Các nhà khoa học Đức sử dụng laser để dịch chuyển tức thời thông tin từ điểm này tới điểm khác mà không thay đổi vật chất và đánh mất năng lượng.
Trước đây, hiện tượng dịch chuyển tức thời đã được các nhà khoa học chứng minh trong thế giới lượng tử. "Những hạt lượng tử như electron và hạt ánh sáng tồn tại trong một trạng thái không gian bất định", Alexander Szameit, giáo sư tại Đại học Jena, Đức, giải thích.
Hai nhà nghiên cứu Alexander Szameit (phải) và Marco Rigotti (trái) tại Đại học Jena, Đức, phát triển thiết bị dịch chuyển tức thời bằng laser. (Ảnh: Đại học Jena).
Nói cách khác, các hạt này có thể ở hai hay nhiều nơi cùng lúc theo một xác suất nhất định. "Trong một không gian trải rộng trên nhiều địa điểm, các hạt này có thể truyền tải thông tin từ nơi này đến nơi khác cùng lúc", giáo sư Szameit cho biết trong nghiên công bố hôm 11/1 trên tạp chí Laser & Photonics Reviews.
Theo UPI, trong thí nghiệm mới nhất, kỹ thuật dịch chuyển tức thời được áp dùng thành công để truyền tải các thông tin vật lý cổ điển. Các nhà nghiên cứu có thể sử dụng các hạt lượng tử để dịch chuyển tức thời thông tin cần thiết thông qua quá trình phức tạp mang tên "sự rối lượng tử".
"Tương tự trạng thái vật lý của các hạt cơ bản, tính chất của chùm ánh sáng cũng có thể được liên kết theo một ý đồ nào đó", Marco Ornigotti, đồng tác giả nghiên cứu, giải thích. "Nhờ đó, bạn có thể gắn các thông tin muốn truyền tải với một thuộc tính cụ thể của ánh sáng".
Cụ thể, thuộc tính ánh sáng mà các nhà nghiên cứu sử dụng trong thí nghiệm này là sự phân cực để mã hóa thông tin trong chùm tia laser. Thông tin mã hóa trong sự phân cực của ánh sáng được dịch chuyển tức thời tới một địa điểm khác mà không bị mất mát và sai lệch.