Đền Athèna và quần thể kiến trúc Acropole

Acropole là tên gọi của những quần thể công trình đền đài, tường thành, xây dựng trên những khu đồi cao, dùng vào mục đích lễ nghi hay tôn giáo. Khi ta dùng chữ Acropole với chữ A viết hoa ở đầu dó có nghĩa là Acropole ở Athènes cao 70 mét so với khu vực xung quanh, có kích thước 300x130 mét được xây dựng vào thế kỷ thứ V Tr. C.N.


Quần thể công trình đền đài, tường thành Acropole

Đền Athèna

Nữ Thần Athèna

Nữ Thần Athèna, một vị Thần nổi tiếng trong các truyền thuyết Cổ Hy Lạp, là người bảo vệ kinh đô nước Hy Lạp xưa (nay là thành phố Athènes, Thủ đô của Hy Lạp). Nhân dân đã xây dựng một quần thể kiến trúc tuyệt vời để thờ phụng Nữ Thần Athèna trên một ngọn đồi là Acropole. Quần thể kiến trúc Acropole gồm có  đền Parthénon, đền Erechtheion, cổng Propylées, đền Nikê và tượng Thần Athèna.

Các nghệ sĩ Hy Lạp đã dành tất cả tâm huyết tôn thờ Nữ Thần Athèna bằng những kiệt tác kiến trúc và điêu khắc. Đền Parthénon được liệt vào danh sách bảy kỳ quan của Thế giới Cổ đại. Tác giả phần kiến trúc là các kiến trúc sư Ichtinos và Calicrates, đã thiết kế và chỉ đạo xây dựng ngôi đền từ năm 447 đến năm 438 Tr.C.N. Phần điêu khắc được nghệ sĩ bậc thầy Phidias hoàn thành vào năm 431 Tr.C.N. Ngôi đền được làm bằng đá cẩm thạch theo hệ thống kiểu cột Đôrich mạnh mẽ và trang nghiêm, có tỷ lệ đẹp đẽ nhất đã trở thành chuẩn mực của kiến trúc cổ đỉển phương Tây. Đền Erechtheion cũng là một kiệt tác của kiến trúc Hy Lạp nhưng theo hệ thống cột Iônic, tác giả là kiến trúc sư Phiôclex đã đưa ra một dạng cột độc đáo là cột hình thiếu nữ được gọi là Caratít. Tượng sáu cô gái đẹp duyên dáng với những nếp áo mềm mại đứng thay vị trí các cột đá làm nhiệm vụ đỡ các dầm mái. Dạng cột Cariatít từ đây được phổ biến trong kiến trúc cổ điển phương Tây!

Đền Erechtheion

Đền Erechtheion dành để thờ hai Thần Athèna và Poseidon. Trong kiến trúc đền đài Hy Lạp thì Erechtheion là đền duy nhất có mặt bằng không đối xứng, đó là một hiện tượng kỳ lạ nhưng lại trở thành một kiệt tác! Đền Erechtheion được xây dựng sau Parthénon. Khởi công năm 424 và hoàn thành năm 406 Tr.C.N. Sự xuất hiện Erechtheion cạnh đền Parthénon đã làm tôn vẻ đẹp của quần thể kiến trúc Acropole. Hai công trình với hai vẻ đẹp hoàn toàn khác nhau đã đối thoại với nhau tạo nên không gian phong phú. Parthénon thì mạnh mẽ, cao lớn có mặt bằng hoàn toàn đối xứng với cột thức Dôrich, Erechtheion thì nhỏ hơn, đứng nép một bên, duyên dáng với thức cột Iônic, và hàng cột Cariatít (những cô gái nô lệ xứ Caria), và mặt bằng đền ở thể tự do không đối xứng.

Hàng năm ở Athènes có tổ chức lễ tôn vinh Nữ Thần Athèna ở Acropole và cứ bốn năm có một lễ trọng. Tại đây, người ta tổ chức thành một đoàn rước lễ diễu hành về Acropole, trên đường đi quanh đồi Acropole họ có thể nhìn ngắm các công trình ở trên đồi xuất hiện lần lần dưới những góc độ khác nhau. Sau đó, theo các bậc đá đoàn rước lễ lên đồi vào cổng Propylées; từ đây quần thể kiến trúc và tượng đài trải rộng ra khang trang lộng lẫy với ba công trình chính là Parthénon, Erechtheion và tượng Athèna ngoài trời (vì trong đền còn có tượng Athèna nữa). Cuộc lễ bắt đầu, các thiếu nữ đang áo choàng mới cho tượng Nữ Thần Athèna, tượng này bằng đồng, cao 9m khảm ngà voi và vàng (số lượng trên một tấn vàng). Đây là một tác phẩm điêu khắc lớn của Phidias, nay không còn nữa.

Đền Parthénon

Đền Parthénon

Trên Acropole ở Athènes đền Parthénon là ngôi đền đẹp nhất Hy Lạp lúc bấy giờ, được thiết kế và chỉ đạo thi công bởi hai kiến trúc sư kiệt xuất thời Cổ đại là Ichtinos và Callicrates, xây dựng từ những năm 447 - 438 Tr.C.N mới hoàn thành.

Đền Parthénon trên mặt bằng được chia làm ba phần rõ rệt. Pronaos (tiền sảnh), Naos (gian thờ, có chỗ để tượng nữ Thần Athèna phần cuối) và Opictodom (Phòng để châu báu).

Ngôi đền có hành lang cột bao quanh, hai mặt chính có tám cột, dùng thức cột Dorich, và do chú ý đến sự tương quan đến kích thước con người, nên trông dáng vẻ rất sáng sủa, cao sang nhẹ nhàng và gần gũi.

Công trình dùng loại đá cẩm thạch trắng, có mặt bình thường lạnh và dịu, những tiếp xúc với ánh nắng hay hơi ẩm thì bề mặt trở lên sáng hơn và ẩm hơn các phần trên của mái bộ phận sơn tường hình tam giác với các chi tiết trang trí lại được dùng màu sắc mạnh mẽ để bộc lộ vẻ hào hoa rực rỡ. Narthéno có kích thước 30*70 mét ngoài những giá trị về kiến thức, về điêu khắc cũng rất có giá trị.

Thần Poseidon

Ngày nay, các di tích Parthénon, Erechtheion, Propylées và Nikê vẫn còn tuy không toàn vẹn nhưng vẫn là một điểm du lịch nổi tiếng Hy Lạp, là mẫu mực cho giới kiến trúc sư và nghệ thuật tạo hình trên thế giới đến học tập.

Các nghệ sĩ Hy Lạp thời xưa là những bậc thầy về nghệ thuật thị giác: những cột biên của công trình Parthénon lớn hơn khoảng cách các cột giữa một chút, tất cả những thủ pháp tài tình này đều nhằm điều chỉnh những sai số thị giác của một công trình đồ sộ trong không gian. Phần điêu khắc của Phidias ở Parthénon là những kiệt tác với một khối lượng lớn điêu khắc ở hai mái hồi, chín mươi hai hình điêu khắc trên khung mêtốp, 200m dải băng trang trí đầu cột.

Cái đẹp mẫu mực mà Phidias đạt được là sự hài hòa giữa thể chất và tinh thần của con người, mang tính chất nhân văn cao. Con người được ca ngợi và trở thành thước đo mọi giá trị thẩm mỹ. Điều ấy được thể hiện rõ nhất trên cái điêu khắc về sự ra đời của Athèna trên mái hồi phía Đông và cuộc chiến đấu giữa Athèna và Poseidon trên mái hồi phía Tây. Đền Parthenon xứng đáng là kiệt tác mẫu mực nhất về cái đẹp của kiến  trúc Hy Lạp cổ điển, nó là chuẩn mực về kiến trúc và điêu khắc cho nghệ thuật phương Tây suốt hàng chục thế kỷ sau.

Cập nhật: 06/01/2025 H.T (theo Nền văn minh thế giới)
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video