Cuộc đời chìm nổi của Hoàng hậu cuối cùng đời Thanh

Chắc hẳn ai cũng biết bộ phim “Hoàng đế cuối cùng” kể về cuộc đời Phổ Nghi - vị vua cuối cùng của triều đại Mãn Thanh. Trong đó có nhắc đến Uyển Dung - hoàng hậu của Phổ Nghi. Cuộc đời của bà lại là một câu chuyện buồn khiến người đời sau phải thở dài.

Bắt đầu với tuổi thơ êm đềm, hạnh phúc

Hoàng hậu Uyển Dung là vị Hoàng hậu cuối cùng của triều đại nhà Mãn Thanh. Bà sinh ra vào ngày 13 tháng 11 năm 1906 ở Bắc Kinh, thuộc gia tộc Quách Bố La và có cha là Vinh Nguyên, một đại thần nội vụ của triều đình. Mẫu thân của bà qua đời ngay sau khi sinh và bà được nuôi lớn bởi kế mẫu Hằng Hương, cũng chính là dì họ của bà.

Uyển Dung lớn lên trong tình yêu thương của cha và kế mẫu. Cha bà là một quý tộc Mãn Thanh có tinh thần tự do, tân tiến. Vì thế, dù gia đình có 2 người con trai khác là Nhuận Lương (anh trai lớn) và Nhuận Kỳ (em trai cùng cha khác mẹ) nhưng Uyển Dung vẫn được đến trường và học hành đầy đủ.


Uyển Dung lớn lên trong một gia đình hạnh phúc, đầy đủ và được thụ hưởng nền giáo dục tân tiến nhất thời bấy giờ. (Ảnh minh họa).

Bà theo học ở một trường do Giáo hội Cơ đốc Mỹ thành lập. Trong suốt thời niên thiếu, bà có cơ hội học tiếng Anh, đàn piano và đặc biệt bà rất hâm mộ nhạc jazz. Ngoài ra, bà còn được tiếp xúc với văn hóa phương Tây thông qua âm nhạc, hội họa. Song song với đó, ở nhà, kế mẫu Hằng Hương cũng rất chú tâm dạy dỗ cho bà những phép tắc lễ nghi truyền thống Trung Hoa.

Cô bé Uyển Dung dần trưởng thành và sở hữu những tài năng, nét đẹp hiếm thấy của một cô gái được tiếp thu với hai nền văn hóa. Đến tuổi cập kê, cộng thêm sức ảnh hưởng của cha bà nên bà trở thành một trong những "ứng cử viên" sáng giá cho vị trí Hoàng hậu, chính thê của vua Phổ Nghi lúc bấy giờ.

Để rồi trở thành vợ của Hoàng đế

Năm 18 tuổi, Uyển Dung được gả cho vua Phổ Nghi. Lúc đó, triều đình nhà Thanh đã đổ và hoàng gia chỉ là bù nhìn. Tuy thế, họ vẫn được giữ danh hiệu và một số đặc quyền khác; một trong những đặc quyền đó là tổ chức lễ thành hôn trong Tử Cấm Thành. Chính vì thế, ngày 30 tháng 11 năm 1922, Uyển Dung chính thức trở thành Hoàng hậu của nhà Thanh.


Năm 18 tuổi, Uyển Dung được chọn trở thành Hoàng hậu của vua Phổ Nghi. (Ảnh minh họa).

Đây hoàn toàn là một cuộc hôn nhân sắp đặt. Phổ Nghi được giao một xấp ảnh các tú nữ để chọn ra người vừa ý nhất. Thế nhưng vị vua trẻ đã gặp không ít khó khăn khi chọn lựa vì chất lượng ảnh thời đó còn rất tệ. Lúc đầu ông lựa chọn bức ảnh của Văn Tú để lập hậu; tuy nhiên lúc đó Văn Tú mới chỉ 12 tuổi nên những người có quyền lực trong cung là Thuần Thân vương Tải Phong, Kính Ý Hoàng Quý phi, Vinh Huệ Hoàng Quý phi và Đoan Khang Hoàng Thái phi đều phản đối.

Thay vào đó, họ gợi ý cho nhà vua trẻ lựa chọn Uyển Dung - cô gái vừa lớn tuổi hơn, chín chắn và có gia thế phù hợp với hai người mẹ là cách cách còn cha là một đại thần quyền cao chức trọng trong triều.

Để chuẩn bị cho hôn lễ hoàng gia, Uyển Dung phải vào cung và học rất nhiều phép tắc. Những bài học đó đã khắc nghiệt và khó khăn tới mức khiến cô gái trẻ nhiều lần bật khóc. Và có vẻ như sự sầu bi này là dấu hiệu báo trước cho những giông tố sắp sửa ập xuống cuộc đời của vị Hoàng hậu tương lai.


Vị Hoàng hậu trẻ tuổi đã phải học rất nhiều quy tắc chốn cung đình. Sức ép của việc này lớn đến mức nhiều khi cô gái trẻ phải bật khóc. (Ảnh minh họa).

Đại hôn của Uyển Dung và Phổ Nghi diễn ra vào ngày 30 tháng 11 năm 1922; tuy nhiên không giống như những vị Hoàng hậu khác được rước vào Tử Cấm Thành qua cổng chính Đại Thanh Môn, Uyển Dung phải đi qua cổng phụ là cổng Đông Hoa, chứng tỏ Hoàng hậu trong thời điểm này không còn giữ được sự tôn nghiêm như trước kia nữa.

Dù danh vọng và uy tín suy giảm, Uyển Dung vẫn phải chu toàn và tuân thủ theo các lễ nghi cung đình, nếp sống hoàng tộc trong Tử Cấm Thành. Ngoài những lúc được nhà vua triệu hạnh thì Uyển Dung thường đọc sách, tiểu thuyết, luyện đàn piano và tiếp đón những vị khách trong gia đình. Trong một số ghi chép, Uyển Dung trong thời gian này có dấu hiệu của bệnh tâm thần và phải được chữa trị bằng thuốc phiện. Do đó, Phổ Nghi đã cho phép bà sử dụng thuốc phiện và dần dần bà trở nên nghiện ngập, nhất là hút tobaco - một loại thuốc lá nặng.

Những năm tháng lưu lạc đầy đau đớn

Năm 1924, Phùng Ngọc Tường gây sức ép và bắt Phổ Nghi cùng Uyển Dung dọn ra khỏi Tử Cấm Thành. Thế là họ chuyển đến sống ở Thiên Tân, trong một ngôi làng nhỏ và chịu sự quản lý của quân Nhật. Ở đây, bà được Phổ Nghi đặt tên tiếng anh là Elizabeth nhằm tương xứng với tên tiếng anh Henry của Phổ Nghi. Đến năm 1930, Phổ Nghi trở thành Hoàng đế bù nhìn do quân Nhật dựng lên và từ đây, cuộc sống của họ bị kiểm soát vô cùng gắt gao.


Năm 1924, Uyển Dung theo Phổ Nghi rời khỏi Tử Cấm Thành đến Thiên Tân và một lần nữa trở thành Hoàng hậu của triều đình bù nhìn Mãn Châu Quốc. (Ảnh minh họa).

Có thể thấy, cuộc đời của Uyển Dung phải chịu rất nhiều tác động của các thế lực chính trị thời đó. Đời tư của bà cũng không được suôn sẻ là bao. Người chồng chính thức, Phổ Nghi hoàng đế không thể thực hiện những "nghĩa vụ" bình thường của một người đàn ông; do đó luôn tỏ ra rất hờ hững và lạnh lùng với Hoàng hậu. Ngoài ra, trong thời gian làm hoàng đế bù nhìn, Phổ Nghi cũng rất nhiều lần đi công tác xa, bỏ lại Uyển Dung một mình.

Ngoại tình và cuối đời ra đi trong cô đơn, bệnh tật

Có lẽ do quá cô đơn, bà đã ngoại tình với hai phụ tá của Phổ Nghi là Lý Thể Ngọc và Kỳ Kế Trung; thậm chí còn có một đứa con ngoài giá thú. Chuyện này bị người Nhật phát giác và khiến Phổ Nghi bị khiển trách một cách nặng nề. Do quá tức giận, Phổ Nghi đã ném đứa trẻ mới sinh vào lò lửa và sau đó thì nói dối Uyển Dung rằng, ngài đã giao đứa bé cho một cặp đôi khác nuôi nấng.

Sau khi biết sự thật về những gì xảy ra với con mình, Uyển Dung trở nên điên loạn. Bệnh tình của bà ngày một nghiêm trọng và sa vào con đường nghiện ngập. Bà thường xuyên nói sảng và xa lánh với mọi người.


Sự hờ hững và xa cách của chồng khiến Uyển Dung vô cùng cô đơn, trống trải. (Ảnh minh họa).

Trong thời gian những năm 1945, sức khỏe của Uyển Dung kém đi rất nhiều do những cơn đói thuốc hành hạ. Bà liên tục bị ảo giác và thỉnh thoảng bị các tên lính canh đánh đập. Cuối cùng, vào ngày 20 tháng 6 năm 1946, Hoàng hậu Uyển Dung qua đời do suy dinh dưỡng và thiếu thuốc phiện. Người ta nói rằng, thi thể của bà được chôn cất trong một ngôi mộ tập thể; tuy nhiên điều này chưa từng được kiểm chứng và đến nay vẫn không ai biết rõ nơi an nghỉ chính xác của vị Hoàng hậu xấu số này.


Bệnh tình bà ngày một nghiêm trọng, nhất là sau khi mất đi đứa con mới sinh. (Ảnh minh họa).

Về phần Phổ Nghi, sau khi nghe tin Uyển Dung qua đời, ông chẳng hề có một chút thương xót. Trong cuốn hồi ký của mình, ông đã viết, "Tôi nghe nói bà ấy đã chết trong trại giam và cũng chẳng rõ là nguyên nhân gì. Tuy nhiên, cũng không phải thương tiếc một người đã không biết thương yêu và coi trọng bản thân như người phụ nữ đó. Bà ấy chỉ là một kẻ nghiện ngập mà thôi".

Cập nhật: 15/08/2018 Theo helino
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video