Cá mập thâm, cá mập mắt to và cá mập sọc trắng có khả năng là thủ phạm tấn công người tắm biển tại Quy Nhơn.
Cá mập là nhóm đối tượng tấn công người ở vùng biển Quy Nhơn. Cụ thể, cá mập thâm (Carcharhinus limbatus), cá mập mắt to (Carcharhinus amboinensis) có khả năng gây ra 2 vụ, 8 vụ còn lại thủ phạm có khả năng là cá mập sọc trắng (Carcharhinus amblyrhynchoides).
Kết quả này thu được từ đề tài "Nghiên cứu cơ sở khoa học của hiện tượng cá dữ tấn công người tắm biển ở vịnh Quy Nhơn và đề xuất các giải pháp phòng ngừa" nghiệm thu cuối tuần qua. Đề tài do Viện Hải dương học thực hiện trong thời gian tháng 8/2010 - 4/2012.
Một con cá mập nặng gần 1 tấn do ngư dân
bắt được tại Quy Nhơn. (Ảnh: Minh Thảo/ VNE)
Theo ông Võ Sĩ Tuấn, Phó viện trưởng Viện Hải dương học, chủ nhiệm đề tài: "Ba loài cá mập nói trên chưa từng ghi nhận tấn công người tắm biển ở Việt Nam, nhưng có tập tính vào gần bờ nếu có điều kiện thu hút về thức ăn".
Nhóm nghiên cứu cũng xác định nguyên nhân dẫn đến cá tấn công người, trong đó có một số nguyên nhân chính. Thứ nhất liên quan đến hoạt động thả chà bắt tôm hùm con và lưới lồng thu hút các loài cá dữ vào cư trú và kiếm ăn gần bờ, làm gia tăng xác suất cá gặp người tắm biển.
Thứ 2, một số vụ tấn công của cá mập trùng với thời điểm diễn ra hiện tượng El Nino, gây mưa nhiều và làm nước đục, gia tăng xác suất cá mập nhầm người với mồi của chúng. Ngoài ra, một số vụ tấn công có thể liên quan đến tập tính vào bờ để sinh sản, nhất là với cá mập sọc trắng, mùa sinh sản của chúng là tháng 6 - 9 hàng năm.
Theo thống kê, chỉ tính từ tháng 7/2009 đến tháng 6/2010, liên tiếp tại vùng biển Quy Nhơn đã có đến cả chục người bị cá cắn. Vùng biển bị cá cắn thuộc khu vực hẹp, trong đoạn bờ biển đẹp, rất nhiều người tắm biển, với chiều dài chỉ khoảng 1.000m. Nạn nhân thường bị cắn vào bắp chân, bàn chân, bàn tay và bắp tay.
Tại Quy Nhơn, ngư dân cũng thỉnh thoảng bắt được cá mập, cá nhám (một loại cá dữ giống cá mập). Mới đây, ngày 27/5, ngư dân tỉnh này đã bắt được một con cá mập dài khoảng 2m, nặng khoảng 80kg.