Đối với những người thuộc thập niên 80 và 90 thì đã biết đến Internet từ những thời kỳ đầu tiên. Để dùng Internet vào thời đó, bạn cần dây nối và một hộp quay số nối với đường dây điện thoại. Mỗi khi có điện thoại thì mạng Internet sẽ mất kết nối. Sau đó, mạng quay số đã phát triển thành đường truyền Ethernet, tuy nhiên loại kết nối mới này vẫn cần phải có dây nối chạy khắp nhà.
Wifi khiến việc kết nối mạng trở nên đơn giản hơn rất nhiều. Kết nối Wifi khiến những sợi cáp nối trở nên lỗi thời, bạn chỉ cần một điểm truy cập cho nhiều thiết bị độc lập kết nối mạng Internet cùng lúc. Câu cửa miệng của thế hệ ngày nay khi đến nhà một ai đó không còn là hỏi xin một cốc nước nữa, mà là xin mật khẩu Wifi.
Wifi trở nên phổ biến đến mức người dùng thích sử dụng nó hơn là dịch vụ dữ liệu di động của các nhà mạng. Chắc hẳn bạn cũng đã có một lần đau lòng sau khi ngồi hàng giờ lướt mạng trên điện thoại mới phát hiện ra mình đang sử dụng dữ liệu di động thay vì Wifi.
Tuy vậy, Wifi có một giới hạn về phạm vi sử dụng, chỉ những thiết bị trong vùng phủ sóng của nó mới có thể truy cập Internet. Độ mạnh của sóng Wifi được hiển thị trên thiết bị của bạn, nhưng làm thế nào thiết bị của bạn có thể đo được độ mạnh của sóng Wifi? Trước tiên, hãy cùng tìm hiểu Wifi là gì.
Wifi là gì?
Wifi được phát triển từ thập niên 90 bởi tiến sĩ John O'Sullivan cũng với các cộng sự dưới sự quản lý của Liên minh Wifi Alliance. Wifi được sử dụng cho mạng cục bộ không dây (WLAN). Nó cho phép nhiều thiết bị có thể kết nối Internet cùng lúc như điện thoại, máy tính bảng, máy tính xách tay, TV, máy in… Ngoài ra, nó còn cho phép các thiết bị này chia sẻ dữ liệu với nhau, tạo ra một mạng cục bộ kết nối các thiết bị với nhau. Wifi sử dụng giao thức kết nối Internet (IP) để giao tiếp, nhờ đó chúng có khả năng trao đổi tốt hơn nhiều so với sóng vô tuyến mặt đất. Về cơ bản, ngôn ngữ của Internet tạo ra sóng Wifi với cấu trúc phức tạp.
Wifi là một công nghệ vô tuyến an toàn, hoạt động dựa trên việc sử dụng sóng vô tuyến để kết nối giữa các thiết bị. Có nhiều loại sóng điện từ khác nhau với tần số từ 30 Hz cho đến 300 GHz, mỗi loại sóng đều được tạo bởi một máy phát. Máy phát là một thiết bị điện tử được kết nối với một ăng-ten phát sóng.
Wifi hiện đang truyền tải khoảng 60% lưu lượng Internet toàn cầu. (Photo Credit: Rido/ Shutterstock).
Sóng Wifi được phát ở hai tần số 2.4 GHz và 5 GHz. Tần số càng thấp thì sóng đi càng xa, do đó sóng Wifi có tần số 2.4 GHz có độ phủ sóng rộng hơn. Tuy nhiên, đổi lại là nó sẽ có tốc độ thấp hơn so với tần số 5 GHz. Sóng Wifi ở tần số 5 GHz cho tốc độ truy cập cao hơn, nhưng chỉ có thể sử dụng trong phạm vi nhỏ. Việc Wifi có thể sử dụng trên cả hai tần số giúp chúng giảm nhiễu và vượt qua các vật cản để đảm bảo đường truyền mạnh mẽ đến thiết bị của bạn.
Bộ định tuyến (Router) hoạt động như thế nào?
Bộ định tuyến là cầu nối giữa thiết bị truy cập và mạng Internet thông qua sóng Wifi. Đúng với tên gọi, thiết bị này định tuyến lưu lượng truyền tải giữa mạng Internet và thiết bị truy cập.
Bộ định tuyến cho phép nhiều thiết bị truy cập Internet cùng lúc. (Photo Credit: Macrovector/ Shutterstock).
Bên trong bộ định tuyến là bộ phát và bộ thu sóng vô tuyến công suất thấp để chuyển đổi tín hiệu vô tuyến thành tín hiệu điện và ngược lại. Một bộ định tuyến có độ phủ sóng tối đa khoảng 90m, con số này tùy thuộc vào từng nhà sản xuất, đặc trưng từng sản phẩm, loại tường và vật cản giữa các thiết bị với nhau.
Bộ định tuyến gửi và nhận dữ liệu từ các thiết bị kết nối với nó. Bộ định tuyến có một quy trình làm việc rất trật tự. Mỗi một thiết kết nối với bộ định tuyến đều được cấp một địa chỉ IP, nhờ đó nó cũng tạo thành một mạng cục bộ. Nó hoạt động tương tự như một dịch vụ chuyển phát nhanh, mà hàng hóa chính là dữ liệu. Dữ liệu sẽ được chuyển đến nơi nhận thông qua địa chỉ IP đã được cấp, nhờ đó tránh được khả năng nhầm lẫn dữ liệu trong quá trình trao đổi.
Độ mạnh của sóng Wifi được tính như thế nào?
Không có bất cứ một quy chuẩn chung nào cho các nhà sản xuất đo độ mạnh sóng Wifi, dù Chỉ số cường độ tín hiệu nhận (RSSI) là một hệ thống đo lường được sử dụng khá phổ biến. Một số bộ định tuyến sử dụng thang đo 0-60 (RSSI), một số khác lại sử dụng thang đo 0-255 (RSSI).
Để khiến những thông số này trở nên dễ hiểu, độ mạnh sóng Wifi được đo bằng đơn vị dBm (decibel-miliwatts). Đơn vị này biểu thị độ mạnh thông qua hiệu số công suất tính bằng decibels (dB) so với miliwattes (mW). Chỉ số dBm có giá trị âm, tín hiệu Wifi mạnh có giá trị khoảng -30 dBm và sóng Wifi không sử dụng được sẽ rơi vào khoảng -90 dBm.
Các thiết bị đo độ mạnh của sóng Wifi như thế nào?
Cũng tương tự bộ định tuyến, các thiết bị có khả năng kết nối Wifi đều được trang bị bộ phát và bộ thu sóng vô tuyến bên trong giúp chuyển đổi tín hiệu vô tuyến thành tiến hiệu điện và ngược lại. Đây là một yêu cầu bắt buộc để thiết bị có thể kết nối với bộ định tuyến để gửi và nhận dữ liệu (hay với bất cứ loại thiết bị phát sóng Wifi khác như điểm truy cập di động chẳng hạn). Do đó, độ mạnh của tín hiệu được xác định giữa máy thu và máy phát giữa thiết bị và bộ định tuyến.
Như đã đề cập ở trên, tín hiệu Wifi sẽ yếu dần theo khoảng cách tăng dần và khi có nhiều vật cản sóng giữa thiết bị truy cập và bộ định tuyến. Sự yếu đi của sóng được thể hiện bằng độ giảm chỉ số dBm (đơn vị đó độ mạnh sóng Wifi). Vị trí của thiết bị trong vùng phủ sóng sẽ biểu thị chỉ số độ mạnh dBm của sóng Wifi.
Chỉ số dBm giảm đồng nghĩa với cường độ sóng Wifi yếu đi. (Photo Credit: Rido/Shutterstock).
Khi kích hoạt kết nối Wifi trên điện thoại, bộ phát sóng cũng sẽ được bật và kết nối với bộ định tuyến. Khi đó, điện thoại sẽ tự xác định vị trí của mình trong vùng dBm bao nhiêu và đánh giá độ mạnh của sóng Wifi đó. Độ mạnh của sóng Wifi biểu thị trên điện thoại dưới dạng vạch sóng. Nếu thiết bị nằm trong vùng từ -30 đến -50 dBm, cột sóng sẽ biểu thị đủ tất cả các vạch.
Nếu nằm trong vùng khoảng -80 dBm, cột sóng sẽ chỉ còn một vạch, có nghĩa là sóng Wifi bạn đang kết nối rất yếu. Nếu nằm trong vùng -90 dBm hoặc hơn, thiết bị sẽ không thể kết nối và thông báo không có sóng Wifi xung quanh bạn.