Các nhà khoa học lo ngại rằng tình trạng ấm dần lên của trái đất có thể làm băng ở các sông hồ tan chảy, giải phóng các virus cúm bị giam cầm trong đó từ vài thập kỷ. Một khi thoát ra, virus có thể tấn công gia cầm và gây đại dịch ở người.
“Giả thiết của chúng tôi là, virus cúm có thể sống sót trong băng sau nhiều mùa đông và tấn công chim hoang khi chúng quay lại các sông, hồ vào mùa xuân”, Scott Rogers, một nhà nghiên cứu tại Đại học Bowling Green State, bang Ohio, phát biểu.
Hồ băng Crowley ở bang California, Mỹ. |
Khi phân tích cấu trúc gene của virus lấy từ hồ Park, nơi có nhiều chim di cư nhất tại Siberia, Rogers và cộng sự phát hiện một số đoạn ARN quy định sự hình thành haemagglutinin, loại protein bề mặt giúp virus bám vào tế bào mà chúng tấn công.
Các nhà nhiên cứu cho biết họ sẽ tiếp tục tìm kiếm virus tại các hồ băng ở bang Alaska, Wyoming (Mỹ). Nhóm cũng có kế hoạch tới Canada và cả dãy núi Himalaya. Các sông, hồ băng ở những nơi này nằm trên đường bay tới châu Á, Bắc Mỹ, châu Âu, châu Phi của chim di cư, nghĩa là chúng sẽ để lại virus khi thải phân xuống sông. Rogers tin rằng khi băng tan, virus sẽ thoát vào không khí để rồi tiếp tục tấn công chim di cư vào mùa xuân.
“Các hồ băng là nơi tàng trữ mầm mống của dịch cúm. Khi nhiệt độ toàn cầu tăng lên, băng tan chảy và virus cúm sẽ được giải phóng. Chúng có thể gây đại dịch ở người”, Roger nhận định.
Jonathan Stoye, Giám đốc khoa virus học tại Viện nghiên cứu y khoa quốc gia Anh, cho rằng, virus có đủ khả năng tấn công động vật hay không phụ thuộc vào việc chúng bị đóng băng như thế nào.
“Virus bị đóng băng trong nước khó có khả năng tấn công do nồng độ pH trong nước tương đối thấp. Nhưng nếu virus nằm trong chất thải của chim, chúng có thể không bị đóng băng và vẫn sống sót ở nhiệt độ âm”, ông nói.
Stoye nói thêm rằng virus có khả năng sống sót trong môi trường nước ở nhiệt độ dưới âm nếu chúng bị đóng băng một lần. Ít nhất 90% virus bị tiêu diệt sau mỗi quá trình đóng – tan băng.
Rogers và các nhà khoa học tại Đại học Syracuse, New York, Mỹ từng tìm thấy loại virus cổ đại đầu tiên trong trạng thái đóng băng ở Bắc Cực vào năm 1999. Nhiều nhà nghiên cứu khác đã “đánh thức” được một loại vi khuẩn trong một hồ băng ở Alaska. Tính đến thời điểm bị đánh thức, chúng đã tồn tại trong băng ít nhất 32.000 năm. Trước đó, người ta cũng đã thành công trong việc hồi sinh một loại vi khuẩn có tuổi đời lên tới 250 triệu năm bị kẹt trong nước muối đóng băng.
Tính đến nay, virus H5N1 đã tràn qua châu Á, châu Âu và châu Phi. Cuộc chiến chống dịch cúm gia cầm đã được phát động ở hơn 50 nước. Kể từ năm 2003, virus đã cướp đi mạng sống của ít nhất 153 người
Chim di cư được cho là thủ phạm phát tán chủng virus cúm gia cầm H5N1, khiến cho ít nhất 200 triệu con chim chết hoặc bị con người tiêu hủy trên toàn thế giới.
Các chuyên gia lo ngại rằng H5N1 có thể biến đổi gene để dễ dàng tấn công người. 3 đại dịch cúm đã xảy ra trong thế kỷ trước. Trong giai đoạn 1918-1919, khoảng 40 tới 100 triệu người đã bỏ mạng vì virus H1N1. Một biến thể của chủng virus này vẫn tồn tại và tiếp tục gây bệnh đến tận ngày nay.
Việt Linh