các nhà khoa học từng lo sốt vó và bàn bạc đề án phóng tên lửa mang bom hạt nhân lên gặp nó và cho nổ để lái nó đi chệch ra xa.

Apophis to chừng 250 m, năm 2029 sẽ lướt qua Trái đất ở khoảng cách 30.000 km; và các năm 2035, 2036 và 2037 nó sẽ trở lại “thăm” lần nữa; chưa biết điều gì sẽ xảy ra nếu nó đi vào vùng bị sức hút của Trái đất kéo xuống.

Nguy cơ tiểu hành tinh va chạm Trái đất là một sự thật hiển nhiên. Tính đến 22-8-2007, người ta đã phát hiện được 4.775 vật thể gần Trái đất, trong đó có 720 tiểu hành tinh cỡ từ 1 km trở lên, và 866 tiểu hành tinh có nguy hiểm va vào Trái đất.

Lịch sử vũ trụ và Trái đất từng chứng tỏ đúng là có “ngày tận thế” của sự sống; tuy ngày đó còn xa lắc xa lơ.

Mới đây, nhà bác học huyền thoại Stephen Hawking đưa ra chủ trương: Nhân loại muốn tồn tại thì chỉ có cách rời khỏi Trái đất.

Nhiều nhà khoa học cũng tán thành đề án lập trên Mặt trăng một trạm bảo tồn DNA của toàn bộ sinh vật trên Trái đất – tương tự như con thuyền Noah và Adam, Eva trong Kinh Thánh. Lý do: Các “ngân hàng gien” trên Trái đất không thể tồn tại vĩnh cửu do nguy cơ tiểu hành tinh va chạm hoặc chiến tranh hạt nhân. Dự án trên do “Liên minh cứu nền văn minh” đưa ra. Năm 1988, họ từng đề nghị Quốc hội Mỹ thông qua “Luật định cư trên vũ trụ”.

Trên sao hỏa có sự sống không?

Tháng 8-1996, Cơ quan Không gian Mỹ (NASA) giới thiệu với các nhà báo một tảng thiên thạch chừng 2 kg tìm thấy năm 1984 ở Nam cực, ký hiệu ALH84001 và nói trong tảng đá này có chứa các vi sinh vật rất có thể là hóa thạch từ sao Hỏa rơi xuống Trái đất.

Tin này làm dư luận ồn ào, vì đây là lần đầu tiên loài người phát hiện được các sinh vật ngoài Trái đất, và chứng tỏ cách đây vài tỉ năm, trên sao Hỏa từng có sự sống. Nếu đúng như vậy thì đây là phát hiện khoa học lớn nhất thế kỷ 20.

Mười năm sau, giả thuyết này bị nhiều người cho là không chính xác. NASA cũng nói hiện nay chưa thể hoàn toàn khẳng định trên sao Hỏa từng có sự sống, tuy chắc chắn trên đó có nước, tức có điều kiện tồn tại sinh vật. Bởi vậy việc nghiên cứu vẫn tiếp tục, mặc dù hết sức tốn kém và khó khăn.

THANH GIANG

Theo Người lao động
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video