Lần đầu tiên các chuyên gia Anh đã thành công trong việc sử dụng nước tiểu để tạo ra điện, mở ra hướng phát triển mới cho ngành năng lượng thế giới trong tương lai.
Kết quả cuộc nghiên cứu do tiến sĩ Ioannis Ieropoulos thuộc Đại học Tây Anh ở Bristol chủ trì vừa được công bố trên chuyên san Physical Chemistry Chemical Physics. Tế bào nhiên liệu sinh học (MFC) bao gồm một cực dương và một cực âm, cách nhau bằng một màng chọn lọc iron. Các vi sinh vật sống ở phía cực dương, nơi chúng ô xy hóa các nguồn nhiên liệu để sản sinh electron và proton thông qua quá trình hô hấp kỵ khí. Những sản phẩm phụ hạ nguyên tử chuyển thành cực âm, kết hợp với ôxy để tạo ra điện.
Nhà khoa học Ioannis Ieropoulos và công trình nghiên cứu của mình
Nguồn nhiên liệu là những thứ có thể phân hủy sinh học và là chất hữu cơ như nước thải, đường, glucose, tinh bột, cellulose. Tiến sĩ Ieropoulos đã chọn nước tiểu để thử nghiệm, đó là một nguồn nhiên liệu hữu dụng do chứa nhiều hợp chất hữu cơ như carbohydrate, nitrogen, kali, phosphorous.
Ieropoulos và cộng sự phát hiện MFC từ nước tiểu cho ra những lượng điện nhỏ. Bên cạnh đó, quy trình bên trong các MFC đã làm sạch nước tiểu nên nó có thể được thải ra môi trường an toàn. “Chúng tôi rất phấn khích với tiềm năng của công trình khoa học này. Tác động của nó thật lớn lao, cho phép chúng ta nghĩ đến chất thải theo cách mới”, Ieropoulos nhấn mạnh.
Khỏi phải nói, nước tiểu là nguồn “tài nguyên” hết sức dồi dào. Mỗi người xuất ra khoảng 2,5 lít nước tiểu mỗi ngày, tức khoảng 6.400 tỉ lít trên toàn cầu mỗi năm. Đó là chưa kể gia súc ở các trang trại, vốn sản xuất lượng nước tiểu gấp 2-3 lần so với con người.
Loại nước thải không mấy “thân thiện” với mũi người này gần đây đã được sử dụng cho nhiều cuộc nghiên cứu phục vụ dân sinh ở Singapore, Nhật Bản, Mỹ... Nó được chứng minh có thể sử dụng để sạc pin điện thoại, chạy xe máy, sản xuất nước hoa và đặc biệt là làm nhiên liệu cho tên lửa đẩy.