Các nhà khoa học ở thành phố Rotterdam, Hà Lan biết chính xác những điều kiện để một virus cúm gia cầm biến đổi thành chủng có khả năng gây đại dịch ở người vì họ đã tạo ra các virus đột biến như vậy trong phòng thí nghiệm.
Trong khi theo dõi sát sao mọi diễn tiến của dịch cúm H7N9 mới xuất hiện ở người Trung Quốc, các nhà khoa học Hà Lan tuyên bố rằng sự cố đã minh oan cho quyết định tiến hành những thí nghiệm gây tranh cãi về virus đột biến bất chấp không ít sự cực lực phản đối.
Đối với chủng cúm gia cầm mới H7N9, điều thế giới rất cần biết hiện nay là loại virus này có thể lây lan sang người - điều chưa từng thấy trước đây - như thế nào. Và theo Ab Osterhaus - nhà nghiên cứu cúm hàng đầu thế giới giữ vị trí trưởng khoa virus học thuộc Trung tâm Y tế Erasmus (Hà Lan), các nghiên cứu do nhóm của ông và những nhà khoa học khác ở Mỹ đang tiến hành là cách tốt nhất để giải đáp bí ẩn trên.
Công trình khoa học nắm giữ "chìa khóa bí mật" trên có tên gọi là nghiên cứu "tạo lập chức năng" (GOF). Mục đích của nghiên cứu này là nhằm xác định sự kết hợp của những thay đổi di truyền hoặc đột biến nào cho phép một virus ở động vật lây nhiễm sang người.
Một bệnh nhân nghi nhiễm virus cúm H7N9 đang được điều trị tại bệnh
viện ở Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc ngày 3/4. (Ảnh: Reuters)
Bằng cách tìm ra những đột biến cần thiết, các nhà nghiên cứu và trên hết là cơ quan chức trách y tế sẽ được trang bị tốt hơn để đánh giá việc một virus mới có thể trở nên nguy hiểm như thế nào hoặc nếu nó "tác oai tác quái" thì họ có thể bắt đầu phát triển thuốc, vắc-xin và các biện pháp phòng chống khoa học khác sớm tới mức nào.
Tuy nhiên, công trình nghiên cứu như vậy hiện vẫn gây tranh cãi rất lớn.
Khi hai nhóm nhà khoa học tuyên bố hồi cuối năm 2011 rằng họ đã phát hiện ra cách biến một chủng cúm gia cầm nữa - H5N1 - thành một dạng có thể lây lan từ người sang người, nhiều ý kiến lớn tiếng cảnh báo đến mức Ủy ban Cố vấn khoa học về an ninh sinh học quốc gia Mỹ (NSABB) đã thực hiện một động thái chưa từng có tiền lệ nhằm tìm cách kiểm duyệt việc công bố các nghiên cứu này.
Trong hàng loạt thử nghiệm GOF, các nhà khoa học đã gây ra những đột biến ở virus H5N1, khiến nó có thể dễ dàng lây nhiễm ở động vật có vú nhờ các giọt trong không khí.
NSABB tuyên bố, họ lo ngại công trình do nhóm của ông Ron Fouchier ở phòng thí nghiệm Rotterdam (Hà Lan) và một nhóm thứ hai của Yoshihiro Kawaoka tại Đại học Wisconsin (Mỹ) có thể rơi vào tay kẻ xấu và trở thành công cụ cho bọn khủng bố sinh học. Nói một cách khác, nhà chức trách Mỹ e sợ các nhà khoa học "đang tạo ra một con quái vật" như cách mô tả của chuyên gia virus cúm Wendy Barclay thuộc trường Imperial College London (Anh).
Một cuộc tranh luận nảy lửa nổ ra và các nhà nghiên cứu cúm trên khắp thế giới rốt cuộc đã nhất trí 2 năm trì hoãn tiến hành thêm những thử nghiệm dạng này cho tới khi mọi lo lắng nguôi ngoai. Dẫu vậy, trong suốt thời gian đình hoãn vừa qua, một số nhà khoa học khuyến cáo rằng nghiên cứu như vậy là thiết yếu đối với việc phòng bị cho đại dịch cúm tiếp theo và rằng từ bỏ nó sẽ đẩy thế giới vào thế lâm nguy khi các chủng cúm mới xuất hiện.
Hồi tháng 1 vừa qua, chuyên gia Barclay đã ký tên vào một bức thư ngỏ cùng 39 nhà khoa học khác nhằm kêu gọi chấm dứt thời kỳ đình hoãn nghiên cứu về khả năng truyền nhiễm cúm gia cầm. Ông Barclay nhấn mạnh, các diễn biến hiện nay ở Trung Quốc đã hàm chỉ lí do tại sao.
"Sự xuất hiện của H7N9 chứng tỏ một cách chắc chắn rằng, cúm sẽ xảy ra thường xuyên do nguồn gây bệnh từ động vật. Nó cũng nhấn mạnh một thực tế rằng, đối với mỗi loại virus, chúng ta không biết liệu nó có sẵn khả năng lây lan từ người sang người khi xuất hiện hay không, hay liệu nó có bị vô hiệu hóa vì khi tiếp cận được vật chủ là người thì không thể vượt qua một số rào cản sẵn có hay không", ông Barclay nói.
Trong khi đó, nhà nghiên cứu Osterhaus thú nhận: "Ở thời điểm hiện tại, chúng tôi không biết liệu có nên đưa ra một cảnh báo toàn diện hay nên ngồi lại với nhau và tuyên bố đây chỉ là một vấn đề nhỏ. Để trả lời được câu hỏi này, chúng ta cần biết virus H7N9 cần những gì để sở hữu khả năng lây lan diện rộng".