Thiếu máu là hiện tượng giảm số lượng hồng cầu hoặc giảm nồng độ huyết cầu tố (hemoglobin) trong máu. Khí oxy liên kết với các hemoglobin và đưa nó tới khắp các mô trong cơ thể, vì thế thiếu máu sẽ khiến cơ thể thiếu oxy.
Dưới đây là năm dấu hiệu chỉ ra bạn có khả năng bị thiếu máu do Business Insider tổng hợp.
Da nhợt nhạt
Tế bào máu ưu tiên đi đến các cơ quan nội tạng. Khi bị thiếu hụt, chúng sẽ không tiếp cận da, khiến da nhợt nhạt.
Da và tóc khô
Khí oxy liên kết với hemoglobin nên nếu protein này bị thiếu, khí oxy cũng không thể lưu thông bình thường để đáp ứng nhu cầu của cơ thể. Kết quả, các cơ quan và mô có vai trò duy trì sự sống được ưu tiên nhận lượng oxy ít ỏi còn những vùng như tóc hay da sẽ suy yếu và bị khô, tóc thậm chí có thể bị rụng.
Trong các trường hợp nặng, thiếu máu dẫn đến rụng tóc. (Ảnh: I-ing/Shutterstock).
Lưỡi sưng và xám
Sắt giúp cơ thể tạo ra các tế bào hồng cầu nên khi thiếu máu, các tế bào lưỡi không nhận đủ khí oxy dẫn tới lưỡi sưng phồng và đổi màu.
Chứng lo âu
Quá trình xử lý chậm chạp của hệ thần kinh trung ương phát sinh từ hiện tượng thiếu sắt trong não khiến bạn bị lo âu, trầm cảm, kém tập trung, thay đổi tâm tính cùng nhiều vấn đề tâm thần khác.
Lo âu có thể là biểu hiện của bệnh thiếu máu. (Ảnh: Antonio Guillem/ Shutterstock).
Lạnh tay chân
Ở người, tay chân ở xa so với tim nên máu cần đi một quãng đường xa để nuôi dưỡng và giữ ấm chúng. Khi mắc rối loạn thiếu máu, tay và chân không nhận đủ oxy do hồng cầu không thể lưu thông bình thường. Điều này dẫn tới cảm giác khó chịu và lạnh ở tứ chi.
Khi có các biểu hiện trên, bạn cần đến bệnh viện khám và làm các xét nghiệm để xác định mức độ, nguyên nhân thiếu máu.
Thiếu máu hồng cầu to, ưu sắc: Do thiếu vitamin B12 hoặc axit folic, gọi là bệnh thiếu máu ác tính Biermer, ngoài các triệu chứng chung còn thấy tim có tiếng thổi tâm thu, tim to. Lưỡi nhẵn, sáng bóng. Miệng, lưỡi và họng rát như phải bỏng. Có hiện tượng tê cóng, kiến bò ở các chi, phản xạ gân xương mất. Người đã cắt dạ dày cũng dễ bị thiếu máu dạng này.
Thiếu máu hồng cầu nhỏ, nhược sắc: Thường gặp sau các bệnh mất máu như trĩ, loét dạ dày - tá tràng, ung thư dạ dày, u xơ tử cung, ho ra máu, ung thư phế quản, giãn phế quản, giun móc... Bệnh còn gặp ở những người có vấn đề ở dạ dày, ruột dẫn đến kém hấp thu sắt, phụ nữ có thai, trẻ em dinh dưỡng kém.
Thiếu máu hồng cầu nhỏ, đẳng sắc: Do suy tủy (xuất phát từ bệnh lao, viêm gan virus, ngộ độc nghề nghiệp, do kháng sinh, thuốc chữa ung thư, tia xạ, thuốc trừ sâu) hay do hồng cầu bị hủy hoại (trong bệnh tan huyết, sốt rét, sốt vàng da, liên cầu tan huyết; nhiễm độc). Loại thiếu máu này cũng gặp trong gây trường hợp mất máu cấp (đứt mạch máu, vỡ phủ tạng, vỡ chửa ngoài dạ con, vỡ tử cung...).