Năm Bính Tuất 2006 thực sự là một năm có nhiều sự kiện đáng chú ý của Công nghệ thông tin Việt Nam. Nhiều đến nỗi, không ít người cho rằng 10 sự kiện CNTT tiêu biểu được Câu lạc bộ Nhà báo CNTT Việt Nam lựa chọn vẫn là chưa đầy đủ, chưa thoả đáng. Và nhiều đến nỗi, sau khi 10 sự kiện tiêu biểu đã được công bố, nền CNTT-TT Việt Nam lại chứng kiến thêm nhiều sự kiện nữa, cũng tiêu biểu không kém, và gây sức vang trong dư luận không kém.
Bính Tuất – Năm CNTT Việt Nam nhiều… giải thưởng
Nhiều giải thưởng, nở rộ giải thưởng trong lĩnh vực CNTT-Truyền thông có lẽ là một trong những ấn tượng đáng chú ý nhất của năm Bính Tuất 2006. Có thể kể tên: Giải thưởng Sản Phẩm CNTT Ưa Chuộng Nhất 2006; Giải thưởng Giải Pháp CNTT Hay Nhất 2006; Giải thưởng CNTT 2006; Giải thưởng CNTT và Truyền thông thuộc Hội Tin học Việt Nam; Giải thưởng Quả cầu vàng; giải Sao Khuê…, và còn nhiều giải thưởng khác nữa không thể kể hết tên. Trong số rất nhiều giải thưởng đó, có những giải thưởng uy tín, có những giải không, thậm chí không có mấy người biết tiếng.
Các hội, các cơ quan báo chí đua nhau tung ra đủ các loại giải thưởng. Riêng tờ eChip, ngoài Hiệp sĩ CNTT còn có giải VietNam Mobile Awards 2006 và eChip ICT Awards 2006. Có vẻ như Công nghệ thông tin - Truyền thông Việt Nam đang dần hình thành một thứ văn hoá đại chúng mang tên “giải thưởng”.
Ở đây có hai mặt, mặt thứ nhất có thể thấy các cá nhân, doanh nghiệp trong lĩnh vực CNTT-Truyền thông đang ngày càng chú ý nhiều hơn đến thương hiệu, đến hình ảnh dịch vụ… mặt khác, tất nhiên, sẽ là gánh nặng không nhỏ cho những giải thưởng nghiêm túc trong việc khẳng định thương hiệu của chính mình.
Bính Tuất - Năm sôi nổi mạng xã hội ảo
Mạng xã hội ảo, thế giới blogger… đã thu hút cả những người nổi tiếng tham gia. Nhiều bạn trẻ từ thế giới blog cũng trở nên nổi tiếng trong thế giới thực. Năm Bính Tuất 2006 cũng đánh dấu nhiều hoạt động offline từ thiện mang ý nghĩa xã hội cao của cộng đồng mạng: tiêu biểu có thể kể tên như chương trình offline quyên góp ủng hộ đồng bào miền trung bị bão lụt của hai blogger Bung và Trâm Anh Ken; chương trình offline quyên góp sách cho trẻ em nghèo của Nomad…
Ai đó đã nói viết blog là một trào lưu, là một làn sóng. Nó có giai đoạn đỉnh cao và sau đó sẽ thoái trào. Tuy nhiên, sóng thì không bao giờ đơn độc, sau con sóng này sẽ có con sóng khác. Cùng với việc một số đại gia công nghệ đang sắp sửa tung vào thị trường Việt Nam những dịch vụ mạng xã hội ảo mới, nhiều khả năng, sẽ lại có một đợt sóng nối tiếp cao hơn trong cộng đồng cư dân mạng Việt Nam.
Bính Tuất – Năm dịch vụ SMS “lên ngôi”
Nói năm Bính Tuất là năm dịch vụ SMS lên ngôi không phải vì doanh số hay vì sự phổ biến, tính hấp dẫn… mà chính bởi hiệu quả xã hội của nó. Lần đầu tiên, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam đã sử dụng hình thức nhắn tin SMS để gây quỹ Vì người nghèo. Chương trình có sự hợp tác của công ty Đông Hà và các nhà cung cấp dịch vụ di động Vinaphone, MobiFone, Viettel, EVN Telecom.
Chương trình nhắn tin ủng hộ người nghèo qua đầu số 8733 từ ngày 25/12/2006 đến ngày 10/1/2007 đã thu về cho Quỹ Vì người nghèo hơn 14 tỷ đồng. Hàng chục ca sĩ, diễn viên, hoa hậu… đã tình nguyện tham gia đóng video clip cổ động, hàng chục cơ quan thông tấn báo chí đã tham gia đưa tin quảng bá cho chương trình nhiều ý nghĩa này.
Có thể nói, chưa bao giờ dịch vụ gia tăng SMS được dư luận xã hội ủng hộ, biết đến nhiều và rộng rãi như vậy. Chia sẻ suy nghĩ của mình về chương trình nhắn tin ủng hộ người nghèo qua 8733, T.S Trần Đăng Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Thường trực Đài Truyền hình Việt Nam, đã từng nói: “Khi thực hiện một tin nhắn gửi đến tổng Đài 8733, bạn đã đóng góp được 15.000 đồng cho người nghèo. Nhưng quý nhất là bạn đã dành ra một phút để làm điều này, không phải là để nhắn tin cho ai đó bạn cần phải nhắn vì sự cần thiết của bạn. Bạn đã làm điều này vì người nghèo. Tôi tin rằng người nghèo không có số điện thoại di động để trả lời. Nhưng bạn hãy tin rằng, có cả triệu người đã nhắn lại với bạn một câu giản dị: Cám ơn!”
Bính Tuất – Năm bùng nổ… tội phạm mạng
Hàng loạt virus máy tính “Made in Vietnam” lây lan qua cộng đồng Yahoo!Messenger, trong đó nổi đình nổi đám nhất phải nói đến con bệnh “Gái xinh nè” đã tác oai tác quái trong hai ngày 9-10/4/2006 với hàng chục ngàn máy tính bị nhiễm. “Gái xinh nè” cũng là virus chính thức châm ngòi cho năm bùng nổ virus nội. Trong cơn lụt virus nội năm Bính Tuất, có cả những con virus công khai mục đích thách thức, bôi nhọ Trung tâm an ninh mạng Bách Khoa BKIS.
Vấn đề bảo mật an ninh mạng cũng để lại dấu ấn không thể quên cho năm Bính Tuất. Có thể nhắc đến vụ website của công ty Cổ phần Việt Cơ bị tấn công từ chối dịch vụ (DDoS), website Sở Kế hoạch Đầu tư TP HCM bị một công ty TNHH xâm nhập vào database để sửa hồ sơ đối thủ cạnh tranh, vụ Chợ điện tử của công ty PeaceSoft bị tấn công cướp tên miền…
Nhà cung cấp dịch vụ mạng di động MobiFone cũng trở thành nạn nhân. Theo tin từ Bộ Bưu chính Viễn thông, hacker đã tấn công vào cơ sở dữ liệu của mạng MobiFone để lấy ra 6 sim di động đẹp chưa được lưu hành trên thị trường, đưa vào sử dụng và tặng cho 2 người bạn. Một trong những sim di động số đẹp mà hacker đã lấy được từ kho số của MobiFone là 0902000000.
Vụ việc ầm ĩ gần đây nhất là sự cố website Bộ GD&ĐT bị tấn công bởi Bùi Minh Trí, một học sinh lớp 12. Trí đã xâm nhập máy chủ của Bộ và thay ảnh Bộ trưởng bằng ảnh một thanh niên cởi trần. Qua kiểm tra máy tính của Bùi Minh Trí, Cơ quan điều tra Bộ Công an xác định, học sinh này từng nhiều lần tấn công các trang web của cơ quan nhà nước. Chưa hết, nhiều thẻ tín dụng mang tên người nước ngoài với giao dịch hàng nghìn USD cũng được tìm thấy trong máy tính của hacker này.
Bính Tuất – năm “đất lành chim đậu”
Với quyết định đầu tư xây dựng nhà máy lắp ráp và kiểm tra chip bán dẫn trị giá nhiều trăm triệu USD của Intel và chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Microsoft Bill Gates, nhiều nhà bình luận đã nói đến năm Bính Tuất 2006 như một năm “đất lành chim đậu” đối với nền Công nghệ thông tin Truyền thông Việt Nam.
Theo ông Brian Krzanich, Phó Chủ tịch Tập đoàn Intel, lý do Intel lựa chọn Việt Nam để đầu tư rất rõ ràng: Việt Nam là một đất nước có dân số trẻ và năng động, hệ thống giáo dục càng ngày càng được cải thiện, lực lượng lao động đông đảo và một Chính phủ có quan điểm hiện đại…
Intel được đánh giá là một trong những nhà đầu tư đáng tin cậy nhất trên thế giới, và các nhà bình luận cho rằng, theo chân Intel sẽ có thêm nhiều công ty nước ngoài “đổ bộ” vào Việt Nam trong lĩnh vực CNTT. Bên cạnh đó, chuyến thăm của ông chủ Microsoft cũng một lần nữa làm tăng sức hấp dẫn cho môi trường đầu tư tại Việt Nam. Chuyến thăm này cũng được cho là góp phần tạo nên cơn sốt cổ phiếu kỉ lục của công ty Cổ phần Phát triển Đầu tư công nghệ FPT thời gian qua. Trong chuyến thăm này, ngài Bill Gates, Kiến trúc sư trưởng, Chủ tịch Tập đoàn Microsoft, đã nhận xét: “Sự tăng trưởng của chúng tôi, sự thành công của chúng tôi ở Việt Nam sẽ đến khi nền kinh tế của các bạn phát triển tốt hơn. Bởi vì tôi biết Việt Nam đang có những cơ hội đầu tư ngày một nhiều hơn, cho nên tôi phải nói là, chúng tôi đang có một sự khởi đầu rất tốt ở đây...”
Đầu năm 2007, Việt Nam đã chính thức gia nhập WTO, sẽ có thêm nhiều cơ hội mới nhưng cũng sẽ có nhiều thách thức mới. Nếu nói 2007 là năm bản lề, thì Bính Tuất 2006 là năm “bệ phóng”, là thời gian đặt nền tảng cho những thành công sắp tới của CNTT-Truyền thông Việt Nam. Ôn lại những ấn tượng về một năm CNTT đáng nhớ cũng là một cách để chuẩn bị tâm thế sẵn sàng “mở cánh cửa” ICT Việt Nam hội nhập...
Huy Khôi