Sở khoa học công nghệ Hà Nội đề nghị dùng lồng hoặc lưới để bắt rùa tai đỏ tại hồ Gươm nhằm cứu cụ Rùa cổ.
Rùa tai đỏ đang xâm lấn hồ Gươm. (Ảnh: Vũ Long)
Trước đó Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã yêu cầu các cơ quan liên quan đưa ra giải pháp hạn chế rùa tai đỏ để cứu Rùa cổ. Sau khi xuất hiện hình ảnh rùa tai đỏ ngồi trên lưng Rùa hồ Gươm, một số nhà khoa học đã cảnh báo nguy cơ Rùa cổ bị gặm mai, hoặc bị lấn át trong chính môi trường sống quen thuộc của nó.
Theo các giải pháp nói trên, cách thứ nhất là đặt lồng chìm dưới nước, dùng thức ăn nhử rùa tai đỏ vào trong lồng rồi vớt lên.
Cách thứ hai được đưa ra là dùng bè nổi có mồi dẫn dụ và lưới. Rùa tai đỏ rất thích sưởi nắng nên chúng có thể leo lên bè. Khi chúng đã lên, người bắt rùa sẽ rung giật cho rùa này rơi xuống lưới phía bên dưới.
“Việc dùng loại lồng nào, lưới, bẫy nào, loại mồi dẫn dụ nào, lượng bao nhiêu, đặt ở vị trí nào là điều cần phải nghiên cứu”, ông Lê Xuân Rao, giám đốc Sở KH&CN Hà Nội nói và cho biết thêm hiện trên thị trường có loại lưới của Trung Quốc cải tiến và của Nhật.
Cũng theo ông Rao, hai giải pháp trên đều không ảnh hưởng đến Rùa quý và hệ động vật thủy sinh của hồ Gươm, đảm bảo mỹ quan, dễ thao tác. Cơ quan chức năng cũng sẽ tìm hiểu những nơi có thể là bãi đẻ của rùa để tìm cách tận diệt.
Các phương pháp khác như cất vó, dùng phi tiêu không nên áp dụng tại Hồ Hoàn Kiếm, ông Rao nói.
Trước khi diệt rùa tai đỏ hồ Gươm, cơ quan chức năng sẽ thử nghiệm hai giải pháp trên tại một hồ nào đó của Hà Nội. Ông Rao cho rằng, cần tiếp tục các biện pháp vận động người dân không thả rùa tai đỏ xuống hồ nữa.