Các nhà nghiên cứu tại Đại học Michigan (Mỹ) mới đây tuyên bố, phương pháp bảo mật sử dụng vân tay vẫn có thể bị tin tặc qua mặt, không an toàn bằng “vân” tai (cấu trúc, cấu tạo của tai). Descartes Biometrics, một công ty công nghệ của Mỹ, đã chứng minh nhận định trên của các nhà khoa học Đại học Michigan và phát triển ứng dụng sử dụng “vân” tai.
Công nghệ “vân” tai hứa hẹn trở thành công nghệ của tương lai và có thể thay thế các biện pháp sử dụng vân tay.
Để sử dụng, trước tiên, người dùng tải phần mềm ERGO về điện thoại di động. Sau đó, người dùng đưa thiết bị về phía một bên đầu và áp màn hình cảm ứng vào một bên tai. Một âm thanh sau đó được gửi vào tai và do cấu trúc độc đáo của tai, âm thanh được lặp lại và trở thành mã số cho từng cá nhân. Sau đó, ERGO sử dụng cảm biến được nhúng trong điện thoại thông minh cài hệ điều hành Android để nhận dạng chủ nhân của chiếc điện thoại.
Theo Descartes Biometrics, việc xác thực mất khoảng một giây và sẽ được cải tiến trong quá trình sử dụng. Điện thoại có thể lưu trữ tới 10 lần quét tai của người dùng. Các nhà nghiên cứu cho rằng, công nghệ “vân” tai hứa hẹn trở thành công nghệ của tương lai và có thể thay thế các biện pháp sử dụng vân tay.
Đó là một trong những ứng dụng công nghệ mới nhất của thế giới đang được giới thiệu tại CEATEC - triển lãm hàng điện tử lớn nhất diễn ra tại thành phố công nghiệp Chiba, ngoại ô Tokyo, Nhật Bản. Hằng năm, Nhật Bản thường mang tới triển lãm này những chiếc tàu siêu tốc chạy nhanh nhất thế giới. Tại triển lãm năm nay, ngoài ứng dụng công nghệ “vân” tai, các hãng điện tử khổng lồ trên thế giới cũng giới thiệu nhiều đột phá mới của khoa học. Đó là robot vận chuyển được thiết kế để làm việc tại các nhà máy. Robot này có thể vận chuyển đồ đạc đi được gần 2m trong vòng 1 giây và chở tối đa được 130kg hàng hóa. Loại robot này đã được ứng dụng trong việc phục vụ đồ uống cho khách tại sân bay quốc tế Incheon, Hàn Quốc.