Di chúc của Nobel

Đã thành thông lệ, khi mỗi năm, vào tháng 10, các giải thưởng Nobel được lần lượt công bố, vinh danh những con người, tập thể có những đóng góp lớn nhất cho lợi ích của nhân loại. Nhưng ít ai biết được những tranh cãi phía sau giải thưởng uy tín nhất thế giới này.

Không được thiên vị

Nobel là nhà bác học nổi tiếng thế giới về nghiên cứu và chế tạo thuốc nổ ở thế kỷ 19. Ông sở hữu 355 hạng mục bản quyền sáng chế phát minh và trên 100 xí nghiệp về thuốc nổ ở nhiều nước trên thế giới. Do vậy, ông được mệnh danh là “vua thuốc nổ”. Những năm cuối đời, Alfred Bernhard Nobel (1833-1896) đã viết 3 bản Di chúc vào các năm 1889, 1893, 1895 về việc xử lý số tài sản của ông sau khi ông qua đời. Bản cuối cùng là bản Di chúc chuẩn được ông gửi vào một ngân hàng ở Stockholm. Nguyên văn:

Người ký tên dưới đây là Alfred Bernhard Nobel. Tôi đã suy nghĩ kỹ càng và công bố Di chúc cuối cùng về việc xử lý số tài sản tôi để lại sau khi tôi qua đời như sau:

Toàn bộ tài sản đó được chuyển thành tiền mặt, người thừa hành của tôi sẽ đầu tư vào chứng khoán một cách an toàn và cấu thành một loại quỹ. Lợi nhuận của quỹ được chia thành 5 phần bằng nhau để thưởng cho những người có cống hiến lớn nhất đối với lợi ích của nhân loại trong năm trước đó, bao gồm: Người có phát hiện hoặc phát minh quan trọng nhất về lĩnh vực Vật lí; Người có phát hiện hoặc cải tiến quan trọng nhất về lĩnh vực Hóa học; Người có phát hiện quan trọng nhất trong lĩnh vực Sinh lí hoặc Y học; Người từng sáng tác tác phẩm văn học kiệt xuất nhất theo khuynh hướng chủ nghĩa lí tưởng; Người từng có cống hiến lớn nhất hoặc tốt nhất đối với việc thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị giữa các nước, việc loại bỏ hoặc cắt giảm binh bị, quân đội và trong các hội nghị hoà bình.

Nhà bác học nổi tiếng thế giới Alfred Bernhard Nobel (Ảnh: lucidcafe)

Viện khoa học Hoàng gia Thụy Điển xét trao tặng đối với giải vật lí và giải hóa học; Viện y học Stockholm xét trao tặng đối với giải sinh lí hoặc y học; Viện văn học Thụy Điển Stockholm xét trao tặng đối với giải văn học; Giải hòa bình do một ủy ban gồm 5 người được nghị viện Na Uy cử ra để xét trao tặng.

Ước muốn rõ ràng nhất của tôi là: khi xem xét để trao giải thưởng cho những nhân vật nêu trên hoàn toàn không thiên vị về quốc tịch của người đó, bất kể họ có phải là người Scandinavia hay không (Thụy Điển ở về phía Đông của bán đảo Scandinavia ở Bắc Âu - NV), chỉ cần họ xứng đáng.

Việc lập những giải thưởng nêu trên là nguyện vọng bức thiết nhất của bản thân tôi.

Đây là bản Di chúc có hiệu lực duy nhất của tôi. Sau khi tôi qua đời, nếu phát hiện những bản di chúc khác trước đó về xử lý tài sản của tôi thì những bản di chúc ấy đều vô hiệu.

Alfred Bernhard Nobel

Ngày 27 tháng 11 năm 1895

Năm 1968, nhân kỷ niệm 300 năm ngày thành lập Ngân hàng Thụy Điển, Ngân hàng này đã xuất tiền lập giải Nobel kinh tế, gọi là “Giải kinh tế học kỷ niệm Nobel” nhằm trao cho những nhân vật có cống hiến lớn trong lĩnh vực nghiên cứu kinh tế. Giải này được trao từ năm 1969 cùng thời điểm trao các giải Nobel khác trong năm.

Tranh cãi

Sau khi bản Di chúc của Nobel được công bố, lập tức gây nhiều tranh luận ở Thụy Điển, nhất là trong giới luật sư và báo chí. Khi đó người viết Di chúc đã yên nghỉ dưới suối vàng được hai năm.

Nhiều tờ báo đăng bài khuyến khích những người họ hàng thân thuộc của Nobel làm đơn thưa kiện. Họ cho rằng Nobel là người Thụy Điển nhưng trong bình xét giải thưởng ông chẳng có chút ưu ái gì đối với người Scandinavia. Hơn nữa, giải Hoà bình ông lại giao cho Na Uy bình xét và trao giải, điều này phương hại đến lợi ích của Thụy Điển. Một số thành viên trong Đảng xã hội dân chủ Thụy Điển thì cho rằng Nobel dùng tài sản của mình lập giải thưởng để thưởng cho những nhân vật kiệt xuất, nhưng thực ra tài sản của Nobel có được là nhờ công sức của nhiều người lao động và khoáng sản tự nhiên, đáng ra phải chia đều cho các thành viên trong xã hội Thụy Điển.

Một số luật sư thì cố soi vào những sơ hở trong bản Di chúc nhằm vô hiệu nó. Họ cho rằng, bản Di chúc này không nêu rõ người lập Di chúc là công dân nước nào; do đó, khó xác định được cơ quan chấp pháp của nước nào có thẩm quyền phán quyết tính hợp pháp của bản Di chúc, càng không thể xác định được chính phủ nước nào đứng ra tổ chức ủy ban giải Nobel.

Trên thực tế thì Nobel là “người của thế giới”. Ông sinh ra ở Thụy Điển nhưng trưởng thành ở Nga, hoạt động sáng tạo khắp toàn cầu rồi qua đời ở Ý. Những năm cuối đời ông không mang quốc tịch nước nào.

Các luật sư còn nêu ra một số điểm sơ hở khác như trong Di chúc không nêu rõ toàn bộ tài sản của Nobel do ai quản lý, không chỉ định đích danh ai đứng ra thành lập quỹ đó, do vậy người thừa hành thực hiện Di chúc không có quyền thừa kế số tài sản đó và không thể tồn tại một tổ chức thừa kế quỹ giải thưởng.

Điều làm nhiều người ngạc nhiên là, theo Di chúc của Nobel thì Viện khoa học Hoàng gia Thụy Điển bình xét giải Vật lí và giải Hóa học, nhưng vị Viện trưởng Viện này khi đó lại đề nghị tài sản của Nobel không nên dùng làm quỹ giải thưởng mà nên tặng cho Viện Khoa học Hoàng gia Thụy Điển...

Do sự cố gắng của những người thừa hành Di chúc, cuối cùng, ngày 21-5-1898, Quốc vương Thụy Điển đã tuyên bố bản Di chúc của Nobel có hiệu lực, ngày 29-6-1900, Quốc hội Thụy Điển đã thông qua Điều lệ giải Nobel.

Ngày 10-12-1901, nhân kỷ niệm 5 năm ngày mất của Nobel, giải Nobel đầu tiên đã được trao. Và từ đó đến nay, hàng năm giải này luôn thu hút sự quan tâm của nhiều người trên thế giới.

 NGUYỄN THÀNH TUỆ (tổng hợp)

Phần thưởng các giải Nobel đều bằng nhau. Giải gồm một Giấy chứng nhận, một huy chương bằng vàng 23K nặng khoảng nửa Pound (1 pound = 0.4536 kg) và một chi phiếu tiền thưởng. Tiền thưởng thay đổi theo thời gian; năm đầu tiên (1901) là 150.000 Krona (tiền Thụy Điển, khoảng 42.000 USD); năm 2006 khoảng 1,4 triệu USD.

Dự kiến xét và công bố giải thưởng năm nay:

  • 2-10: Y học
  • 3-10: Vật lí
  • 4-10: Hoá học
  • 5-10: Văn học
  • 9-10: Kinh tế
  • 13-10: Hòa bình
Theo Tuổi trẻ
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video