Tàu Hằng Nga 6 không trang bị máy sưởi để giúp tàu sống sót qua đêm Mặt trăng lạnh lẽo kéo dài.
Nhiệm vụ Hằng Nga 6 của Trung Quốc mang thành công mẫu vật đầu tiên từ vùng tối của Mặt trăng về Trái đất. Tàu Hằng Nga 6 phóng vào ngày 3/5. Nhiệm vụ bao gồm 4 module là tàu bay quanh quỹ đạo, tàu đổ bộ, tên lửa nhỏ và khoang hồi quyển. Tàu đổ bộ hạ cánh ở miệng hố Apollo hôm 1/6 với nhiệm vụ chính là xúc và khoan mẫu vật từ vùng tối Mặt trăng và đặt trên tên lửa để phóng lên quỹ đạo. Mẫu vật về tới Trái đất hôm 25/6, hạ cánh như dự kiến trên bãi cỏ ở Nội Mông, theo Space.
Tàu đổ bộ Hằng Nga 6 ở vùng tối Mặt trăng. (Ảnh: CNSA).
Trong khi đó, tàu đổ bộ Hằng Nga 6 vẫn ở trên Mặt trăng. Phương tiện mang theo các thiết bị khác, bao gồm máy chụp ảnh toàn cảnh và robot tự hành nhỏ. Thông tin liên quan đến số phận của tàu đổ bộ gần đây đến từ cơ quan vũ trụ Pháp CNES, đơn vị thiết kế máy phát hiện khí radon mang tên DORN cho nhiệm vụ. "Đúng như kế hoạch, DORN dừng hoạt động không lâu trước khi tên lửa cất cánh từ bề mặt Mặt trăng trong khi tàu đổ bộ im lìm", CNES cho biết.
Hoạt động cất cánh của tên lửa nhiều khả năng gây hư hại cho tàu đổ bộ, dù phương tiện này vẫn có thể ghi hình sự kiện. Do đó, mọi hoạt động bao gồm tự động triển khai robot tự hành và chụp ảnh tàu đổ bộ hoàn tất trước khi tên lửa cất cánh, trong đó có kích hoạt một thiết bị khác của Pháp chuyên ghi nhận những hạt tích điện chưa từng phát hiện trước đây trên bề mặt Mặt trăng.
Bất kỳ hoạt động nào tiến hành sau khi tên lửa cất cánh sẽ dừng lại khi màn đêm buông xuống miệng hố Apollo. Khác với tàu đổ bộ Hằng Nga 3 và Hằng Nga 4 vẫn đang hoạt động ở vùng sáng và vùng tối của Mặt trăng, tàu Hằng Nga 6 không mang theo máy sưởi đồng vị phóng xạ cần thiết cho hoạt động dài hạn, giúp tàu sống sót qua nhiệt độ lạnh sâu trong đêm Mặt trăng. Buổi đêm ở miệng hố Apollo bắt đầu hôm 11/6 và Mặt Trời mọc trở lại hôm 26/6.
Trong khi đó, tên lửa chở mẫu vật từ Mặt trăng lên tàu bay quanh quỹ đạo, hiện nay cũng ngừng hoạt động. Nhà chức trách cơ quan vũ trụ của Trung Quốc không tiết lộ số phận của tên lửa. Nhiều khả năng, nó đã rơi xuống Mặt trăng sau khi ghép nối với tàu bay quanh quỹ đạo và chuyển giao mẫu vật. Việc vắng tín hiệu từ tên lửa chứng tỏ nó được điều khiển để va chạm với Mặt trăng.
Trung Quốc dường như áp dụng quy trình lấy mẫu vật tương tự nhiệm vụ Hằng Nga 5 đưa mẫu vật vùng sáng của Mặt trăng trở về Trái đất cuối năm 2020. Khoang hồi quyển và mẫu vật bên trong đã được chuyển tới Bắc Kinh trong ngày 26/6. Mẫu vật sẽ nhanh chóng được bàn giao cho cơ sở chuyên dụng để lưu trữ, phân tích và phân phối.
Trong khi đó, vệ tinh chuyển tiếp Thước Kiều 2 giúp điều phối nhiệm vụ lấy mẫu vật ở vùng tối sẽ tiếp tục quay quanh quỹ đạo Mặt trăng. Vệ tinh này sẽ hỗ trợ nhiệm vụ Hằng Nga 4 hiện nay và nhiệm vụ Hằng Nga 7 nhắm tới cực nam Mặt trăng năm 2026.